CHÚA NHẬT 14 QUANH NĂM - 2002
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma
8: 9,11-13
Thư Rô-ma
đi từ lý thuyết tới thực hành. Từ đầu tới hết chương 7, thánh Phao-lô trình bày
phần giáo lý thần học về ơn được nên công chính (ơn công chính hóa) như một
khúc quanh vô cùng quan trọng của lịch sử cứu độ, cho con người một tư cách
mới trước mặt Thiên Chúa và một khả năng để họ có thể trở về với Người. Tới
đây, ngài dẫn chúng ta sang phần thực hành, trình bày một lối sống mới
cho những người đã được ơn công chính hóa, tức là sống theo Chúa Thánh Thần.
Trong 5 Chúa Nhật liền, CN 14-18, Phụng vụ Lời Chúa sử dụng nguyên chương 8,
mỗi lần trích dẫn một đoạn ngắn, chứng tỏ tầm quan trọng cũng như nội dung
phong phú của chương này.
a) Chúa Ki-tô là câu trả lời
Ở chương 5,
thánh Phao-lô so sánh giữa những hiệu quả của việc Ðức Ki-tô vâng phục với
những hậu quả của việc A-đam bất tuân. A-đam đưa nhân loại tới cái chết; còn
Ðức Ki-tô, A-đam Mới, đưa nhân loại qua ngưỡng cửa ơn cứu rỗi (công chính hóa)
tới sự sống dồi dào (ơn cứu độ). Do đó, những ai được rửa tội trong Ðức Ki-tô
thì đã chết đi cho tội lỗi, nên không được làm nô lệ cho tội lỗi nữa nhưng hãy
sống cho sự công chính. Nói khác đi, Ki-tô hữu phải cởi bỏ con người cũ tội lỗi
và hãy mặc lấy Ðức Ki-tô. Mặc lấy Ðức Ki-tô diễn tả một lối sống mới, sống như
là ở trong Ðức Ki-to hoặc sống theo Thần Khí của Ðức Ki-tô. Những
tư tưởng này được lập đi lập lại nhiều lần và là chủ đề của phần còn lại thư
Rô-ma.
Ơn được nên
công chính không tiêu hủy và làm biến mất đi những khuynh hướng tội lỗi nơi
chúng ta, nhưng cho chúng ta khả năng để thắng vượt chúng. Do đó, mỗi người dù
đã được rửa tội vẫn nhận thấy nơi mình một cuộc chiến nội tâm. "Sự thiện
tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm"
(Rm 7:19). Nhận thức ấy đã khiến cho chính thánh Phao-lô phải kêu lên:
"Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải
chết này?" Và ngài có ngay câu trả lời: "Tạ ơn Thiên Chúa, NHỜ ÐỨC
GIÊ-SU KI-TÔ" (7:24-25). Có tháp nhập vào Chúa Ki-tô, ở trong Người, chúng
ta mới có thể thắng được tội lỗi.
b) Ai không có Thần Khí của Ðức Ki-tô, thì không thuộc về
Ðức Ki-to
Thánh
Phao-lô trưng lên hình ảnh tương phản giữa hai lớp người: những người sống theo
xác thịt và những người sống theo Thần Khí. Sống theo xác thịt là vẫn liên đới
với A-đam cũ, đặt tin tưởng vào những gì hoàn toàn là của loài người, vật chất,
phải chết và sẽ bị hư nát. Trái lại, những người sống theo Thần Khí của Thiên
Chúa liên kết mình với một nhân loại được đổi mới do sự chết và Phục Sinh của
Ðức Ki-tô. Họ sống trong Ðức Ki-tô và tin tưởng vào những gì là trường sinh và
không thể bị hủy hoại. Cuộc sống của Chúa Ki-tô trên trần gian này đã biểu lộ
rõ ràng Thần Khí của Thiên Chúa nơi Người. Qua sách Tin Mừng, chúng ta hình dung
được một Ðức Ki-tô hành động, giảng dạy, chữa lành, và cuối cùng là chết trên
thập giá, tất cả đều do sức thúc đẩy và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần Thiên
Chúa.
Chiêm
ngưỡng con người và lối sống của Ðức Ki-tô, thánh Phao-lô áp dụng cho Ki-tô
hữu, những người "đã được dìm vào nước thanh tẩy để thuộc về Ðức
Ki-tô." Nghĩa là nếu chúng ta muốn thuộc về Ðức Ki-tô, thì chúng ta cũng
phải "được Thần Khí chi phối" và sống trong ảnh hưởng của Thần Khí
như Ðức Ki-tô đã sống.
c) Nhờ Thần Khí mà diệt trừ những hành vi của con người
ích kỷ
Sống như
con người ích kỷ là chỉ sống cho mình, lấy mình làm trung tâm, lúc nào cũng chỉ
quy hướng về bản thân mình. Sống như thế, làm sao con người có thể "đứng
thẳng lên" (jus-stare) để hướng về Thiên Chúa và hướng về tha nhân được!
Khuynh hướng tội lỗi vẫn còn ở trong chúng ta, làm cho chúng ta phải cúi gập
xuống để chỉ còn nhìn thấy mình là tất cả. Nhưng nếu chúng ta sống trong Ðức
Ki-tô, thì Thần Khí của Thiên Chúa nơi Ðức Ki-tô sẽ loại trừ dần dần những hành
vi ích kỷ trói buộc chúng ta. Thần Khí sẽ chặt đi những rễ cây ích kỷ đang kéo
ghì chúng ta xuống, ban cho chúng ta được tự do nội tâm mà "chỗi dậy, đi
về nhà Cha." Chúng ta được mời gọi hãy phục vụ cho sự công chính, tức là
sống cho Thiên Chúa và cho anh chị em. Ðức Ki-tô vẫn luôn là mẫu gương. Người
không sống cho mình, nhưng sống chết để chu toàn sứ mệnh Chúa Cha trao phó và
sống chết cho một nhân loại mà Người là "trưởng tử."
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Tôi có
nhìn Bí tích Rửa tội tôi đã lãnh nhận như một biến cố vĩ đại nhất đời mình
không? Tại sao vĩ đại?
Tôi hiểu
thế nào về "Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí của Ðức Ki-tô"? Thánh
Phao-lô muốn nói gì khi sử dụng hai lối nói khác nhau ấy để chỉ về Chúa Thánh
Thần?
Chia sẻ với
nhóm một vài thí dụ cụ thể về việc "diệt trừ những hành vi của con người
ích kỷ."
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu
nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc thánh ca Ê-phê-xô 1:3-10 (trong Các giờ kinh
Phụng vụ, kinh chiều Thứ Hai trong tuần).
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi