CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN

Bổn phận đối với chính quyền và bổn phận đối với Thiên Chúa

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 45:1, 4-6;  1 Tx  1:1-5b;  Mt 22:15-21)

        Từ khi tuyển chọn một dân riêng, Thiên Chúa đã tự đặt mình làm vua dân Ít-ra-en.  Nhưng sau khi rời khỏi ách nô lệ Ai-cập, dân Ít-ra-en đã xin Thiên Chúa nhờ ông Sa-mu-en đặt Sa-un lên làm vua cai trị họ và Thiên Chúa nhậm lời.  Thiên Chúa không chống lại một thể chế nào của loài người và sẵn sàng nâng đỡ kẻ lãnh đạo để họ trở thành khí cụ Chúa sử dụng.  Đó cũng là ý của Chúa khi Người ban quyền hành cho Ky-rô là vua Babylon qua lời Người phán với ông (bài đọc 1).  Tuy nhiên nhờ vua Ky-rô dân Chúa thoát khỏi kiếp lưu đày thì lại rơi vào ách đô hộ của người Rô-ma.  Họ phải đóng thuế cho đế quốc Rô-ma và việc này coi như một bổn phận họ phải thi hành.  Trả lời nhóm Pha-ri-sêu hỏi ý kiến Chúa Giê-su là có nên nộp thuế cho Xê-da không, Người đã khéo léo xác định lại bổn phận đối với chính phủ (bài Tin Mừng).  Để nói lên bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa, thánh Phao-lô đề cao đời sống đạo đức của tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, mặc dù họ mới trở lại với Chúa Ki-tô.  Đời sống đạo ấy được coi như là thi hành việc bổn phận đối với Thiên Chúa (bài đọc 2).

        1.  Thiên Chúa củng cố vua chúa trần gian để họ phục vụ kế hoạch của Người.  Những khi dân Ít-ra-en bị xâm lăng hoặc bị lưu đày, các vua chúa dân ngoại được coi là những kẻ Thiên Chúa sai đến để trừng phạt dân Chúa vì tội lỗi họ.  Tuy nhiên, riêng vua Ky-rô lại là người duy nhất được Thiên Chúa chọn để cứu dân Người.  Đoạn sách I-sai-a hôm nay cho ta thấy Thiên Chúa đã chọn Ky-rô như thế nào và biến ông trở thành lợi ích cho dân Người.  Trước hết, Thiên Chúa đã xức dầu cho Ky-rô, việc chưa hề có đối với các vua ngoại giáo.  Chỉ có các vua Do-thái, như Sa-un, Đa-vít… mới được xức dầu mà thôi.  Như thế, điều này chứng tỏ Thiên Chúa không chỉ là Thiên Chúa của các vua Do-thái mà còn là Thiên Chúa của các vua ngoại giáo nữa.  Vậy tại sao chỉ có Ky-rô là vua ngoại giáo được Chúa xức dầu?  Chúa làm như vậy là “vì lợi ích của tôi tớ Ta là Gia-cóp và của người Ta chọn là Ít-ra-en”!  Song song với việc xức dầu, Thiên Chúa còn “gọi đích danh Ky-rô” và “ban cho ông một tước hiệu”.  Mục đích Chúa đặc biệt tuyển chọn Ky-rô, dù ông không nhận biết Người là Thiên Chúa, là để nhờ ông mà “từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta”.  Sự kiện Thiên Chúa tuyển chọn vua Ky-rô để trả lại tự do cho dân Chúa đang sống kiếp lưu đày Babylon giúp ta hiểu thái độ tôn trọng thế quyền khi Chúa Giê-su tán đồng việc nộp thuế cho vua Xê-da:  “Của Xê-da, trả về Xê-da”.

        2.  Bổn phận đối với chính quyền dân sự và bổn phận đối với Thiên Chúa.  Từ khi đế quốc Rô-ma đô hộ Ít-ra-en, việc đóng thuế cho vua Xê-da là nỗi đau nhức nhối cho người dân, nhất là những người nuôi mộng đánh đuổi đế quốc.  Hôm nay nhóm Pha-ri-sêu đến gặp Chúa Giê-su để gài bẫy hại Người.  Cùng đi với họ là nhóm người phe vua Hêrôđê, những kẻ ủng hộ Rô-ma và sẵn sàng tố cáo Chúa Giê-su nếu Người đả kích việc nộp thuế cho Xê-da.  Quả thực là một âm mưu thâm độc!  Khi bị hỏi là “có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?”, Chúa Giê-su trả lời đàng nào cũng không thoát khỏi bị tố cáo.  Nếu Người trả lời được phép, đám Pha-ri-sêu sẽ lên án Người là phản quốc.  Nếu Người trả lời không, phe Hêrôđê sẽ tố cáo Người chống lại Rô-ma.  Chúng ta đều biết câu trả lời của Chúa không những đánh sập bẫy của họ, mà còn đưa ra một nguyên tắc rõ ràng:  chúng ta có bổn phận đối với chính quyền và bổn phận đối với Thiên Chúa.  Cả hai đã là bổn phận thì ta phải chu toàn cả hai!  Ở đây chúng ta hiểu được ý của Chúa Giê-su:  không những Người xác nhận bổn phận của ta đối với chính quyền, mà dường như Người cũng nhắc nhở ta về sự ưu tiên của bổn phận đối với Thiên Chúa nữa.  Chúa Giê-su muốn “xem” đồng tiền nộp thuế mang hình và danh hiệu của Xê-da mà dân Do-thái phải nộp cho chính phủ, nhưng chắc chắn Người cũng muốn “xem” đồng tiền nộp thuế mang hình và danh hiệu Thiên Chúa mà chúng ta phải nộp cho Thiên Chúa!  Vậy chúng ta phải “nộp thuế” cho Thiên Chúa về những khoản nợ nào đây?  Nhiều lắm, bạn ơi!  Nào là hồng ân sự sống, ơn cứu độ, bao ân tình của gia đình và bạn bè, cả đến vũ trụ vạn vật và những phong cảnh kỳ vĩ… Tóm lại, chúng ta mắc nợ Chúa món nợ tình yêu Người luôn dành cho ta.  Thánh Têrêxa Avila nói:  Chỉ có tình yêu mới đáp lại tình yêu thôi!

Sống sứ điệp Lời Chúa

        3.  Tấm gương của tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.  Khi viết cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô rất vui mừng và tạ ơn Chúa vì họ đã biểu lộ lòng tin, cậy và mến qua những việc làm cụ thể.  Theo cái nhìn của ngài, tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca là những người được Thiên Chúa thương mến và tuyển chọn.  Cái thuế “được thương mến và tuyển chọn” ấy họ đã trả lại cho Thiên Chúa bằng một cuộc sống Ki-tô hữu gương mẫu.  Hơn nữa, họ cũng nộp cho Chúa thuế “loan báo Tin Mừng” mà họ đã lãnh nhận qua Phao-lô.  Tất cả những gì Thiên Chúa đã ban cho họ là “Tin Mừng, quyền năng, Thánh Thần và một niềm xác tín sâu xa (đức tin)” thì giờ đây họ đã trả về cho Thiên Chúa bằng đức tin có hành động, đức mến khi gánh vác những nỗi khó nhọc và đức trông cậy khi chờ đợi Chúa Ki-tô trở lại trong ngày tận thế.  Thánh Phao-lô bảo chúng ta chỉ mắc nợ nhau một món nợ duy nhất là món nợ đức ái.  Vậy chúng ta đừng quịt nợ anh em nhé!

            Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A