Chúa Nhật Thứ 21 TN – 23 tháng 8 năm 2020

Các bài đọc: Is 22:19–23 • Ps 138:1–3, 6, 8 • Rom 11:33–36 • Mt 16:13–20
  usccb.org/bible/readings/082320.cfm

Phó tế David Powers

 

"Con là Phêrô, nghĩa là Đá Tảng, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Mt 16: 18)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Kitô nói với Simon rằng tên con sẽ là Phêrô, nghĩa là “Đá tảng”. Tại sao gọi Simon, người đánh cá, là “Đá”? Nhận một tên mới có nghĩa là địa vị của người đó đã được thay đổi, như khi tên của Gia-cóp được đổi thành Israel hay tên Áp-ram được đổi thành Áp-ra-ham. Nhưng không có người Do Thái nào được đặt tên là "Đá". Trong phần còn lại của Tân Ước, Simon được gọi bằng tên mới là Phêrô. Chúa Giê-su cũng hứa rằng, theo một cách nào đó, Giáo hội sẽ được thành lập trên Phêrô và các cửa địa ngục sẽ không bao giờ thắng được Giáo hội này. Sau đó, hai điều quan trọng được nói với Phêrô: "Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Tại đây Phêrô đã được ban cho quyền trên đất để tha thứ tội lỗi và cai quản Hội thánh do Đức Kitô thành lập. 

Trong chương 18, Tin Mừng Mát-thêu, các tông đồ nói chung sẽ được ban cho quyền năng tương tự, nhưng ở đây Phêrô đã nhận được quyền năng đó một cách đặc biệt. Đức Kitô đã hứa với một mình Phêrô: “Ta sẽ ban cho anh chìa khóa Nước Trời.” Trong thời cổ đại, chìa khóa đại diện cho quyền lực. Vì vậy, khi được trao chìa khóa một thành phố có nghĩa là được trao quyền đối với thành phố đó. Chính Thiên đàng, hay Giêrusalem Mới, là thành phố mà Phêrô được trao chìa khóa. Biểu tượng cho quyền lực này đã được sử dụng trong bài đọc I từ Isaia, nơi Eliakim được trao quyền lực tượng trưng bằng những chiếc chìa khóa, có nghĩa là ông chỉ đứng sau nhà vua, giống như một thủ tướng và ông có thể hành động theo quyền lực của nhà vua. Phêrô và những người kế vị ông, các đời giáo hoàng không gián đoạn, chỉ đứng sau Vua của chúng ta là Chúa Giêsu Kitô. 

Có nhiều bằng chứng trong Tân Ước rằng Phêrô là người đầu tiên có thẩm quyền trong số các Tông đồ. Bất cứ khi nào họ được nêu tên, Phêrô luôn đứng đầu danh sách. Phêrô là tiếng nói chung cho các Tông đồ. Phêrô đã làm phép lạ chữa bệnh đầu tiên trong thời đại của Giáo hội, được ghi lại trong Công vụ Tông đồ. Chúa Giêsu yêu cầu một mình Phêrô củng cố anh em mình, và được giao đàn chiên của Đức Kitô để chăn dắt. Tin Mừng Gioan kể rằng Maria Madalena đã chạy đến nói với Phêrô và người môn đệ mà Chúa Giêsu yêu mến về ngôi mộ trống vào buổi sáng Phục sinh. Phêrô đứng đầu cuộc họp đã bầu Matthia thay thế Giuđa, và vào Lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã tuyên tín vào Chúa Kitô Phục sinh và tiếp nhận những người trở lại đầu tiên qua phép rửa. Phêrô lãnh đạo hội đồng đầu tiên tại Giêrusalem và tuyên bố quyết định về mặt tín lý của hội đồng, nơi Giacôbê thảo luận về việc áp dụng quyết định trong mục vụ. Phêrô nhận được sự mặc khải rằng dân ngoại phải chịu phép rửa và được chấp nhận là Kitô hữu. Vị trí ưu việt của Thánh Phêrô trong số các Tông đồ đã được biểu trưng ngay khi bắt đầu mối quan hệ của ông với Đức Kitô như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, và quyền hành này được truyền lại qua việc kế vị tông đồ cho giám mục Rôma, Rôma là thành phố nơi Thánh Phêrô đã tử đạo vì Đức tin và là nơi ông đã lãnh đạo Giáo hội trong nhiều năm. 

Thẩm quyền giảng dạy của Đức Giáo hoàng cùng với các giám mục được bắt nguồn trực tiếp từ Đức Kitô. Chúng ta có thể được an ủi khi biết rằng khi Đức Giáo Hoàng đưa ra phán quyết hoặc tuyên bố, hoặc ban hành giáo huấn về đức tin và luân lý, thì giáo huấn đó đến từ Đúc Kitô và được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần. Lời an ủi nhất trong bài đọc Tin Mừng này hôm nay là Chúa Giêsu hứa rằng các cửa của thế giới bên kia (địa ngục) sẽ không bao giờ thắng được Giáo Hội của ngài được thành lập trên Tảng Đá, Phêrô. Đã có nhiều cuộc tấn công vào giáo lý của Giáo hội trong nhiều thế kỷ, nhưng không có cuộc tấn công nào gây ra sự thay đổi dù là nhỏ nhất về bản chất của những lời giáo huấn của Đức Kitô qua Giáo hội của Ngài. Tôi thực sự kêu gọi chúng ta học biết về Giáo hội của chúng ta theo một cách mới. 

Tôi mời gọi tất cả phải biết những gì Giáo Hội dạy nhưng quan trọng hơn là tại sao Giáo Hội dạy như vậy. Hãy củng cố đức tin của chúng ta bằng sự hiểu biết về lẽ thật của Hội Thánh về cách sống theo lời giáo huấn của Chúa Giêsu. Có những câu trả lời hợp lệ cho các câu hỏi luân lý, cả trong Kinh Thánh và Truyền thống Thánh, đã và đang được Đức Giáo Hoàng và các giám mục cùng nhau giảng dạy, quyền giáo huấn của Giáo Hội (Huấn Quyền). Có những câu trả lời cho những câu hỏi về sự cứu rỗi của chúng ta và về lý do tại sao chúng ta tôn kính các thánh và Mẹ Maria; Có những câu trả lời về lý do tại sao chúng ta thờ phượng Chúa trong Thánh Lễ và cách chúng ta nhận được các ân sủng của Chúa qua việc lãnh nhận các bí tích. Có những câu trả lời cho những câu hỏi về giáo lý của Giáo hội về tội phá thai, hành hạ, hôn nhân đồng tính, quan hệ tình dục trước hôn nhân và tránh thai. Câu trả lời ở đó và chúng ta có thể tìm kiếm chúng thông qua các lớp học giáo dục người Công giáo thành niên, các bài bình luận Kinh thánh Công giáo và các trang nhà (web) Công giáo, kết hợp với những lời dạy của Đức Thánh Cha, quảng bá Giáo lý của Giáo hội Công giáo và giúp giải thích những giáo lý trong đó. 

Tôi tha thiết kêu gọi tất cả mọi người hãy yêu Giáo hội của chúng ta, Giáo hội của Chúa chúng ta, Chúa Giêsu Kitô, được thành lập dựa trên Phêrô và các Tông đồ. Ngay cả với tất cả những lỗi lầm và thất bại của một số nhà lãnh đạo trong suốt lịch sử 2000 năm của mình, Giáo hội vẫn tồn tại và thậm chí phát triển mạnh mẽ bởi vì Chúa Kitô đã ban ân sủng của Người khiến các thánh được nâng lên trong Giáo hội để gìn giữ tình yêu của Người đối với chúng ta và cho chúng ta thấy những tấm gương về cách để sống - không chỉ bởi vì các cửa địa ngục sẽ không chiến thắng Giáo hội, mà cả Giáo hội sẽ xông vào các cửa đó và ngăn chặn điều ác - và ân sủng của Thiên Chúa sẽ ngự trị trên mọi sự của thế giới này và cả thế giới tiếp theo - thế giới của Jerusalem Mới - thành phố trên trời của Thiên Chúa. Cầu xin Chúa Giêsu bao bọc tất cả chúng ta trong tình yêu chữa lành của Người, và an ủi chúng ta trong nỗi buồn của chúng ta, để niềm vui trong cuộc sống của Người mà chúng ta chia sẻ sẽ đến với tất cả chúng ta qua Giáo hội duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền của Người, nơi duy nhất trên địa cầu, chúng ta có thể tiếp nhận Người, mình, máu, linh hồn và thần tính, trong Thánh Thể. Nơi duy nhất chúng ta có thể được Chúa Giêsu Kitô tha thứ cho những tội chúng ta chống lại Thiên Chúa và những người khác. Nơi duy nhất chúng ta có thể yên nghỉ khi biết rằng Giáo hội được thành lập trên Tảng đá, Phêrô, là Giáo hội Công giáo của chính chúng ta.

Nguồn: https://www.hprweb.com/2020/07/homilies-for-august-2020/

JB Đào Ngọc Điệp, chuyển ngữ


Suy Niệm Lời Chúa Năm A