CHÚA NHẬT 16 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 8: 26-27

          Ðoạn thư Rô-ma sử dụng cho bài đọc Chúa Nhật hôm nay vỏn vẹn có hai câu. Tuy nhiên nó lại rất quan trọng vì đề cập tới một tác động cần thiết nhất của Thánh Thần mà chúng ta phải mở lòng đón nhận trong suốt tiến trình từ công chính hóa đến cứu chuộc. Ðể hiểu được vai trò của Thần Khí Thiên Chúa trong giai đoạn này, chúng ta nên nhìn lại tổng quát những gì thánh Phao-lô đã trình bày trước đây.

 

a) Thần Khí của Thiên Chúa trong Ðức Ki-tô 

Bắt đầu từ chương 8, thánh Phao-lô đã trình bày cuộc sống mới của Ki-tô hữu là phải sống theo Thần Khí. Thần Khí ấy là "Thần Khí của Ðấng đã làm cho Ðức Giê-su sống lại từ cõi chết" (8:11). Thần Khí của Thiên Chúa giúp cho tín hữu có thể làm được những gì Lề Luật không thể giúp được. Lề Luật chỉ ra lệnh cho người ta tránh tội lỗi, chứ không thể chiến thắng tội lỗi. Luật chỉ giúp cho chúng ta nhận ra mình yếu đuối, chứ không đủ sức để giải thoát chúng ta khỏi tội hoặc cho chúng ta sức mạnh để thoát khỏi tội. Chỉ có "luật của Thần Khí ban sự sống trong Ðức Ki-tô Giê-su đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết" (8:2). Tự do là một hồng ân trọng đại Thần Khí ban cho chúng ta nhờ cuộc Khổ nạn và cái chết của Ðức Ki-tô.

Nhưng một hồng ân nữa có vẻ còn cao trọng hơn, đó là "Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: "Áp-ba! Cha ơi!". Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa" (8:15b-16).

Ðối với Chúa Giê-su, sống theo Thần Khí của Thiên Chúa không phải chỉ là làm mọi sự dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, nhưng xa hơn nữa còn là để cho chính Thần Thần thi thố sức mạnh của Người trong việc thực hiện công cuộc Cứu Chuộc và áp dụng ơn cứu chuộc ấy trong tương lai. Do đó ở đây thánh Phao-lô không chỉ gọi Thánh Thần là "Thần Khí của Thiên Chúa trong Ðức Ki-tô", mà ngài còn gọi là "Thần Khí của Ðức Ki-tô", tức là "tinh thần làm con, làm trưởng tử của nhân loại mới" nơi Ðức Ki-tô. Từ điểm này, chúng ta sẽ hiểu được thế nào là "sống theo Thần Khí" (8:5), hoặc nói khác đi, thế nào là "sống như con cái Thiên Chúa."

 

b) Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn

          Ðể nói lên thân phận yếu hèn của chúng ta, thánh Phao-lô đã dùng hình ảnh rất cụ thể: rên siết và quằn quại như sắp sinh nở (8:22). Rên siết không hẳn là một tình trạng đau đớn khổ sở, nhưng đúng hơn là một trạng thái tinh thần phải có trong tiến trình cứu chuộc. Thánh Phao-lô đã nói đến tình trạng rên siết này như một phản ảnh của niềm hy vọng cứu chuộc. Tạo vật rên siết (câu 22), các Ki-tô hữu rên siết (c. 23) và cả Thánh Thần cũng rên siết (c. 26) nữa. Tạo vật và chúng ta rên siết vì "ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người" (c. 19). Còn Thánh Thần, "bằng những tiếng rên siết khôn tả", cầu thay nguyện giúp chúng ta. Diễn tả Thánh Thần rên siết, thánh Phao-lô muốn nói lên nỗi lòng của chính Thiên Chúa, Ðấng cứu chuộc chúng ta. Nếu chúng ta những "ngong ngóng đợi chờ", thì Thiên Chúa còn "sốt ruột" hơn nhiều, Người chỉ muốn chúng ta mau bỏ lối sống "bị tính xác thịt chi phối", để sống theo tinh thần và gương mẫu của Ðức Ki-tô và chóng trở về hiệp nhất với Người và chia sẻ vinh quang của Người.

          Chúng ta dễ bị nản chí, dễ thất vọng, dễ quên đi thân phận đích thực làm con cái Thiên Chúa. Cho nên Thần Khí mới "cầu thay nguyện giúp" chúng ta, nghĩa là giúp chúng ta lúc nào cũng phải cố gắng nói lên được hai tiếng "Cha ơi!" và sống mối quan hệ mật thiết ấy.

 

c) Cầu nguyện là sống mối quan hệ với Chúa

          Khi diễn tả tình trạng yếu hèn của chúng ta, thánh Phao-lô đặc biệt nhắc đến một khía cạnh độc đáo, đó là "chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải." Tại sao ngài nói việc cầu nguyện phản ảnh sự yếu hèn của chúng ta? Nếu chúng ta hiểu cầu nguyện không phải chỉ là xin xỏ Thiên Chúa điều này điều kia, nhưng là sống mối quan hệ mật thiết với Người, thì chúng ta phải đồng ý với thánh Phao-lô rằng chúng ta thực sự yếu hèn, bởi chúng ta chưa sống đủ mối quan hệ ấy.

          Ðược ơn nên công chính, tinh thần của chúng ta đã được thay đổi rồi, "đâu phải là tinh thần nô lệ khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử" (8:15). Tư cách "nghĩa tử" phải là điều kiện nền tảng để chúng ta cầu nguyện và sống đời cầu nguyện.

          Chính vì chúng ta vẫn yếu hèn và sợ sệt nên Thần Khí cố gắng giúp chúng ta đứng dậy, ý thức lại căn tính của mình, hết sức sống như con cái của Thiên Chúa. Như người con hoang đàng (Lc 15:11-32) nhờ vẫn còn ý thức mình là con nên đã đứng lên trở về nhà cha, thì chúng ta, nhờ Thánh Thần giúp chúng ta ý thức mình là con cái Thiên Chúa, cũng chỗi dậy mỗi ngày để sống xứng đáng phận làm con Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Chúa Giê-su thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng cuộc Khổ nạn và cái chết của Người. Còn vai trò của Thánh Thần trong công cuộc này được thánh Phao-lô diễn tả như thế nào?

          Những khi nào tôi cảm thấy Thánh Thần "rên siết" trong tôi? Tôi đã lắng nghe tiếng rên siết ấy ra sao và đã đáp lại thế nào?

          Tôi có đặt lại vấn đề cầu nguyện của mình, sau khi ý thức Thánh Thần đã làm cho tôi có đủ tư cách gọi Thiên Chúa là "Áp-ba, Cha ơi" không? Nếu thực sự gọi được Thiên Chúa là Cha, việc cầu nguyện của tôi thay đổi như thế nào?

          Tôi có bắt chước Chúa Giê-su, để cho Thần Khí hoàn toàn chủ động mình không? Chúa Giê-su đã dạy tôi những gì về sống theo Thần Khí?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về Chúa Thánh Thần.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà