CHÚA NHẬT 13 QUANH NĂM
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma 6: 3-4, 8-11
Trọng
tâm của bài đọc hôm nay hướng về bí tích Rửa tội, giúp chúng ta nhận rõ đường
hướng khai triển đề tài ơn cứu độ thánh Phao-lô trình bày trong thư Rô-ma và
Phụng vụ Lời Chúa lập lại từ Chúa Nhật 9 đến 24 năm A.
Chương
6 thư Rô-ma quảng diễn việc so sánh giữa A-đam và Chúa Ki-tô. Ðể kết luận so
sánh này, thánh Phao-lô viết: "Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân
sủng càng chứa chan gấp bội" (5:20). Viết như thế, ngài chỉ muốn đề cao
những hiệu quả do việc Ðức Ki-tô vâng phục Thiên Chúa vượt xa trên những hậu
quả do sự bất tuân của A-đam. Có thể có người hiểu sai điều này, cho rằng nếu
ân sủng đã "chứa chan gấp bội" thì tôi cứ việc tiếp tục ngụp lặn
trong tội lỗi đi, đàng nào ân sủng cũng thắng mà! Do đó, ngay đầu chương 6,
ngài đặt lại vấn đề: "Vậy phải nói sao? Chúng ta cứ ở mãi trong tội lỗi,
để ân sủng càng lan tràn ư?" (6:1). Ý của Phao-lô là đề cao ân sủng của
Thiên Chúa, chứ không phải ngầm xúi người ta cứ tiếp tục sống tội lỗi! Ngài
khẳng định: Chúng ta không thể tiếp tục sống tội lỗi, vì sau khi "được gìm
vào nước thanh tẩy," chúng ta là những người "đã chết đối với tội
lỗi" và "thuộc về Ðức Ki-tô."
Từ điểm
này, ngài trình bày bí tích Rửa tội như bước đầu để Ki-tô hữu sống ơn
công chính hóa, tức là sống cuộc sống mới với Thần Khí của Chúa Ki-tô, hoặc đây
chính là đời sống luân lý của Ki-tô hữu mà ngài sẽ tiếp tục nói đến trong phần
kế tiếp của bức thư.
a) Ðã chết đối với tội lỗi
Chúng
ta thử gác lại những định nghĩa đầy tính cách thần học hoặc giáo lý về bí tích
Rửa tội để đi vào một định nghĩa hết sức cụ thể và sống động, được tóm kết vỏn
vẹn trong hai câu 3-4.
Bí
tích Rửa tội phải đặt nền tảng trên "cái chết" và "sự sống
lại" của Ðức Ki-tô. Ðức Ki-tô phải là Bí Tích phát sinh mọi bí tích. Từ
chính Mình Máu Người, chúng ta có Bí tích Thánh Thể. Từ Thần Khí Người, chúng
ta có Bí tích Thêm sức. Từ quyền năng chữa lành của Người, chúng ta có Bí tích
Xức dầu bệnh nhân. Từ việc phục vụ và giảng dạy của Người, chúng ta có Bí tích
Truyền chức thánh. Từ khẳng định của Người về mối liên kết tình yêu vợ chồng,
chúng ta có Bí tích Hôn phối; và từ vai trò hòa giải con người với Thiên Chúa
cùng với quyền năng tha tội Người đã thi hành chúng ta có Bí tích Hòa giải.
Thánh
Phao-lô không sử dụng những từ thần học trừu tượng, thí dụ như dấu chỉ, ơn
thánh, thiết lập... Nhưng ngài dùng những hình ảnh cụ thể như "được gìm
vào nước thanh tẩy", "được gìm vào trong cái chết của Chúa
Ki-tô", "được mai táng", "được sống lại". Tất cả những
động tác của việc rửa tội phải căn cứ vào hai yếu tố căn bản: sự chết và sự
sống lại của Chúa Ki-tô. Hai yếu tố này là hai thực tại, nghĩa là hai
điều phải được xảy ra cho những ai lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Những định nghĩa
lý thuyết trừu tượng giúp chúng ta mở mang kiến thức, nhưng nhiều khi không
giúp chúng ta sống những hiểu biết ấy. Trái lại, những định nghĩa cụ thể giúp
chúng ta nắm ngay được kết luận thực hành: vậy tôi phải làm gì? Ðịnh nghĩa của
thánh Phao-lô về Bí tích Rửa tội đưa chúng ta vào hai thực tại, di chuyển từ
thực tại này sang thực tại kia và từ đó tiến tới thực tại vĩnh cửu. Nói khác
đi, ngài muốn chúng ta hiểu Bí tích Rửa tội là một tiến trình liên tục: bắt đầu
đi vào thực tại cái chết của Ðức Ki-tô, được mai táng với Người, để tiến sang
thực tại được sống lại với Người trong cuộc sống mới, rồi với "đời sống
mới" này chúng ta hành trình về quê hương vĩnh cửu. Nếu chúng ta không di
chuyển trong cái tiến trình sinh động ấy, thì chúng ta chỉ mang cái tên là con
cái Chúa, chứ không phải đích thực là con cái Chúa. Bí tích Rửa tội không phải
là cây đũa thần, nhưng là một ân sủng mà chính chúng ta phải sử dụng, phải cộng
tác thì mới đem lại hiệu quả.
b) Ðược sống lại với Ðức Ki-tô
để cùng sống với Người
Ði từ
thực tại cái chết của Chúa Ki-tô sang thực tại sống lại của Người phải thực sự
được thể hiện trong cuộc sống Ki-tô hữu. Thánh Phao-lô dùng những hình ảnh cụ
thể để nói về những gì chúng ta phải làm hầu được sống lại với Chúa Ki-tô.
Trước hết chúng ta phải "đóng đinh con người cũ của chúng ta vào thập giá
với Ðức Ki-tô." Con người cũ đó chẳng tốt đẹp gì, vì nó đã "bị tội
lỗi thống trị." Cho nên bao lâu con người cũ ấy còn sống thì chúng ta vẫn
nằm trong vòng kiềm tỏa của tội lỗi. Ðóng đinh nó vào thập giá cho nó chết đi,
và nó đã chết đi rồi thì tội lỗi cũng hết hiệu lực và chúng ta không còn là tội
nhân nữa. Ðức Ki-tô đã làm công việc đóng đinh ấy thay cho nhân loại. Nói khác
đi, Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tội lỗi và ban cho chúng ta khả
năng để trở nên công chính (= ơn công chính hóa).
Tiếp
đến chúng ta cần phải "được mai táng với Ðức Ki-tô." Sự liên kết với
Chúa Ki-tô trong tiến trình Rửa tội đưa chúng ta đi xa hơn nữa, đó là mai táng
con người cũ ấy. Hình ảnh cụ thể này giúp chúng ta nhận ra phải mai táng những
gì. Tội lỗi, tính hư, tật xấu... nói chung là phải chôn vùi đi cả một lối sống
theo thế gian. Mai táng đã trở thành một điều kiện cần thiết để được sống lại.
Phải chôn vùi cái cũ để có cái mới. Ðây chính là bước kế tiếp để chúng ta tiến
sang giai đoạn sống cuộc sống mới dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Ðề
tài của bài đọc hôm nay giúp tôi hiểu về việc công chính hóa và ơn cứu rỗi như
thế nào?
Bí
tích Rửa tội không phải chỉ là cho tôi một căn tính mới, nhưng còn cho tôi một
lối sống mới phải theo. Vậy tôi cần xét lại ý nghĩa của việc mình đã được rửa
tội như thế nào mới đúng?
Thánh
Phao-lô đòi chúng ta phải trở nên "đồng hình đồng dạng" với Chúa
Ki-tô trong cái chết và sống lại của Người. Vậy tôi đang thực hiện việc trở nên
đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô như thế nào? Ðặc biệt trong những lãnh vực
nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm vẫn sử dụng lại Thánh ca Cô-lô-xê 1:15-20.
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi