CHÚA NHẬT 19 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 9: 1-5

          Trong ba Chúa Nhật tới, Phụng vụ Lời Chúa muốn dùng những đoạn trích thư Rô-ma chương 9-11 để mời gọi chúng ta tiếp tục suy niệm về tình yêu Thiên Chúa biểu lộ trong kế hoạch cứu độ của Người. Thực ra trong những chương này, thánh Phao-lô nói về một vấn nạn liên hệ tới việc ngài rao giảng kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, nhưng Phụng vụ Lời Chúa chỉ trích dẫn những gì cần thiết để trình bày tiếp những đặc nét của tình yêu Thiên Chúa.

 

a) Bắt đầu với một vấn nạn: về số phận của Ít-ra-en

          Một số người hiểu lầm lời giảng của Phao-lô đã nêu lên vấn nạn như sau: Người ta được nên công chính là nhờ tin vào Chúa Ki-tô chứ không phải do việc giữ luật Mô-sê. Nếu như vậy, thì Thiên Chúa thay đổi, bất nhất ư? Nói cách khác, trước kia Thiên Chúa đã lập giao ước với Ít-ra-en tại Xi-nai, ban Lề Luật cho dân Người, giờ đây chẳng lẽ Người không còn trung thành với dân Ít-ra-en khi Người đòi họ phải có đức tin thay cho việc tuân thủ Lề Luật ư? Cho nên khi thánh Phao-lô rao giảng rằng chúng ta được nên công chính là do lòng tin vào tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ nơi Ðức Ki-tô, chứ không phải do việc giữ Luật, có phải ngài muốn nói Thiên Chúa loại bỏ Ít-ra-en không? Có phải Thiên Chúa không còn trung thành với Ít-ra-en không? Và quan trọng hơn nữa, có phải Người không trung thành với chính Người không?

          Trong chương 9-11, thánh Phao-lô không chỉ bàn đến số phận của Ít-ra-en, nhưng ngài muốn đề cập tới sự công chính và trung thành của Thiên Chúa trong lời hứa. Vậy ngài trả lời thẳng là Thiên Chúa không chối bỏ dân Ít-ra-en của Người. Ðể quả quyết điều này, ngài trưng dẫn chính gốc gác Do-thái của mình và của cả Ðức Ki-tô, để nói lên lòng gắn bó tha thiết với dân tộc mình. Ngài còn mạnh mẽ khẳng định: để giữ được tình liên đới với đồng bào, cho dù ngài "có bị nguyền rủa và xa lìa Ðức Ki-tô" thì ngài cũng chấp nhận!

          Vậy cốt lõi của vấn đề không phải là Thiên Chúa thay đổi kế hoạch, bất trung với Ít-ra-en, nhưng là trong Ít-ra-en có một số người đã không muốn chấp nhận đường lối Thiên Chúa thực hiện kế hoạch nhờ và trong Ðức Ki-tô. Thực tại này khiến cho thánh Phao-lô thấy cần phải nhắn nhủ tín hữu Rô-ma: "Thưa anh em, tôi không muốn anh em chẳng hay biết mầu nhiệm này, để anh em đừng tự cho mình là khôn, đó là: một phần dân Ít-ra-en đã ra cứng lòng, cho đến khi các dân ngoại gia nhập đông đủ. Như vậy, toàn thể Ít-ra-en sẽ được cứu độ..." (11:25-26).

 

b) Nỗi ưu phiền của Phao-lô

          Là người con dân của Ít-ra-en, Phao-lô nhìn sự kiện một số người Ít-ra-en không tin nhận Ðức Ki-tô dưới lăng kính lòng nhân hậu thương xót của Thiên Chúa, chứ không nhìn với thiên kiến bài Do-thái và thái độ lên án Do-thái đã giết Ðức Ki-tô. Phao-lô chỉ cảm thấy "rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi." Chính vì ý thức liên đới với anh em đồng bào mà Phao-lô đã đặt niềm hy vọng nơi lòng nhân từ của Thiên Chúa, tin tưởng anh em cùng huyết thống với mình sẽ được cứu độ. Phao-lô không chối bỏ gia sản quý báu tổ tiên đã để lại: giao ước, lề luật, nền phụng tự và các lời hứa. Ðó là những ân sủng Thiên Chúa ban cho Ít-ra-en. Nhưng có một ân sủng vĩ đại nhất mà Người ban cho Ít-ra-en, tức là chính Ðức Ki-tô. Tất cả những ân sủng trước đây chỉ là những chuẩn bị cho ân sủng Ki-tô. Thế mà ân sủng Ki-tô lại không được tiếp nhận! Nhận thấy sự mỉa mai trong việc đáp trả ân huệ của Thiên Chúa đã khiến cho Phao-lô phải ưu phiền và đau khổ thay cho anh em đồng bào mình.

 

c) Nhưng Phao-lô vẫn lạc quan và tin tưởng

          Bên cạnh thái độ ưu phiền và đau khổ, chúng ta lại thấy rực lên trong lòng Phao-lô một niềm tin tưởng lạc quan dựa trên căn bản tình yêu Thiên Chúa, và đây chính là điều ngài muốn chúng ta phải xác tín về lòng trung thành của Thiên Chúa. Khi nói thêm: Ðức Ki-tô "là Thiên Chúa, Ðấng vượt trên mọi sự", ngài muốn đề cao sự trung thành của Thiên Chúa. Thực vậy, sự trung thành yêu thương của Thiên Chúa không tùy thuộc vào việc đáp trả của chúng ta. Dù Ít-ra-en không muốn tiếp nhận ân sủng Ki-tô, dù chúng ta không đáp lại tình yêu của Người, thì Thiên Chúa vẫn trung thành với Ít-ra-en và vẫn yêu thương chúng ta. Tình yêu của Chúa là vô điều kiện. Không phải là Người sẽ chối bỏ Ít-ra-en nếu Ít-ra-en đã không tiếp nhận Con Một Người. Không phải là Người sẽ không còn thương chúng ta nữa nếu chúng ta không đáp lại tình yêu của Người. Nhưng Thiên Chúa vượt trên mọi sự, trên cả những bất trung và hờ hững của loài người. Do đó, tuy ưu phiền và đau khổ, Phao-lô vẫn tin vào tình yêu vững bền của Thiên Chúa. Ðứng trước tình yêu ấy, con người không biết làm gì hơn là hãy đáp trả và hãy "chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men."

          Hy vọng những suy niệm này của thánh Phao-lô sẽ gợi lên trong lòng Ki-tô hữu một thái độ đúng đắn đối với Ít-ra-en dân Chúa và chia sẻ nỗi thao thức của Giáo Hội Chúa Ki-tô là quy tụ mọi anh chị em về với Người.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Có khi nào tôi nhận ra mình cũng là một người Ít-ra-en cứng lòng không đón nhận Ðức Ki-tô, hoặc là một Ki-tô hữu Rô-ma tự cao tự đại cho mình là hơn hẳn dân Ít-ra-en?

          Tôi có nhìn lại gia sản của mình, tổ tiên, đức tin Công Giáo, giáo xứ, nhóm, tất cả như là ân sủng Thiên Chúa ban không? Nhất là Ðức Ki-tô như quà tặng Thiên Chúa ban chính mình Người cho tôi không?

          Trước những gương xấu trong Giáo Hội, tôi cảm thấy thế nào? Tuy ưu phiền và đau khổ, nhưng không mất tin tưởng chứ?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài "Chúa là tình yêu", CNLT 35.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà