CHÚA NHẬT 32 THƯỜNG NIÊN
Gặp gỡ và đón tiếp Đức Ki-tô khi Người lại đến
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Kn 6:12-16;
1 Tx 4:13-18; Mt 25:1-13)
Chỉ còn hai Chúa Nhật nữa là chúng ta kết
thúc Năm Phụng vụ với lễ Chúa Ki-tô Vua, Đấng sẽ trở lại trần gian để phán xét
kẻ sống và kẻ chết. Suốt một năm, chúng
ta gặp gỡ Người qua những biến cố lớn như Giáng Sinh và Phục Sinh. Trong 34 tuần lễ của mùa Thường niên chúng ta
lắng nghe lời giảng và những tường thuật phép lạ Chúa làm, để đón nhận giáo huấn
và chiêm ngưỡng lối sống của Người.
Nhưng trước khi Chúa Giê-su quang lâm, Người vẫn hiện thân là Đức Khôn
Ngoan của Thiên Chúa ở giữa nhân loại để hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống
(bài đọc 1). Không những Thiên Chúa cho
Đức Ki-tô đến đồng hành với ta trên trần gian, mà trong ngày Đức Ki-tô quang
lâm, Người còn cho ta được sống lại và “được đem đi trên đám mây” cùng Đức
Ki-tô và các tín hữu đã ra đi trước chúng ta (bài đọc 2). Sau hết là dụ ngôn Chúa Giê-su kể về Mười
trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể dạy ta bài học sẵn sàng để đón Người đến khi ta
lìa trần (bài Tin Mừng).
1.
Gặp gỡ Chúa Ki-tô là Đức Khôn
Ngoan nhập thể của Thiên Chúa. Để
giúp chúng ta hiểu và suy niệm dụ ngôn trong bài Tin Mừng, đoạn trích sách Khôn
Ngoan nói lên những ích lợi khi chúng ta tiếp nhận đức Khôn Ngoan để ám chỉ việc
chúng ta đón nhận Chúa Ki-tô vào đời sống chúng ta. Vậy tiến trình đón nhận
Chúa Ki-tô hay Đức Khôn Ngoan như thế nào?
Thứ nhất, chúng ta phải biết Đức
Khôn Ngoan là gì thì ta mới “mến chuộng”. Vô tri bất mộ, không biết thì không mến. Thì đây:
Đức Khôn Ngoan sáng chói, và không hề tàn tạ. Bước thứ hai: hành vi biết và mến Đức Khôn
Ngoan đưa ta tới việc khao khát tìm kiếm. Đáp lại, Đức Khôn Ngoan sẽ lập tức “tỏ mình”
và cho ta gặp. Hơn thế nữa, đoạn sách
còn mô tả cụ thể Đức Khôn Ngoan rất muốn gặp gỡ chúng ta đến nỗi “mới sáng sớm”,
Đức Khôn Ngoan đã “ngồi ngay trước cửa nhà chúng ta” để đợi chúng ta rồi! Bước thứ ba là “suy niệm về Đức Khôn Ngoan”.
Suy niệm không chỉ là suy nghĩ, nhưng là để cho Đức Khôn Ngoan thấm nhập
tâm trí và linh hồn chúng ta, giúp ta “đạt được sự minh mẫn toàn hảo”. Mô tả việc đi tìm và gặp gỡ Đức Khôn Ngoan như
thế khiến chúng ta nghĩ ngay đến việc chúng ta tìm kiếm và gặp gỡ Chúa
Ki-tô. Qua việc suy niệm Lời Chúa, nhất
là sách Tin Mừng, chúng ta biết Chúa Giê-su rõ hơn, để yêu mến Người nồng nàn
hơn. Sự hiểu biết và lòng yêu mến ấy sẽ
giúp ta trung thành theo Chúa và làm môn đệ Người; rồi chúng ta sẽ theo gương Người để phụng sự
Thiên Chúa và phục vụ anh chị em.
2.
Gặp gỡ Chúa Ki-tô khi Người quang
lâm. Đoạn thư thánh Phao-lô gửi tín
hữu Thê-xa-lô-ni-ca cho chúng ta biết một thời điểm đặc biệt, là Chúa Ki-tô trở
lại trần gian trong ngày tận thế. Ngày ấy,
những ai “đã chết trong Đức Ki-tô” sẽ được sống lại và được đem đi trên đám mây
để “nghênh đón Chúa trên không trung”. Vậy
“đã chết trong Đức Ki-tô” có nghĩa là chúng ta chết đi con người tội lỗi của
mình để có sự sống mới trong Thánh Thần.
Nếu chúng ta duy trì và phát huy được con người mới ấy, ta sẽ có đủ tư
cách để “được đem đi trên đám mây và nghênh đón Chúa”, tức là được cùng với
Chúa Ki-tô về nhà Cha trên trời. Tuy
nhiên chúng ta không chỉ ngồi đấy đợi Chúa đến trong ngày tận thế của nhân loại,
mà phải chuẩn bị đón Chúa trong ngày tận thế của chính chúng ta, tức là vào giờ
chết. Chúng ta đâu biết được mình sẽ chết
lúc nào, chết thế nào và chết ở nơi nào.
Do đó, thánh Phao-lô bảo “anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau”, tức
là giúp đỡ nhau trong việc chuẩn bị quan trọng này. Chúng ta không sa hỏa ngục một mình, cũng không
lên thiên đàng một mình, nhưng trong sự liên đới với người khác vì chúng ta đều
là chi thể của thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô.
Sống sứ điệp Lời Chúa
3.
Chú rể kia rồi, ra đón đi! Để giúp chúng ta chuẩn bị, Chúa Giê-su kể một
câu chuyện, chuyện mười cô trinh nữ cầm đèn ra đón chú rể. Theo tục lệ Do-thái ngày xưa, chú rể đến đón
cô dâu vào buổi tối. Muốn tăng thêm phần
long trọng, một số bạn bè của cô dâu sẽ nhận nhiệm vụ túc trực để tiếp đón khi chú
rể tới. Mỗi cô đều mang theo một cây đèn
để tháp tùng chú rể vào tiệc cưới. Khi
người ta hô lên: “Chú rể kia rồi, ra đón
đi!”, các cô sẽ thắp đèn lên và rước chú rể vào dự tiệc cưới. Vậy trong cuộc đón rể lần này, có mười cô
trinh nữ: năm cô khôn và năm cô dại. Chẳng ai biết được đích xác chú rể đến vào
lúc nào, nên mọi người phải sẵn sàng. Vậy
để sẵn sàng, các cô khôn chẳng những mang đèn mà còn đem theo dầu trữ, đề phòng
chú rể đến trễ. Còn năm cô dại nghĩ rằng
chú rể sẽ đến sớm hoặc đúng giờ nên không mang theo dầu dự trữ. Đang khi chờ đợi, mọi người ngủ thiếp đi cho
đỡ mệt. Mãi nửa đêm chú rể mới tới. Người ta hô lên báo tin chú rể tới. Mọi người thức dậy và thắp đèn lên để theo
chú rể vào dự tiệc cưới. Năm cô khôn đã
sẵn sàng, còn năm cô dại thắp đèn lên thì đèn đã cạn dầu! Kết quả là năm cô khôn được đi theo chú rể
vào dự tiệc, còn năm cô dại bị từ chối.
Chú rể kia rồi, ra đón đi! “Chú rể” của chúng ta là chính Chúa Giê-su
Ki-tô. Đây có thể là lời sợ hãi, nhưng
cũng có thể là lời báo tin vui. Nếu chúng
ta sẵn sàng như các cô khôn, ta sẽ náo nức đón chờ Chúa đến đưa ta vào Tiệc cưới
thiên đàng. Nhưng nếu chúng ta không chuẩn
bị, không tích trữ dầu là những việc lành phúc đức ở đời này để thắp sáng đèn đức
tin của ta, ta sẽ như các cô dại thôi!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi