Chúa Nhật Thứ 14 Thường Niên
(7-7-2002)
· Dcr 9,9-10: (9) Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng
reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực,
Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.
· Rm 8,9.11-13: (13) Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh
em sẽ phải chết ; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con
người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống.
· TIN MỪNG: Mt 11,25-30
Chúa Cha và người Con (// Lc
10,21-22)
(25) Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: «Lạy Cha là Chúa Tể
trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho những bậc khôn ngoan
thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. (26)
Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. (27) Cha tôi đã giao phó mọi sự cho
tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ
Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
Hãy mang lấy ách của tôi
(28) «Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng
tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (29) Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và
hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ
được nghỉ ngơi bồi dưỡng. (30) Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng».
Câu hỏi gợi
ý:
1. «Những bậc khôn ngoan thông thái» là những ai? «Những người bé
mọn» là những ai? «Biết những điều này» là biết những gì?
2. Tại sao «những người bé mọn» lại được Thiên Chúa tự mạc khải
cho?
3. «Ách» của Đức Giê-su nghĩa là gì? Tại sao «ách» ấy lại nhẹ
nhàng?
Suy tư gợi ý:
1. Giải thích một vài từ ngữ khó hiểu trong bài Tin Mừng
Đức Giê-su tạ ơn Chúa Cha vì
Ngài «đã giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này,
nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn». Trong câu Kinh Thánh này, có ba điều
ta cần tìm hiểu: (a) «Những bậc khôn ngoan thông thái» là những ai? (b) «Những
người bé mọn» là những ai? (c) «Biết những điều này» là biết những gì?
a) «Những bậc khôn ngoan thông thái»: Không nên hiểu từ ngữ này
theo nghĩa đen. Trong ngữ cảnh bài Tin Mừng này, nó có nghĩa là những người tự
cho mình là khôn ngoan thông thái, là hơn người, là vĩ đại, những người thích
tự đề cao mình, thích được coi là quan trọng. Nói chung nó ám chỉ những người
coi «cái tôi» của mình quá lớn, muốn «cái tôi» của mình là trung tâm của vũ
trụ, được mọi người coi trọng, qui phục, muốn ý kiến và ý muốn của mình được
mọi người luôn tôn trọng, chấp hành. Từ khuynh hướng «qui kỷ» ấy, họ dễ trở nên
coi thường và khinh chê người khác. Nhiều khi tệ hơn nữa, họ muốn đạp trên đầu
trên cổ người khác để tiến lên, sẵn sàng bắt người khác phải hy sinh cho mình.
b) «Những người bé mọn»: Từ ngữ này cũng không nên hiểu theo nghĩa
đen là những kẻ nghèo, còn nhỏ tuổi, thuộc hạng cùng đinh trong xã hội. Nhiều
người tuy nhỏ bé trong xã hội, nhưng lại rất cao ngạo và coi «cái tôi» của mình
to lớn không kém gì «nhưng người khôn ngoan thông thái» kể trên. Trong ngữ cảnh
bài Tin Mừng này, «những người bé mọn» ám chỉ những người tự coi mình là nhỏ
bé, coi «cái tôi» của mình không là gì cả, không đáng kể, không khao khát được
mọi người quan tâm hay chú ý tới mình, không coi ý kiến hay ý riêng mình là
quan trọng. Đó là những người sống tinh thần tự hủy theo gương Đức Giê-su (x.
Pl 2,6-8), biết «lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình, không tìm
lợi ích cho riêng mình, mà tìm lợi ích cho người khác» (Pl 2,3-4), sẵn sàng
chịu thiệt thòi mất mát vì yêu thương tha nhân.
Muốn biết ta thuộc hạng người
nào, hãy xét xem phản ứng của ta thế nào khi ta bị xúc phạm, bị chạm tự ái, bị
trái ý. Nếu ta tỏ ra bực bội, tức tối, có phản ứng mạnh, đồng thời cảm thấy đau
khổ, muốn trả thù, muốn làm to chuyện, đó là dấu chứng ta thuộc hạng người
trước, là hạng coi «cái tôi» của mình quá lớn. Trái lại, nếu ta cảm thấy đó là
chuyện bình thường, chuyện nhỏ, không làm mình khó chịu, bực tức hay đau khổ,
thì ta thuộc hạng người sau.
c) «Biết những điều này» là biết những gì? Chữ «biết» trong Kinh
Thánh thường có nghĩa là cảm nghiệm chứ không chỉ là có kiến thức hay hiểu biết
xuông. Người ăn trái táo thì có cảm nghiệm về mùi vị của trái táo, khác với
người được học hỏi về trái táo một cách tỉ mỉ, khoa học, nhưng chưa hề được cầm
trái táo trong tay mà ăn. «Những điều này» trong ngữ cảnh của bài Tin Mừng hôm
nay là những bí nhiệm về Thiên Chúa, về Chân Lý Tối Hậu. «Biết những điều này»
là cảm nghiệm về Thiên Chúa, nếm được sự ngọt ngào êm dịu của Thiên Chúa, nhờ
đó cảm thấy hạnh phúc, tràn đầy sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa.
2. «Những người bé mọn» dễ cảm nghiệm về Thiên Chúa
«Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga
4,8). Vì là tình yêu, nên Ngài sẵn sàng tự hủy, hy sinh, phục vụ, quên mình, vì
thế, Ngài mới chính là «Người Bé Mọn» tuyệt hảo nhất, là gương mẫu tuyệt vời
cho tất cả «những người bé mọn». Vì «những người bé mọn» của Tin Mừng giống
Thiên Chúa ở điểm căn bản này là sự yêu thương, nên họ hiểu Ngài và cảm nghiệm
được Ngài dễ dàng hơn ai hết theo định luật «đồng thanh tương ứng, đồng khí
tương cầu». Chính Ngài cũng dễ dàng tỏ mình ra cho hạng người này nhiều hơn ai
hết. Các vị thánh được Thiên Chúa tỏ mình ra đều là những người sống tinh thần
yêu thương hay tinh thần «bé mọn» hơn ai hết.
3. Tính chất kỳ diệu và nghịch lý của «cái tôi»
«Cái tôi» là một hồng ân cao
cả Thiên Chúa ban cho con người. Nó chính là bản thân ta, là cái ta yêu quí
nhất trên đời. Nhưng vì chúng ta được tạo dựng nên giống Thiên Chúa là tình
yêu, nên «cái tôi» ấy chỉ lớn mạnh, chỉ trưởng thành, chỉ đạt được giá trị hoàn
hảo khi nó thật sự yêu thương, nghĩa là trở nên tình yêu như Thiên Chúa. Mà yêu
thương chính là ra khỏi bản thân để hướng đến và sống cho một đối tượng khác.
Điều đó đòi hỏi ta phải quên mình, từ bỏ mình, hy sinh chính mình, để chỉ lo
cho hạnh phúc và lợi ích của đối tượng ta yêu. Vì thế, càng tự coi mình là nhỏ
bé, là không quan trọng để coi đối tượng mình yêu thương là quan trọng, là lớn
lao, thì càng thực hiện được khả năng yêu thương. Và như thế là thực hiện được
chính bản thân mình, là làm cho «cái tôi» của mình trở nên cao cả, vĩ đại.
Do đó, có một nghịch lý kỳ
diệu: ta càng quên «cái tôi» của mình đi, càng làm nó nhỏ bé lại, thì nó lại
càng trở nên có giá trị và cao cả. Ngược lại, càng quan trọng hóa nó, càng tự
đề cao nó, càng làm cho nó phình lớn, thì càng làm cho nó kém giá trị, càng làm
nó nhỏ bé đi trước mặt Thiên Chúa và mọi người. Sự nghịch lý này đã được thánh
Phan-xi-cô Khó Khăn cảm nghiệm: «Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, chính khi thứ tha là khi được tha
thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời» (Kinh Hòa Bình).
Đối với việc cảm nghiệm Thiên
Chúa cũng có sự nghịch lý đó. Sự nghịch lý đó được thánh Gio-an Tẩy giả nói
đến: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi» (Ga 3,30). Nghĩa là muốn Ngài
lớn lên ở trong tôi, thì tôi phải nhỏ đi; hay nếu tôi tự làm cho mình nhỏ bé
lại thì Ngài sẽ tự động lớn lên trong tôi. Còn nếu tôi làm cho «cái tôi» của
mình phình to ra, thì Ngài sẽ tự động nhỏ lại trong tôi. Ngài có lớn lên trong
tôi, tôi mới cảm nghiệm được Ngài, mới hiểu được Ngài, mới cảm nhận được những
chân lý của Ngài, mới hấp thụ được sự khôn ngoan của Ngài. Đó chính là ý nghĩa
của câu: Thiên Chúa «giấu không cho những bậc khôn ngoan thông thái biết những
điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn». Thực ra Thiên Chúa chẳng
muốn giấu gì về Ngài, nhưng những kẻ coi «cái tôi» của mình quá lớn đã tự bịt
mắt mình lại trước những chân lý hay sự khôn ngoan của Thiên Chúa, để chỉ nhìn
thấy những «giả lý» hay sự khôn ngoan của thế gian.
4. «Hãy mang lấy ách của tôi», vì «ách tôi êm ái…»
Khi ta coi «cái tôi» của mình
là không quan trọng, là thấp kém, ta sẽ cảm thấy mình có vẻ như bị thiệt thòi,
bị mất mát đủ thứ, và như bị quàng vào cổ mình một cái ách. Nhưng ách ấy chính
là ách của Đức Giê-su, là thứ ách mà chính Ngài đã mang lấy suốt cuộc đời Ngài.
Đã là ách thì khi mang vào tất nhiên sẽ cảm thấy nặng và khó chịu. Nhưng không
có ách nào nhẹ nhàng và êm ái cho bằng ách của Ngài.
Thật vậy, khi một người coi
nhẹ «cái tôi» của mình, không coi nó là quan trọng, tự nhiên người ấy sẽ thấy
cuộc sống trở nên rất nhẹ nhàng: vì không cảm thấy bị chạm tự ái, vì không hề
tức tối hay đau khổ khi bị xúc phạm, vì sẵn sàng tha thứ không chấp chiếm ai.
Nhờ thế, cuộc sống giữa mình với tha nhân không còn vấn đề gì đáng mình phải
buồn phiền đau khổ.
Thử đưa ra một trường hợp cụ
thể. Giả như có ai đó làm thiệt hại hay xúc phạm đến ta, đó là một sự thiệt hại
khách quan, không do ta gây ra. Nếu ta coi «cái tôi» của mình là quan trọng, ta
sẽ bực tức buồn phiền và tâm ta sẽ đau khổ. Thế là ta đã tự mình làm cho mình
đau khổ và thiệt hại thêm. Nếu ta cứ nghĩ đến chuyện bị xúc phạm đó, ta sẽ đau
khổ hoài, và rất có thể vì thế ta tự làm cho mình mắc một chứng bệnh nan y nào
đó. Như thế, sự thiệt hại do chính ta tự gây ra cho mình do sự bực tức còn lớn
hơn sự thiệt hại ban đầu do người khác gây cho ta. – Nhưng nếu ta không coi
«cái tôi» của mình là quan trọng, ta sẽ tha thứ ngay cho người xúc phạm hay làm
ta thiệt hại, rồi quên ngay đi. Như thế ta chỉ bị sự thiệt hại ban đầu do người
khác gây ra mà thôi. Điều đó khó mà tránh được trong cuộc sống chung với mọi
người. Nếu ta coi thật nhẹ «cái tôi», ta sẽ thấy sự xúc phạm hay thiệt hại
chẳng đáng kể, tâm hồn ta lập tức được bình an, nhẹ nhàng, vui tươi. Như thế
chẳng phải ta đã hành động một cách khôn ngoan hơn rất nhiều sao?
Cách sau chính là cách của Đức
Giê-su, là «mang lấy ách» của Ngài. Ách đó là ách êm ái và nhẹ nhàng nhất mà
người khôn ngoan tất nhiên sẽ chọn khi đứng trước hai thứ ách: ách của Ngài và
ách của chính mình. Không có ách nào làm ta mệt mỏi và nặng nề cho bằng cái ách
do chính «cái tôi phình to» của mình tạo ra, nó chính là nguồn gốc phát sinh
nên muôn vàn tội lỗi và đau khổ ở trần gian này. Vì thế, Đức Giê-su khuyên ta:
«Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề (vì “cái tôi” của mình), hãy đến
cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi (là
cái ách của tình yêu, không có “cái tôi” nặng nề trong ấy), và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường (nghĩa là tính coi nhẹ “cái tôi” của
mình). Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh
tôi nhẹ nhàng».
Lạy Cha là Tình Yêu, xin cho
con trở nên tình yêu giống như Cha, để con trở nên hình ảnh trung thực của Cha.
Để được như thế, xin cho con biết coi nhẹ «cái tôi» của con, nhờ đó đời sống
con trở nên nhẹ nhàng, tốt đẹp và hạnh phúc hơn bội phần. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết