CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
Hội Thánh Chúa Ki-tô thay thế cho vườn nho Ít-ra-en
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 5:1-7;
Pl 4:6-9; Mt 21:33-43)
Chúa kêu gọi chúng ta nên thánh, tức là
trở nên giống Chúa Ki-tô đang khi sống giữa trần gian này. Tuy nhiên Chúa cũng cho chúng ta một môi trường
để ta có thể sống lý tưởng nên thánh dễ dàng hơn, đó là tổ chức Hội Thánh Chúa
Ki-tô, trong đó chúng ta được lãnh nhận những hướng dẫn đạo lý, nhất là sự trợ
giúp của ân sủng Chúa qua các Bí tích.
Chúa Giê-su đã thiết lập Hội Thánh ấy khi ban quyền bính cho thánh
Phê-rô và các tông đồ. Người cũng sai
các ngài đi rao giảng Tin Mừng để mở mang Hội Thánh. Nhưng để chuẩn bị, Thiên Chúa đã chọn một dân
riêng để từ dân tộc này Hội Thánh được hình thành. Dân riêng Ít-ra-en trong Cựu Ước thường được
mệnh danh là “Vườn nho” của Chúa. Khi tới thời gian viên mãn, Con Thiên Chúa xuống
trần, thực hiện công cuộc cứu độ bằng cái chết trên thập giá và tiếp tục công
cuộc ấy qua Hội Thánh Người. Như vậy,
theo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, vườn nho nhà Ít-ra-en đã được thay thế bằng
Hội Thánh Chúa Ki-tô.
1.
Vườn nho của Đức Chúa các đạo
binh, chính là nhà Ít-ra-en. Nhờ kỹ
nghệ tân tiến ngày nay, chúng ta thấy việc trồng nho làm rượu khác hẳn ngày
xưa, với những cánh đồng nho bát ngát, với máy móc tinh vi để chế biến rượu nho
và các thứ rượu khác. Thời xưa tại
Ít-ra-en, việc trồng nho làm rượu là công việc của một gia đình với một số thợ
làm vườn được thuê mướn. Muốn làm một vườn
nho, người ta tậu đất, rào dậu và nhặt hết đá trên mặt đất đi, rồi chọn giống
nho tốt đem về trồng. Giữa vườn có một
ngọn tháp để người ta canh chừng thú hoang phá phách hoặc trộm cắp. Thêm vào đó là nơi để máy ép nho làm rượu. Hình ảnh thiết lập một vườn nho như thế đã được
ngôn sứ I-sai-a áp dụng cho việc Thiên Chúa tuyển chọn Ít-ra-en giữa các dân tộc
để làm dân riêng của Người. Xây dựng một
vườn nho, ai chẳng muốn có được những mùa thu hoạch tốt đẹp, cho nên người ta
không ngại bỏ thật nhiều công sức chăm sóc cho vườn ấy. Cũng thế, Thiên Chúa đã tốn bao nhiêu “công sức”
và làm mọi sự cho Ít-ra-en, những mong Ít-ra-en sẽ là dân biết yêu mến phụng thờ
Người. Nhìn lại lịch sử dân Chúa, từ lúc
Người kêu gọi ông Áp-ram tới thời gian sống tại Ai-cập, rồi xuất hành ra khỏi đất
nô lệ để trở thành nước Ít-ra-en, Thiên Chúa đã can thiệp, ban Lề Luật và giúp
đỡ họ cải thiện không ngừng mối tương quan mật thiết để họ thực sự là “dân tuyển
chọn” của Người. Những trái ngọt Thiên
Chúa mong đợi nơi vườn nho Ít-ra-en chính là lòng yêu mến và trung thành phụng
sự Người. Nhưng cuối cùng Thiên Chúa phải
thất vọng, vì “Ta những mong nó sinh trái tốt, sao nó sinh nho dại?” Cho nên Thiên Chúa mới “hát một bài tình ca”
thật buồn, khi Người quyết định phá bỏ vườn nho Ít-ra-en và thay thế bằng một kế
hoạch mới.
2.
Hội Thánh Chúa Ki-tô là Nước Thiên
Chúa trên trần gian. Cựu Ước chuẩn bị
cho Tân Ước. Những chủ đề song song và thay
thế được nhiều tác giả sách Tân Ước nói đến:
Chúa Giê-su và nguyên tổ A-đam, Luật Tin Mừng và Lề Luật Mô-sê, vườn nho
nhà Ít-ra-en và Nước Thiên Chúa, Mục Tử Nhân Lành và các mục tử xấu nhà
Ít-ra-en… Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày việc Thiên Chúa thay thế vườn nho
Chúa là dân riêng Ít-ra-en bằng một triều đại mới là Nước Thiên Chúa. Có thể nói dụ ngôn Chúa Giê-su kể ở đây chỉ
là tiếp tục câu chuyện vườn nho nhà Ít-ra-en trong sách I-sai-a. Trước hết, chủ nhà kia đã “trồng được một vườn
nho”, tức là vườn nho đã sẵn sàng để được canh tác và sinh hoa lợi như I-sai-a
đã nói trong bài đọc 1. Câu chuyện của Chúa Giê-su bắt đầu từ sự kiện ông chủ
“cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa”. Vườn nho Ít-ra-en đã được trao vào tay các “tá
điền” là những nhà lãnh đạo Do-thái để họ giúp vườn nho ấy sinh hoa trái theo ý
Thiên Chúa. Nhưng họ đã không chu toàn sứ
mệnh, thay vì giúp cho dân Chúa thực sự sống theo các điều răn Chúa thì họ lại
chất lên vai dân chúng những luật lệ và truyền thống do họ đặt ra. Tóm lại, họ đã làm cho dân Ít-ra-en trở thành
những kẻ thờ phượng Thiên Chúa bằng môi miệng, còn tâm hồn họ thì xa Người! Mỗi khi một ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến để
nhắc nhở, họ lập tức bách hại hoặc giết đi.
Chúa Giê-su đã nhắc lại lịch sử của vườn nho nhà Ít-ra-en và bây giờ lịch
sử ấy bước sang một triều đại mới, triều đại của Nước Thiên Chúa do Chúa Giê-su
thiết lập. Chúa Giê-su nhấn mạnh đến sự
kiện người con của chủ nhà đã bị bọn tá điền giết chết để ám chỉ việc Người bị
các nhà lãnh đạo Do-thái giết. Vậy phải chăng
sau cái chết của Con Thiên Chúa, Triều Đại Nước Thiên Chúa cũng sẽ sụp đổ hay
sao? Không bao giờ, vì hạt lúa rơi xuống
đất có thối đi, nó mới sinh nhiều bông hạt.
Hai ngàn năm sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, Hội Thánh của Người
đã lan rộng khắp thế giới và sẽ phát triển mạnh nếu mỗi người Ki-tô hữu ý thức
được sứ mệnh truyền giáo và rao giảng Tin Mừng.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Ki-tô hữu phải sống thế nào để
giúp xây dựng và mở mang Hội Thánh Chúa Ki-tô? Thánh Phao-lô đã nêu lên mẫu
người Ki-tô hữu lý tưởng nếu họ sống những đặc điểm sau đây: những gì là chân
thật, cao quý, chính trực tinh tuyền, những gì đáng mến và đem lại danh thơm tiếng
tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen. Vậy
chúng ta, Ki-tô hữu đang đóng vai các “tá điền” trong vườn Hội Thánh Chúa Ki-tô,
hãy xét lại việc canh tác như thế nào về các điều thánh Phao-lô nói trên để
giúp Hội Thánh phát triển?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi