CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN
Trước mặt Thiên Chúa, không ai là người ngoại bang xa
lạ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 56:1, 6-7; Rm 11:13-15, 29-32; Mt 15:21-28)
Chúng ta thường chứng kiến những cảnh
nhân loại tàn sát nhau vì khác biệt chủng tộc, chính trị và cả tôn giáo nữa. Nhưng Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày một
chân lý độc đáo là mọi người đều bình đẳng trước mặt Chúa và xứng đáng lãnh nhận
tình yêu và lòng thương xót của Người.
Qua ngôn sứ I-sai-a, Thiên Chúa muốn hết mọi người dù là Do-thái hay ngoại
bang đều có thể trở nên tôi tớ của Chúa và được quy tụ trong “nhà cầu nguyện của
muôn dân”. Khi được sai đi rao giảng Tin
Mừng cho dân ngoại, thánh Phao-lô thường bị người Do-thái chỉ trích, nên ngài
đã mạnh dạn bênh vực các Ki-tô hữu gốc dân ngoại; ngài khẳng định rằng “khi Thiên Chúa đã ban
ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý”.
Nổi bật nhất là hành động của Chúa Giê-su khi Người khen ngợi đức tin của
người đàn bà Ca-na-an và chữa lành con gái của bà đã minh chứng cho tình yêu
không kỳ thị của Thiên Chúa.
1.
Bất cứ người ngoại bang nào cũng
được Thiên Chúa đón nhận và ban ơn cứu độ.
Đó là điều Thiên Chúa khẳng định qua ngôn sứ I-sai-a. Tuy dân Ít-ra-en được Thiên Chúa tuyển chọn
giữa muôn dân, nhưng đây chỉ là bước đầu chuẩn bị cho việc Thiên Chúa sẽ cứu độ
toàn thể nhân loại. Ít-ra-en là khởi đầu
của lịch sử ơn cứu độ, chứ không phải là dân độc quyền thừa hưởng những ân huệ
của Thiên Chúa, vì từ dân tộc này, Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại Đấng Cứu Độ
trần gian. Ngôn sứ I-sai-a là người quảng
bá đặc tính phổ quát trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Để phản bác những quan điểm cho rằng Ít-ra-en
giữ độc quyền làm con cái Thiên Chúa, ngôn sứ đã ghi lại lời Thiên Chúa phán dạy
về ý định của Người, rằng bất cứ ai “tuân giữ điều chính trực và thực hành điều
công minh” thì đều được lãnh nhận ơn cứu độ và đức công chính của Người. Không phải chỉ những người Do-thái, mà bất cứ
người ngoại bang nào phụng sự và yêu mến Thiên Chúa cũng sẽ trở nên tôi tớ của
Người. Thiên Chúa còn mời gọi họ biểu lộ
lòng phụng thờ yêu mến ấy tại “núi thánh” của Người, vì Đền Thờ Giê-ru-sa-lem
đã trở thành “nhà cầu nguyện của muôn dân” mở cửa đón mọi người và không chỉ
dành riêng cho dân Do-thái. Được trở nên
“tôi tớ của Thiên Chúa và hoan hỷ nơi nhà cầu nguyện” của Chúa chính là ý nghĩa
của việc lãnh nhận ơn cứu độ vậy.
2.
Theo thánh Phao-lô, khi Thiên Chúa
đã ban ơn và kêu gọi dân ngoại, thì Người không hề đổi ý. Trong cuộc truyền giáo của thánh Phao-lô, điều
khó khăn ngài phải đối phó chính là thái độ “ganh tị” và chống đối của nhiều
anh em đồng bào Do-thái. Họ là những người
chủ trương không chấp nhận đặc tính phổ quát của ơn cứu độ. Họ cho rằng Thiên Chúa chỉ cứu độ những người
Do-thái tuân thủ Lề Luật và những truyền thống của Do-thái giáo mà thôi. Do đó, trong các thư gửi Ki-tô hữu gốc dân
ngoại, Phao-lô thường bày tỏ lập trường đề cao đặc tính phổ quát của ơn cứu độ. Viết những thư này, Phao-lô không chỉ tôn
vinh ý định nhiệm mầu yêu thương của Thiên Chúa, mà còn nhắm bênh vực đức tin của
anh chị em dân ngoại đã đón nhận Tin Mừng nữa.
Ngài quả quyết Thiên Chúa không hề đổi ý cứu độ mọi người, kể cả dân ngoại,
vì Chúa yêu thương tất cả những ai vâng phục Người. Trước kia dân ngoại không tuân phục, nhưng
bây giờ họ đã vâng phục Chúa rồi!
3.
Nhờ lòng tin chứ không phải vì
danh nghĩa Do-thái mà người ta được Thiên Chúa xót thương. Hành động mạnh hơn lời nói. Đúng vậy, những lời quả quyết của ngôn sứ
I-sai-a cũng như hùng hồn của thánh Phao-lô đã giúp ta hiểu đặc tính phổ quát của
ơn cứu độ. Tuy nhiên câu chuyện Tin Mừng
hôm nay là sự kiện rõ ràng chứng tỏ Thiên Chúa nhậm lời cầu xin của bất cứ ai
tin vào Người. Một người đàn bà xứ
Ca-na-an đến cầu xin Chúa Giê-su chữa lành đứa con gái của bà bị quỷ ám khổ sở. Chúa biết rõ lòng tin của bà, nhưng trì hoãn
và tạo cơ hội cho bà biểu lộ lòng tin ấy.
Thậm chí Người còn sử dụng từ ngữ mang tính cách khinh miệt khi người ám
chỉ bà là “chó” không xứng đáng lãnh nhận ân huệ của Người. Người đã trả lời xẵng với bà: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném
cho lũ chó con”! Nhưng lòng tin luôn đặt
nền móng trên đức khiêm nhường. Vì thế,
bà đã thực sự hạ mình trước mặt Chúa, không những chấp nhận thân phận chó của
bà, mà bà còn hạ xuống thêm một cấp nữa là chó con. Đây là lúc Chúa Giê-su chờ đợi để tuyên dương
đức tin của người phụ nữ dân ngoại xứ Ca-na-an.
“Này bà, lòng tin của bà mạnh thật!
Bà muốn thế nào, sẽ được như vậy”.
Một lần nữa, Chúa Giê-su đã chứng tỏ đức tin là điều kiện để mọi người
được cứu độ, không trừ ai.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Bất cứ bài đọc nào hôm nay cũng giúp ta
hướng về chân lý duy nhất, là Thiên Chúa yêu thương và muốn cứu độ mọi kẻ tin
vào Người. Đặc tính phổ quát của ơn cứu
độ phát xuất từ tình yêu vô điều kiện và lòng thương xót của Thiên Chúa. Chúa kêu gọi mọi người hãy sống như con cái
Người; lời kêu gọi nên thánh là lời kêu
gọi phổ quát. Vậy bạn và tôi không có bất
cứ lý do nào để từ chối lời mời gọi này, dù chúng ta là người tốt hay những kẻ
tội lỗi tồi tệ nhất thế giới. Chúa đã
ban ơn cho ta làm con cái Chúa và kêu gọi ta sống theo gương Chúa Giê-su, thì
chắc chắn Người sẽ cho ta được hưởng vinh phúc đời đời.
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi