CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN

Sửa lỗi là bổn phận và là món nợ phải trả

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Ed 33:7-9;  Rm 13:8-10;  Mt 18:15-20)

        Chúng ta đều là những con người bất toàn, cần được người khác giúp sửa lỗi lầm.  Khi còn nhỏ và trong gia đình, ta được cha mẹ sửa dạy và dễ dàng chấp nhận.  Nhưng khi ta trưởng thành, việc sửa lỗi trở thành khó khăn dù ta sửa lỗi người khác hoặc chấp nhận người khác giúp ta nhận ra lỗi lầm.  Qua các bài đọc hôm nay, Chúa cho chúng ta nhìn rõ vấn đề sửa lỗi như một bổn phận (bài đọc 1), một hành vi trả “món nợ tương thân tương ái” (bài đọc 2).  Cụ thể hơn, Chúa Giê-su đã cho ta thấy những bước tuần tự trong việc sửa lỗi người khác, để việc sửa lỗi đem lại hiệu quả tích cực (bài Tin Mừng).

        1.  Thiên Chúa coi việc ngôn sứ sửa lỗi dân Chúa là một bổn phận.  Như chúng ta thấy trong lịch sử dân Chúa, các ngôn sứ thường là những người Chúa sai đến với sứ mệnh thức tỉnh dân chúng và kêu gọi họ trở về đường ngay nẻo chính.  Chúa xác định rõ ràng đâu là trách nhiệm của các ngài.  Qua Ê-dê-ki-en, Chúa nhắc lại nhiệm vụ của ngôn sứ là “sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết”.  Nói khác đi, ngôn sứ là người nói thay cho Thiên Chúa.  Các ngài chuyển tải sứ điệp của Thiên Chúa cho dân chúng.  Thay mặt Chúa, các ngài tố cáo lỗi lầm của dân chúng và kêu gọi họ thay đổi.  Tuy nhiên Chúa lại ấn định rõ ràng đây là một bổn phận các ngôn sứ phải chu toàn, nếu không chính các ngài sẽ bị Thiên Chúa trừng phạt.  Tại sao Chúa lại tỏ ra quá khắt khe như vậy?  Là vì việc ngôn sứ cảnh cáo kẻ tội lỗi chẳng khác gì đưa nó từ cõi chết trở về cõi sống.  Không những ngôn sứ đã cứu mạng sống của những kẻ tội lỗi đáng chết, mà ngài còn “cứu được mạng sống mình” vì ngài đã chu toàn sứ mệnh Chúa trao nữa!  Chắc chắn những điều Chúa phán với ngôn sứ Ê-dê-ki-en về sứ mệnh của ngài không chỉ áp dụng cho riêng ngài, nhưng cũng áp dụng cho chúng ta, những ngôn sứ hôm nay, là những người có trách nhiệm với anh chị em mình trong bổn phận giúp nhau sửa lỗi.

        2.  Sửa lỗi trong tinh thần yêu thương là trả món nợ tương thân tương ái.  Thấm nhuần tư tưởng của Chúa Giê-su về việc sửa lỗi anh em, thánh Phao-lô đã đem áp dụng vào đời sống cộng đoàn Ki-tô hữu.  Trước hết ngài quả quyết:  “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”.  Nghĩa là chúng ta đều mắc nợ nhau một điều duy nhất, đó là “tương thân tương ái”.  Đúng vậy, là con cái Thiên Chúa và anh chị em với nhau, chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ nhau trở nên tốt lành mỗi ngày một hơn.  Mà một trong những phương thức giúp đỡ nhau là vì yêu thương anh chị em thật tình nên chúng ta không ngần ngại giúp họ nhận ra những sai trái để họ sửa đổi.  Thực tế chúng ta ít khi phải giúp anh chị em sửa đổi trong những điều to lớn mà thánh Phao-lô nhắc đến, như các tội ngoại tình, giết người, trộm cắp, ham muốn…, nhưng giúp họ sửa đổi ngay trong những điều nhỏ nhặt của đời sống hằng ngày, thì cũng đã là “yêu người và chu toàn Lề Luật” rồi!  Thánh Phao-lô còn đề cao phương thức sửa lỗi anh chị em, là “đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại”.  Phải, nếu ta vạch lỗi lầm của người khác cốt để họ phải nhục nhã, mất tiếng tốt… là ta thực sự “làm hại” chứ không phải xây dựng cho người đồng loại.  Nói khác đi, làm như thế là ta “ghét” anh chị em và không chu toàn Lề Luật.  Trái với giáo huấn của thánh Phao-lô, chúng ta vẫn thấy nhan nhản trong các cộng đoàn, giáo xứ và hội đoàn những nói xấu, tố cáo, bôi nhọ nhau làm cho giáo dân chia rẽ và chống đối lẫn nhau.  Thật buồn.  Nhưng chúng ta sẽ cố gắng “trả nợ” và thay đổi lối sửa lỗi tai hại này để xây dựng cộng đoàn Ki-tô đích thực.

        3.  Sửa lỗi là cách “chinh phục được người anh em”.  Trước hết Chúa Giê-su dạy việc sửa lỗi anh em là một bổn phận.  Chúng ta ai mà chẳng “trót phạm tội” vì yếu đuối con người!  Cho nên Chúa dạy ta:  “Anh hãy đi sửa lỗi nó”.  Nhưng Chúa ơi, con phải sửa lỗi “nó” thế nào đây?  Chính con đang mang cái xà trong mắt thì làm sao khều cái rác khỏi mắt anh em!  Chúa dạy:  OK, một mình anh với nó mà thôi.  Tại sao vậy?  Để dễ thông cảm và khiêm nhường với nhau.  Nếu kẻ phạm tội lẫn kẻ sửa lỗi đều biết mình là thân phận tội lỗi thì không ai dám lên mặt dậy đời, mà là đang khiêm nhường và bác ái trả món nợ tương thân tương ái vậy.  Tình yêu phải là nền móng cho việc sửa lỗi, không hẳn giữa hai người mà còn giữa kẻ trót phạm tội với một nhóm hai hay ba chứng nhân, thậm chí giữa kẻ ấy với cả Hội Thánh nữa.  Bất cứ ở cấp độ nào, nền móng tình yêu và bác ái cũng không thể nào thiếu được.  Hầu hết những vụ sửa lỗi thất bại là vì thiếu nền móng này.  Làm sao xây dựng nền móng tình yêu này?  Chúa Giê-su trả lời:  “Ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.  Cầu nguyện là nói lên chúng ta yêu mến Chúa và yêu thương anh chị em.  Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời.  Chúng ta vẫn hát như thế.  Khi anh em chấp nhận việc chúng ta giúp họ sửa lỗi là ta “chinh phục được người anh em” như Chúa dạy.  Ta không chinh phục người khác bằng sức mạnh, bằng truyền thông hoặc bằng thủ đoạn, nhưng duy nhất bằng tình tương thân tương ái.

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta đã xác tín việc sửa lỗi anh em là một bổn phận và được dạy cách thức thi hành bổn phận ấy.  Vậy hôm nay, chúng ta hãy thực hành ngay bài học thực tiễn này đi!

  Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A