CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Niềm vui ơn cứu độ
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 35:1-6a, 10; Gc 5:7-10;
Mt 11:2-11)
Chắc chúng ta còn nhớ cách đây không
lâu một nhóm hướng đạo sinh bị kẹt trong một khu hầm mỏ tại Thái-lan, sau nhiều
ngày, các em đã được cứu thoát. Ai cũng
cảm thấy vui, chuyên viên thợ lặn phải chui qua đoạn đường hầm ngoắt ngoéo bị
ngập nước để đem từng em ra ngoài và gia đình các em cùng dân chúng chờ đợi bên
ngoài. Mỗi lần đưa được một em ra ngoài,
mọi người hoan hô biểu lộ niềm vui. Cứu thoát và niềm vui gắn liền với
nhau. Cũng vậy, Thiên Chúa, Đấng phác họa
kế hoạch cứu độ chúng ta, kêu gọi ta hãy vui lên vì Người sẽ cứu ta thoát khỏi
tội lỗi và sự chết. Đây cũng là lý do tại
sao chúng ta có một Chúa Nhật dành riêng để suy niệm về niềm vui trong mùa Vọng. Bài trích sách I-sai-a trình bày lý do tại
sao ta phải vui lên; thánh Gia-cô-bê thì
kêu gọi chúng ta hãy kiên nhẫn cho tới ngày Chúa đến; riêng thánh Gio-an lại muốn tìm hiểu xem có
phải đích thực Chúa Giê-su là Đấng đem lại niềm vui cứu độ cho mọi người hay
không.
Trước hết ta hãy nghe ngôn sứ I-sai-a
loan báo những điều Thiên Chúa sẽ làm cho đất nước Ít-ra-en khi Người đến. Đất nước ngôn sứ nói đến ở đây như thế
nào? Đó là sa mạc, đồng khô cỏ cháy và đất
hoang. Tóm lại đất nước này không có sự
sống. Vậy mà khi Thiên Chúa đến, Người sẽ
biến đổi mọi sự, từ khô cằn trở thành phì nhiêu, đồng khô cỏ cháy thành vùng đất
trổ bông, sa mạc cát đá được đầy tràn “ánh huy hoàng của núi Li-băng, vẻ rực rỡ
của núi Các-men và đồng bằng Sa-ron”. Đấy
là sự thay đổi cảnh quan. Tiếp đến là sự
biến đổi thân phận con người. Khi Chúa đến,
Người làm cho “những bàn tay rã rời nên mạnh mẽ, những đầu gối bủn rủn được vững
vàng” và “những kẻ nhát gan” được can đảm.
Tuy nhiên những hình ảnh này vẫn chưa nói hết được niềm vui khi Thiên
Chúa đến cứu độ. Ngôn sứ I-sai-a còn cho
thấy những hình ảnh sống động hơn thế nữa để diễn tả niềm vui cứu độ, như “mắt
người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què nhảy nhót như nai, lưỡi người
câm sẽ reo hò”. Chúng ta thử tưởng tượng
quang cảnh vừa kể mà xem: những kẻ khuyết
tật này sẽ vui sướng biết chừng nào khi họ được chữa lành! Tất cả những điều ngôn sứ kể trên chỉ là để
so sánh với niềm vui tột đỉnh của dân Chúa được cứu thoát khỏi cuộc lưu
đày. Ngôn sứ muốn ám chỉ niềm vui của
dân Ít-ra-en là niềm vui của những người bị lưu đày làm nô lệ cho tội lỗi đã được
Đấng Cứu Độ đến giải phóng cho họ. Quả
thực ngôn sứ I-sai-a tiên báo Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, sắp giáng trần để
chuộc tội nhân loại, đem niềm vui đến và đưa họ về với Thiên Chúa.
Tuy nhiên khi Chúa Giê-su đến để đem
niềm vui cứu độ cho trần gian thì chẳng mấy ai quan tâm, mặc dù Người đã bắt đầu
thi hành sứ mệnh và thực hiện những điều ngôn sứ I-sai-a báo trước. Đặc biệt có một người rất quan tâm, đó là ông
Gio-an. Tuy Gio-an “đang ngồi tù” nhưng
nghe nói những việc Chúa Giê-su làm, ông đã nhận biết Người là ai. Ông không muốn giữ cái biết một mình, nên mới
sai môn đệ đến để họ được mắt thấy tai nghe về con người và sứ mệnh của
Chúa. Chắc chắn sau khi thuật lại cho thầy
mình “những điều mắt thấy tai nghe” về Chúa Giê-su, các môn đệ ông Gio-an được
ông nói cho biết Chúa Giê-su chính là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng cứu độ trần
gian”. Đúng vậy, ông Gio-an đã thi hành
nhiệm vụ làm sứ giả cho Đấng Cứu Độ. Khi
còn được tự do, bên bờ sông Gio-đan ông rao giảng kêu gọi người ta sám hối,
thay đổi lối sống; ông làm phép rửa cho
họ như dấu chỉ họ cam kết sẽ thực hành những điều ông giảng dạy. Nhưng ngay khi ông đang bị cầm tù, ông vẫn tiếp
tục làm sứ giả cho Chúa, vì ông đã giúp cho các môn đệ ông nhận ra Chúa Giê-su
là Đấng Cứu Độ. Như thế, khi ông làm sứ
giả cho Chúa Giê-su, Đấng thiết lập Nước Trời, thì ông đã là người đầu tiên thuộc
về Nước ấy rồi! Chúa Giê-su khéo léo
khen ngợi sự cao trọng của ông Gio-an.
Người bảo: Ông Gio-an cao trọng
như vậy, “tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông”. Đây là cách nói khéo của Chúa Giê-su đấy! Chúa nói vậy mà không phải vậy đâu, vì chính
ông Gio-an là người đầu tiên trong Nước Trời, tức là người “lớn nhất”, thì ai
ai cũng phải là người “nhỏ nhất” so với ông trong Nước Trời!
Sống sứ điệp Lời Chúa
Niềm vui của dân Ít-ra-en khi được giải
phóng khỏi kiếp lưu đày và niềm vui của những người được Chúa Ki-tô cứu độ đã
được trình bày qua bài đọc 1 và bài Tin Mừng.
Nhưng để đợi chờ niềm vui ấy, chúng ta phải làm gì? Có câu trả lời đây! Thánh Gia-cô-bê Tông đồ dạy rằng: “Thưa anh em, xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới
ngày Chúa quang lâm”. Để giúp ta hiểu phải
kiên nhẫn như thế nào, thánh tông đồ đã dùng hình ảnh thực tế bác nông phu “phải đợi cả mưa đầu mùa lẫn cuối
mùa” để giúp cho đất “trổ sinh hoa màu quý giá”. Dĩ nhiên mưa là yếu tố quan trọng, nhưng cần
có sự canh tác của bác nông phu nữa chứ!
Bác làm công việc của bác, còn trời thì cho mưa xuống. Bác làm trong khi vẫn mong đợi trời mưa. Chắc chắn bác sẽ vui trong niềm mong đợi và
vui khi gặt hái hoa màu. Chúng ta cũng vậy. Mong đợi Chúa đem niềm vui sự sống vĩnh cửu đến
cho chúng ta, nhưng ta vẫn phải làm tròn những trách nhiệm và bổn phận của mình
đối với Chúa, với gia đình, xã hội, cộng đoàn… hằng ngày và hết mọi ngày trong
cuộc sống.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi