SUY NIỆM CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

 

          Tin Mừng nói :

"Ðức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình."

          Thái độ của Ðức Giê-su ẩn dấu một ý định rõ rệt : tránh sự tung hô, tôn vinh của dân chúng sau một bữa ăn lạ lùng và no nê. Mọi vinh quang phải thuộc về Cha, và phải quy về Cha. Trong thành ngữ La tinh cổ có câu "Inter se laudant" (chúng bốc thơm nhau) để nói lên một tâm lý nơi nhân thế. Ðể quy chiếu về Cha thì phải ra khỏi cái nhân tình thế thái ấy. Và Ðức Giê-su lên núi một mình. Thánh Phao-lô trong đoạn thư gởi tín hữu Roma hôm nay cũng khẳng định điều ấy khi bàn về phẩm giá và vinh dự của Israel. Người viết : "Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;"

          Ra khỏi cái nhân tình thế thái chưa đủ, Ðức Giê-su còn "Cầu nguyện",bởi vì vốn được tạo dựng là loài có ngôn ngữ, có tiếng nói, con người vốn sống cho và sống với người khác. "Cái nhân tình thế thái" là "cái người khác" mà con người phải sống với và sống cho, giờ đây một khi phải rũ bỏ lại, không phải để sống cô độc, và cũng không thể sống cô độc, chính là sống với và sống cho Thiên Chúa Cha để con người vẫn còn là con người trong cơ cấu tạo thành của nó. Và "Cầu nguyện" vì thế không phải là nói nhiều lời, nhưng chỉ là sống với và sống cho Thiên Chúa. Cầu nguyện vì thế còn là sự khẳng định phẩm giá và vinh dự của mình. Phẩm giá và vinh dự được thông hiệp sự sống vĩnh hằng, trong khi "cái nhân tình thế thái" lại chỉ giam hãm con người trong cái bể dâu tang thương nay còn mai mất. "Cái nhân tình thế thái" thật giống như con thuyền trôi dạt bị sóng đánh vật vờ chỉ làm chao đảo lòng người, thậm chí đe dọa ngay cả mạng sống con người. Trong cái vòng luẩn quẩn của nhân tình thế thái ấy, con người không thể phân biệt giả chân. Thậm chí người Thầy họ yêu mến, họ tin tưởng cũng đã biến thành "Ma" từ lúc nào trong lòng họ! Khiến họ một phen hoảng hốt. Một cách đặc biệt hình ảnh Phê rô trong câu chuyện này thật đầy tính người: trong lòng ông có một Thầy Giê-su mà ông dám "sống chết vì Thầy" "Tin chỉ có Thầy có lời ban sự sống", nên ông đã mạnh mẽ bước xuống biển hồ, "Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la" lên. Người Thầy trong lòng ông đã bị thay đổi từ bao giờ ! Hóa ra vị Thầy của lòng ông vẫn chỉ là sản phẩm của một nhân tình thế thái, chưa phải là Vị Thầy của Lòng Tin, chính Chúa Giêsu nhắc nhở ông điều đó "Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?". Thánh Phaolô trong đoạn thư kế tiếp đã phân tích về cái phẩm giá và vinh dự đích thật của Israel bằng một minh giải dựa vào Lời Mạc Khải "Vì không phải tất cả con cháu ông Áp-ra-ham đều là dân Ít-ra-en; cũng như không phải vì họ thuộc dòng dõi ông Áp-ra-ham mà họ đều là con cái ông. Nhưng chính dòng dõi I-xa-ác mới được mang tên ngươi, nghĩa là không phải hễ là con đẻ của ông Áp-ra-ham, thì là con cái Thiên Chúa; nhưng con cái sinh ra do lời Thiên Chúa hứa mới được kể là chính tông" "Như vậy là để giữ vững kế hoạch Thiên Chúa đã tự do chọn lựa, mà chọn không dựa vào việc người ta làm, nhưng dựa vào ý muốn của Thiên Chúa là Ðấng kêu gọi."

          Qua những suy nghĩ trên, chúng ta hiểu được tại sao Chúa Giê-su "liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước" Và tại sao "Người lên núi một mình mà cầu nguyện.", và đó cũng phải là thái độ của chúng ta cần và phải làm để đưa thuyền đời mình cập bến bình an.

Lm. Giuse Nguyễn hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà