CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN
Chúa dạy chúng ta bài học về tha thứ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Hc 27:30 – 28:7; Rm 14:7-9;
Mt 18:21-35)
Giúp nhau sửa lỗi là một việc khó
khăn. Hôm nay Lời Chúa còn mời gọi chúng
ta phải đối diện với một vấn đề khó khăn hơn nhiều, đó là tha thứ cho nhau. Sách Huấn ca đưa ra một luận lý đơn giản: nếu ta cứ nuôi lòng hờn giận, làm sao có thể
xin Chúa chữa lành ta; nếu ta không
thương người đồng loại, làm sao xin Chúa tha tội cho ta? Câu chuyện Tin Mừng thì nói lên sự khác biệt
một trời một vực giữa lòng quảng đại tha thứ của loài người và lòng nhân hậu thứ
tha của Thiên Chúa. Riêng đoạn thư thánh
Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma khẳng định chúng ta sống hay chết không phải cho bản
thân mình, mà là cho Chúa và thuộc về Chúa. Vậy “thuộc về Chúa” là gì nếu không
phải là theo gương Chúa mà tha thứ cho nhau?
1.
Bỏ qua lỗi lầm cho người khác, chúng
ta sẽ được Chúa tha thứ tội lỗi. Khó
quên đi lỗi lầm của người khác và giữ lòng thù hận là những điều nằm trong bản
chất con người sa ngã của chúng ta. Đó
là khuynh hướng do tội nguyên tổ để lại.
Tính kiêu căng là động lực chính thúc đẩy chúng ta giữ lòng thù hận và
không chịu tha thứ cho người khác. Tuy
nhiên sách Huấn ca dạy chúng ta hãy nhìn vào chính mình và vào Thiên Chúa, để
nhận ra rằng có lẽ ta cần được tha thứ hơn là ta tha thứ cho người khác, vì thường
ta chỉ thấy cái rác trong mắt người khác lớn hơn cái xà trong mắt ta! Mỗi khi “để tâm thù hận” ai thì chúng ta đã
nghĩ rằng người ấy là kẻ có tội rồi.
Nhưng tác giả sách Huấn ca đặt câu hỏi bắt ta phải suy nghĩ: “Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì
ai sẽ xin tha tội cho nó?” Đúng vậy, chỉ
có Thiên Chúa mới là Đấng có quyền nhìn chúng ta là kẻ tội lỗi và có quyền tha
thứ cho chúng ta mà thôi. Còn chúng ta
là “người phàm”, tức những kẻ yếu đuối, tội lỗi nên cần được Chúa và người khác
thứ tha. Cho nên kết luận trả lời là ta
phải bỏ lòng thù hận, sẵn sàng tha thứ người khác, vì Chúa là Đấng Thánh mà còn
xử nhân từ với ta thì ta đâu có thể tỏ ra độc ác với anh chị em được. Ngoài lý luận đanh thép nói trên, sách Huấn
ca còn ân cần nhắc nhở ta vài điều thực tiễn.
Điều thứ nhất: ta “hãy nhớ đến
ngày tận số”. Tại sao phải nhớ như vậy? Vì ngày đó, Chúa sẽ xét xử ta, sẽ hỏi ta đã
tha thứ cho anh chị em được bao nhiêu.
Điều thứ hai: ta “hãy nhớ đến các
điều răn và giao ước”. Điều răn và giao
ước của Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương anh chị em như chính mình. Vậy nếu ta
yêu chính mình nên sẵn sàng tha thứ cho mình, thì sao lại không tha thứ cho người
khác là “mình”, là anh chị em và cùng là con cái Chúa?
2.
Khẩu hiệu của tha thứ: 70 x 7.
Bài Tin Mừng hôm nay thật lý thú.
Nhưng có ý nghĩa và ngắn gọn chính là một “công thức số” Chúa Giê-su dạy
chúng ta về sự tha thứ: bảy mươi lần bảy. Chúng ta phải công nhận ông Phê-rô thật quảng
đại về lòng tha thứ. Lề Luật dạy tha thứ
tối đa ba lần, nhưng Phê-rô đã tăng con số lên hơn hai lần, tức tha thứ bảy lần. Chúng ta thử tưởng tượng gương mặt đắc ý của
Phê-rô; ông hãnh diện vì sau thời gian
đi theo Chúa làm môn đệ, ông đã tiến triển rất nhiều về lòng quảng đại tha thứ
và vượt xa hơn cả Lề Luật dạy. Nhưng ông
chớ vội mừng! Ta cũng tưởng tượng được sự
ngạc nhiên, nếu không nói là chưng hửng của Phê-rô khi nghe Thầy phán: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến
bảy mươi lần bảy”. Ở đây Chúa không có ý
làm một bài toán, nhưng Người muốn dạy rằng tha thứ không thể bị giới hạn bằng
con số, nhưng do lòng quảng đại và nhân từ của mỗi người. Dạy bài học cốt yếu xong, Chúa còn “bồi” thêm
một câu chuyện nữa, để môn đệ dễ hiểu và nhớ lâu: câu chuyện tên đầy tớ độc ác mắc nợ ông chủ. Bản chất độc ác của hắn được biểu lộ qua sự
kiện hắn không muốn nhận ra lòng quảng đại của ông chủ, mà chỉ biết đối xử tàn
ác với người khác. Gã độc ác khi “túm lấy”
người bạn như sợ người ấy trốn chạy, rồi “bóp cổ” để đe dọa và áp bức người ấy. Sau cùng hắn độc ác nên “tống người bạn vào
ngục cho đến khi trả nợ xong”. Còn độc
ác nào hơn nữa? Cho nên hắn phải trả nợ
cho sự độc ác của mình là điều đương nhiên rồi.
Chưa hết! Chúa Giê-su còn cho các
môn đệ một “điều tâm niệm” để thực hành sự tha thứ: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với
anh em như thế (trừng phạt), nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ
cho anh em mình”. Thật chí lý.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Xin tha nợ chúng con, như chúng
con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Đó
là lời chúng ta đọc trong kinh Lạy Cha mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cầu nguyện. Hôm nay thánh Phao-lô cũng có lời xin tương tự. Ngài bảo rằng dù chúng ta sống hay chết,
chúng ta cũng vẫn thuộc về Chúa. Nói
khác đi, ngài muốn nhắn nhủ ta phải sống chân lý “Cha nào con nấy”, thì chúng
ta mới thực sự là con Chúa và thuộc về Chúa.
Ngài còn nói rằng “Đức Ki-tô đã chết và sống lại chính là để làm Chúa kẻ
sống cũng như kẻ chết”, nói khác đi, là để chúng ta dù sống hay chết phải luôn
luôn “thuộc về” Người. Đúng vậy, Người
đã cam lòng chịu chết để chuộc lại chúng ta cho chúng ta được tha thứ và hòa giải
với Thiên Chúa. Chúa Giê-su muốn Người là Chúa của những ai biết tha thứ,
giống như Người đã hy sinh tính mạng để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng
ta, chứ không phải là Chúa của những kẻ mang thù hận. Biết tha thứ là căn tính của những ai muốn
làm môn đệ và bước theo Chúa Giê-su. Vậy
bạn và tôi, chúng ta có là môn đệ đích thực của Chúa không?
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi