CHÚA NHẬT 15 QUANH NĂM

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 8: 18-23

          Ðoạn thư Rô-ma sử dụng cho Chúa Nhật trước trình bày tiến trình cứu rỗi cần phải được thể hiện nơi mỗi cá nhân. Mỗi người chúng ta đều lãnh nhận ơn được trở nên công chính qua Bí tích Rửa tội, bắt đầu một cuộc sống theo Thánh Thần ngay khi còn ở trần gian, để cuối cùng sẽ được sống lại và sống đời đời. Nhưng đoạn thư hôm nay mở rộng nhãn quan về ơn cứu độ, không chỉ cho từng cá nhân mà là cho toàn thể vũ trụ. Thánh Phao-lô đã mở đầu suy tư về chiều kích vũ trụ (cosmic) của việc cứu độ bằng hình ảnh: "Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người" (8:19). Khẳng định này cũng nói lên thực tại của vũ trụ nói chung và nhân loại nói riêng, tất cả đều sống trong một tư thế "ngong ngóng đợi chờ" việc cứu độ hoàn tất khi mọi người sẽ sống lại và Chúa Ki-tô sẽ quang lâm. Vậy sứ điệp của bài đọc Tân Ước hôm nay muốn nói với chúng ta rằng: trong thời gian chờ đợi ấy, Ki-tô hữu hãy luôn ý thức thân phận mình là ai và sống làm sao cho đúng với thân phận ấy trong thế giới nằm dưới ảnh hưởng của tội lỗi.

 

a) Thân phận là con cái Thiên Chúa và đồng thừa kế với Ðức Ki-tô

          Qua Bí tích Rửa tội, tức là nhờ cái chết của Ðức Ki-tô, chúng ta được tháp nhập với Người. Vì thuộc về Ðức Ki-tô nên chúng ta cũng được chia sẻ chung một Thần Khí với Người. Thần Khí ấy đã giúp cho con người Ðức Ki-tô ở trần gian xứng đáng gọi Thiên Chúa là "Abba! Cha ơi!" như thế nào, thì cũng cho chúng ta có đủ tư cách để gọi Thiên Chúa là Cha như vậy.

          Sống phận làm người con "rất yêu dấu làm đẹp lòng Cha mọi đàng", Chúa Ki-tô đã được Chúa Cha dành cho sản nghiệp là chính bản thân Thiên Chúa. "Chúa là gia nghiệp của con." Thiên Chúa ban chính mình Người cho Ðức Ki-tô, và qua Ðức Ki-tô, Người ban chính mình Người cho chúng ta. Ðức Ki-tô là gương mẫu, là "tất cả cho mọi người."

 

b) "Cả chúng ta cũng rên siết trong lòng."

          Hiện thời Ki-tô hữu đang sống trong một thế giới không muốn đáp lại ơn cứu độ do quyền năng của Thánh Thần. Mặc dù là con cái Chúa và gọi Chúa là Cha, họ vẫn còn phải lệ thuộc sự hư nát là hậu quả của tội lỗi. Do đó, tín hữu sống trong tình trạng giằng co: một mặt họ sống trong và nhờ Thánh Thần, mặt khác họ sống trong một thế giới chưa được giải phóng khỏi những độc hại của tội lỗi.

          Ý thức điều này, thánh Phao-lô diễn tả "muôn loài thọ tạo" đang đợi chờ ngày quang lâm vinh hiển đã được mặc khải cho con cái Chúa. Nói cách khác, hiện thời tất cả thế gian chưa nhìn thấy và chưa thể nhận biết vinh quang đã bắt đầu được mặc khải nơi các tín hữu nhờ quyền năng Thánh Thần. Ðó chính là sự khác biệt giữa Ki-tô hữu và những kẻ không tin. Ki-tô hữu sống với niềm hy vọng chắc chắn. Khi mặc khải vinh quang ấy đã được hoàn tất thì cũng là lúc muôn loài thọ tạo được giải phóng hoàn toàn khỏi những hậu quả của tội lỗi.

          Như vậy, cái nhìn của Phao-lô về lịch sử cứu rỗi bao gồm luôn cả vũ trụ, chưa không phải chỉ duy nhân loại mà thôi. Mọi loài thọ tạo phải được giải phóng khỏi những hậu quả của việc A-đam lỗi phạm. Cuộc giải phóng này đã bắt đầu trong Giáo Hội, nơi Thánh Thần Thiên Chúa đã làm cho các tín hữu trở thành con cái Thiên Chúa. Dĩ nhiên trong cuộc giải phóng ấy, Thiên Chúa cũng muốn tất cả chúng ta phải cộng tác với Người. Chúng ta là hoa quả đầu mùa của việc cứu rỗi, nên cũng phải sống sao cho xứng đáng.

 

c) Sống niềm hy vọng

          Trong tình huống hiện tại, với ý thức phận làm con cái Thiên Chúa và những băn khoăn về tương lai, chúng ta phải có thái độ nào cho đúng? Trước hết thánh Phao-lô dạy: "Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải hy vọng" (c.24). Ý ngài muốn nói: chúng ta được cứu độ là nhờ hy vọng. Hy vọng là về phía chúng ta. Ðoái thương cứu vớt là về phía Thiên Chúa. Hai phía cần phải cộng tác với nhau, đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Chúng ta cứ thi hành phần chúng ta. Còn Chúa thì luôn luôn giầu lòng thương xót. Việc trông mong hay hy vọng này phải bền lòng bền chí tới cùng (c. 25). Chỉ có niềm hy vọng được vinh quang trong tương lai mới có thể giúp Ki-tô hữu có sức chịu đựng được những đau khổ hiện tại.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Không ai lên thiên đàng một mình, cũng không ai xuống hỏa ngục một mình. Tôi nhận định thế nào về sự liên đới giữa con người và với vũ trụ trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa?

          Khi đọc kinh Lạy Cha, hoặc thân thưa với Chúa là Cha, tôi có khi nào nghĩ đến vai trò của Thánh Thần là hướng dẫn, giải phóng chúng ta khỏi sợ sệt, chứng thực cho thần trí chúng ta là con cái Chúa không? Tôi hiểu những công việc ấy của Thánh Thần như thế nào?

          Tôi phải đặt lại vấn đề "niềm hy vọng của Ki-tô hữu" thế nào để có được một lối sống đầy lạc quan và tin tưởng?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng cầu nguyện bằng Thánh ca Ê-phê-xô 1:3-10 (Các Giờ kinh Phụng vụ, kinh chiều Thứ Hai).

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà