CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Gốc tích Chúa Giê-su: con của Mẹ Maria và dòng dõi vua
Đa-vít
Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa (Is 7:10-14;
Rm 1:1-7; Mt 1:18-24)
Trong ít ngày nữa, chúng ta sẽ mừng Sinh
Nhật của Chúa Giê-su. Nhưng chúng ta
không thể mừng sinh nhật của một người mà không biết rõ thân thế của người ấy. Vậy thân thế của Chúa Giê-su như thế
nào? Các bài đọc của Phụng vụ Lời Chúa
hôm nay đồng loạt trình bày Chúa Giê-su xuất thân từ đâu: ngôn sứ I-sai-a nhận được mặc khải của Thiên
Chúa là “Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên
là Em-ma-nu-en”; thánh Phao-lô thì nhìn
thân thế của Chúa Giê-su theo hai chiều kích:
là người phàm, Chúa Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít, là Đấng Cứu Độ,
Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa; còn thánh
sử Mát-thêu, ngài đã tổng hợp những điều kể trên để trình bày và giải thích về
“gốc tích” Chúa Giê-su cặn kẽ hơn.
Sau khi vua Sa-lô-môn băng hà, nước
Ít-ra-en chia làm hai: vương quốc miền bắc
vẫn giữ tên là nước Ít-ra-en và vương quốc miền nam là Giu-đa. Thời vua A-khát trị vì nước Giu-đa, vương quốc
miền bắc đã liên kết với vua A-ram để xuống đánh miền nam và thành thánh
Giê-ru-sa-lem. Thiên Chúa sai ngôn sứ
I-sai-a đến gặp vua A-khát để báo cho vua biết Thiên Chúa hứa không để nước
Giu-đa bị tiêu diệt, vì Người sẽ luôn ở với Giu-đa. Chúa còn bảo vua A-khát cứ xin một dấu chỉ để
cho thấy lời hứa ấy là chắc chắn. Vua
không dám xin thì Chúa đã cho biết dấu chỉ ấy:
“Này đây người trinh nữ sẽ mang thai, sẽ sinh hạ con trai, và đặt tên là
Em-ma-nu-en”. Dấu chỉ này nói lên thân
thế vị cứu tinh của nước Giu-đa thời ấy.
Tuy nhiên đây cũng là lời hứa ám chỉ Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ sẽ xuống
thế làm người. Chúa Giê-su là con trai của
một trinh nữ tức là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, cho nên bên cạnh nguồn gốc Thiên Chúa
vì là Con Một, Người còn thực sự có nguồn gốc nhân loại nữa, tức là con Đức
Ma-ri-a. Ngoài ra, Người cũng mang một
cái tên của nhân loại: Em-ma-nu-en,
nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi. Tên
nói lên sứ mệnh của một người. Với danh
hiệu Em-ma-nu-en, Chúa Giê-su thực là Thiên Chúa ở với chúng ta, như thánh sử
Gio-an diễn tả: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).
Ngôn sứ I-sai-a đã nói tiên tri về việc
Chúa Giê-su sinh bởi Trinh Nữ Ma-ri-a và sứ mệnh của Người là ở với nhân loại để
cứu độ họ. Còn thánh Phao-lô thì diễn tả
gốc tích Chúa Giê-su theo quan điểm thần học qua cách phân biệt Chúa Giê-su vừa
là một “người phàm”, con của Đức Ma-ri-a, vừa là Con Thiên Chúa, “Đấng đã từ
cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần”. Là
người phàm, Chúa Giê-su “xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít” và đang khi sống tại
trần gian, Người đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, rồi kết thúc sứ mệnh ấy với
cuộc Thương khó và sự Phục Sinh. Tuy
nhiên cũng Chúa Giê-su ấy, sau khi từ cõi chết sống lại thì Người “đã được đặt
làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng”.
Hoặc nói cách khác theo lời lẽ của kinh Tin kính, Chúa Giê-su vừa là người
thật vừa là Thiên Chúa thật. Chính nhờ gốc
tích Thiên Chúa và nhân loại này mà Chúa Giê-su có thể chia sẻ cùng một lúc với
chúng ta cả bản tính nhân loại lẫn bản tính Thiên Chúa của Người.
May mắn là bên cạnh suy tư thần học
cao siêu của thánh Phao-lô về gốc tích Chúa Giê-su, chúng ta lại có đoạn Tin Mừng
Mát-thêu thuật lại việc Chúa Giê-su xuất thân như thế nào. Trước hết thánh sử Mát-thêu muốn giải thích sự
kiện Chúa Giê-su thuộc dòng dõi vua Đa-vít.
Mặc dù Chúa Giê-su là con của Đức Ma-ri-a do quyền năng Chúa Thánh Thần,
nhưng theo pháp lý Người vẫn là con cháu vua Đa-vít, vì thánh Giu-se thuộc dòng
dõi vua Đa-vít đã thành hôn với Mẹ Ma-ri-a.
Đúng vậy, Chúa Giê-su ra đời trong tình trạng hôn nhân hợp pháp giữa
thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a, do đó trên phương diện luật lệ Chúa Giê-su cũng được
gọi là con của thánh Giu-se thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Thánh Mát-thêu kể lại “gốc tích” Chúa Giê-su
theo phương diện luật pháp, nhưng sứ thần lại cho thánh Giu-se biết tất cả về sứ
mệnh của Chúa Giê-su. Trước hết sứ thần
nói đến việc thánh Giu-se “phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ
cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ”. Thật
là sự trùng hợp kỳ diệu: trong Cựu Ước,
ngôn sứ I-sai-a nói tiên tri việc đặt tên con trẻ là Em-ma-nu-en thì nay trong
Tân Ước, thánh Giu-se phải đặt tên con trẻ là Giê-su, nghĩa là Thiên Chúa cứu. Tuy hai cái tên khác nhau, nhưng cả hai cùng mang
một ý nghĩa: Thiên Chúa ở với dân Người
để cứu họ khỏi tội lỗi của họ.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Em-ma-nu-en và Giê-su là những danh hiệu
chúng ta cần suy gẫm suốt đời. Danh hiệu
nào cũng biểu lộ một chân lý cao cả, đó là Thiên Chúa đã yêu trần gian đến nỗi
ban Con Một, để tất cả những ai tin vào người Con ấy thì sẽ được sống đời đời. Thánh Phao-lô còn gọi chân lý này là Tin Mừng
và ngài vô cùng hãnh diện vì nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, ngài “đã nhận được đặc ân
và chức vụ Tông Đồ” để rao giảng Tin Mừng ấy.
Chúng ta đang chuẩn bị tâm hồn mừng lễ Giáng Sinh, nhưng Chúa Giê-su là
Đấng Em-ma-nu-en đang ở giữa chúng ta rồi!
Quan trọng là ta có dọn tâm hồn thành máng cỏ xứng đáng để Chúa sinh ra,
ở lại với ta và trở nên lương thực thiêng liêng cho ta, như cỏ chứa trong máng
cho chiên bò được sống không? Thêm nữa,
chúng ta được tham gia vào chức vụ tông đồ, vậy ta có rao giảng Chúa cho người
khác không?
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi