CHÚA NHẬT 33 THƯỜNG NIÊN

Chuẩn bị đón Chúa Ki-tô khi Người trở lại

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cn 31:10-13, 19-20, 30-31;  1 Tx 5:1-6;  Mt 25:14-30)

         Lời Chúa của mấy Chúa Nhật sau cùng năm Phụng vụ xoay quanh những đề tài về việc chuẩn bị đón Chúa Ki-tô Vua khi Người trở lại trần gian để phán xét mọi người.  Các bài đọc hôm nay khai triển vài cách thức chuẩn bị thực tế.  Trước hết là chuẩn bị bằng cách chu toàn việc bổn phận của mình, giống như người vợ đảm đang trong sách Châm ngôn, đã nêu gương từ công dung ngôn hạnh cho đến những việc bác ái giúp đỡ người nghèo khổ (bài đọc 1).  Vì ngày của Chúa Ki-tô trở lại “sẽ đến như kẻ trộm ban đêm”, nên thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta hãy chuẩn bị bằng thái độ sẵn sàng.  Việc Chúa đến bất ngờ còn được ngài so sánh với “cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai” (bài đọc 2).  Cách chuẩn bị thiết thực nhất đã được Chúa Giê-su nói đến là hãy trung thành sử dụng những tài năng Chúa ban để mưu ích cho chúng ta và người khác.  Sự trung thành ấy được mô tả qua hình ảnh các đầy tớ đã làm sinh lợi những nén bạc ông chủ giao cho họ, còn tên đầy tớ bất trung thì đem chôn giấu nén bạc anh ta đã nhận (bài Tin Mừng).

        1.  “Đừng để ngày của Chúa như kẻ trộm bắt chợt anh em”.  Chúng ta được kêu gọi chuẩn bị đón Chúa trong ngày Người quang lâm.  Nếu như biết đích xác thời giờ Chúa đến, có lẽ chúng ta sẽ chuẩn bị sẵn sàng như một thí sinh trước ngày thi.  Nhưng vì không ai biết được thời giờ ấy, nên thánh Phao-lô dạy chúng ta “Đừng để ngày của Chúa như kẻ trộm bắt chợt anh em”.  Ở đây ngài nói về “ngày”, chứ không nói về chính “Chúa”, vì Chúa không đến như kẻ trộm đâu, nhưng Người đứng ngoài cửa và gõ cửa (Kh 3:20)!  Thánh Phao-lô quả quyết rằng không ai trong chúng ta có thể phủ nhận tính cách bắt chợt của ngày Chúa đến. Trước hết, ngày của Chúa được ví như “cơn đau chuyển bụng đến với người đàn bà có thai”.  Giống như người phụ nữ sắp sinh con không thể trốn thoát được “cơn đau chuyển bụng” đến bất ngờ, thì cũng thế, chúng ta không thể trốn thoát được ngày của Chúa đến lúc nào không hay.  Dĩ nhiên Chúa không hù dọa hoặc rình lúc chúng ta sơ ý thì Người đến.  Nhưng Người giữ bí mật thời giờ của “ngày” ấy chỉ là để chúng ta lúc nào cũng sẵn sàng.  Hễ sẵn sàng là chúng ta làm chủ được tính cách bắt chợt của ngày ấy.  Nếu ta sẵn sàng thì ngày Chúa đến với ta không còn là bắt chợt, mà là giây phút ta đã luôn chờ đợi, nhiều khi còn nóng lòng chờ đợi nữa.  Thứ hai, ngày của Chúa còn được so sánh với việc “kẻ trộm bắt chợt anh em”.  Kẻ trộm thường hoạt động ban đêm khi chúng ta ngủ say.  Nhưng thánh Phao-lô khẳng định “anh em là con cái ánh sáng, con cái của ban ngày”.  Do đó, kẻ trộm hoặc “ngày” của Chúa không thể “bắt chợt” được chúng ta đâu!  Vậy chúng ta chuẩn bị thế nào cho ngày của Chúa?

        2.  Chu toàn bổn phận là chuẩn bị cho ngày Chúa Ki-tô trở lại.  Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta một gương sống, hay đúng hơn là một phương thức để chúng ta chuẩn bi cho ngày sau hết đời mình.  Khi Chúa đến, Người sẽ phán xét “những thành quả” của đời chúng ta.  Liệu chúng ta có sẵn “những thành quả” để được hưởng sự sống đời đời không?  Hãy nhìn vào thành quả của người vợ đảm đang được sách Châm Ngôn nói đến.  Trước hết, là một người vợ, “nàng đem lại hạnh phúc chứ không gây tai họa cho chồng”.  Hạnh phúc thế nào và tai họa ra sao, các đức ông chồng có thể nói cho chúng ta biết ngay!  Ở đây là hạnh phúc “suốt đời”, chứ không phải trong giây lát.  Để mang lại hạnh phúc ấy, người vợ đảm đang đã chăm chỉ làm việc, lại còn vui vẻ làm việc chứ không kêu ca than trách.  Ngoài công việc trong nhà, nàng còn nghĩ đến người nghèo khổ ngoài kia, nên quảng đại và mau mắn giúp đỡ họ.  Còn biết bao việc tốt lành người ta không thể kể hết về nàng.  Cho nên tác giả sách Châm Ngôn kết luận:  “Hãy để cho nàng hưởng những thành quả tay nàng làm ra”.  Rõ ràng việc chuẩn bị cho ngày Chúa đến không đòi ta phải lập những công nghiệp vĩ đại, nhưng chỉ là chu toàn những bổn phận nho nhỏ trong đời sống hằng ngày mà thôi!

        3.  Trung thành sử dụng những tài năng Chúa ban là chuẩn bị đón Chúa quang lâm.  Chúa Giê-su có cách riêng của Người để dạy chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng:  Người kể dụ ngôn Các đầy tớ và những nén bạc.  Trước khi đi xa, ông chủ kia trao cho các đầy tớ mỗi người một số nén bạc để họ sinh lợi cho ông.  Khi trao các nén bạc, chắc chắn ông chủ đã biết rõ khả năng mỗi người và không đòi hỏi họ quá đáng.  Vậy mà khi ông trở về, có đầy tớ thì siêng năng làm sinh lợi số vốn đã nhận được, nhưng cũng có một đầy tớ bất trung đã đem chôn giấu đi nén bạc anh đã nhận.  Ông đã tùy theo “những thành quả” do các đầy tớ mang lại mà trọng thưởng hay trừng phạt.  Câu chuyện dạy ta bài học rõ ràng về cách ta sử dụng những gì Chúa ban cho ta ở đời này, để sinh lợi.  Sinh lợi cho bản thân và những người chung quanh, đó là góp sức vào công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa. 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Nếu tôi đem tài năng của mình, ngay cả của cải vật chất tôi có, để mưu ích cho tha nhân và những công tác bác ái từ thiện, là tôi đã làm cho những “nén bạc” Chúa trao được sinh lợi gấp nhiều lần rồi!  Đó cũng chính là “những thành quả” tôi sẽ được hưởng từ Chúa Ki-tô, Đấng đã làm sinh lợi biết bao nhiêu “nén bạc” cho Chúa Cha khi Người được sai đến trần gian.  Vậy tôi tự hỏi mình là loại đầy tớ nào?

 

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A