CHÚA NHẬT 20 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 11: 13-15,29-32

          Dựa trên một số thực tại, thánh Phao-lô muốn chúng ta suy niệm về những đặc nét của tình yêu Thiên Chúa, tình yêu trung thành và bền vững biểu lộ qua Ðức Ki-tô và trong kế hoạch cứu độ của Người. Thiên Chúa yêu thương những ai Người kêu gọi ngay giữa những đau khổ khó khăn của cuộc đời và bất chấp mọi sự (Chúa Nhật 18). Thiên Chúa yêu thương Ít-ra-en, mặc dù một số người không tiếp nhận kế hoạch yêu thương của Người (CN 19). Trong đoạn thư Chúa Nhật hôm nay, thánh Phao-lô dẫn chúng ta tới một thực tại rộng lớn hơn cả để minh chứng Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta: Mặc dù hết thảy mọi người, cả Do-thái lẫn Dân ngoại, đều đã là những người bất tuân phục Thiên Chúa, thế mà chính Thiên Chúa lại dùng ngay thái độ bất tuân ấy để tỏ cho hết mọi người thấy lòng nhân từ thương xót của Người.

 

a) Phải nhìn sự kiện Ít-ra-en bất tuân phục Thiên Chúa như thế nào?

          Ðứng trước sự kiện Ít-ra-en bất tuân phục Thiên Chúa, thánh Phao-lô đã bày tỏ quan điểm cá nhân của ngài: tuy cảm thấy ưu phiền, nhưng ngài vẫn lạc quan, tin tưởng họ sẽ được cứu độ (xem bài đọc Chúa Nhật 19). Giờ đây, ngài muốn cảnh giác những Ki-tô hữu gốc ngoại giáo đừng nhìn sự kiện những người Do-thái không tin với thái độ cao ngạo, nhưng phải nhận ra ý nghĩa đích thực của sự kiện ấy.

Vậy ý nghĩa sự kiện ấy như thế nào? Phao-lô trả lời trong đoạn 11:25-29: việc Ít-ra-en không tin là dịp để ánh sáng đức tin đến với dân ngoại, chứ không phải là cơ hội để dân ngoại có thái độ vênh vang và kết án Ít-ra-en. Ý của Phao-lô là chúng ta hãy nhìn vào sự kiện ấy để nhận ra tình yêu Thiên Chúa như một mầu nhiệm: Thiên Chúa "gạt dân Ít-ra-en ra một bên" để hòa giải thế giới với Người, rồi Thiên Chúa sẽ "thâu nhận họ lại", đó là công việc của tình yêu Thiên Chúa. Cho nên, hết thảy mọi người, Do-thái cũng như dân ngoại, phải hoàn toàn lệ thuộc vào ân sủng của Thiên Chúa. Như dân ngoại được đem ra khỏi đời sống của bóng tối tội lỗi để bước vào đời sống ánh sáng, thì cũng thế, những người Do-thái từ bỏ thái độ ngoan cố được thâu nhận lại sẽ giống như "từ cõi chết bước vào cõi sống" vậy. Qua những thực tại ấy, điều cần thiết là chúng ta có nhận ra được tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa hay không. Vậy Phao-lô đi tới kết luận thứ nhất: "Quả thế, khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không đổi ý" (c. 29).

 

b) Thấy người lại nghĩ đến ta!

          Suy nghĩ về trường hợp của Ít-ra-en, Phao-lô đã rút ra được một kết luận nói lên đặc nét thứ nhất của tình yêu Thiên Chúa là trung thành. Thiên Chúa trước sau như một, không hề đổi ý. Tiếp theo, thánh Tông đồ mời gọi Ki-tô hữu gốc dân ngoại suy nghĩ về chính thân phận của họ để nhờ đó cảm thông với Ít-ra-en. Trước khi được thâu nhận vào Hội Thánh, Ki-tô hữu gốc dân ngoại đã là những kẻ "không vâng phục Thiên Chúa." Thế mà Thiên Chúa vẫn thương xót họ, cho họ được đón nhận Tin Mừng. Ðược xót thương và được đón nhận Tin Mừng không phải vì họ xứng đáng, nhưng là ân sủng của tình yêu Thiên Chúa. Lời văn của Phao-lô khiến chúng ta có cảm tưởng vì dân ngoại không vâng phục Thiên Chúa nên Người đã thương xót họ. Thực ra, ngài muốn nói với Ki-tô hữu gốc dân ngoại như thế này: Trước kia anh em không vâng phục Thiên Chúa, nên Người xót thương anh em; nay anh em Do-thái không vâng phục Thiên Chúa, thì cũng là để cho họ được Người xót thương. Nói khác đi, tín hữu gốc dân ngoại cũng như anh em Do-thái, chẳng ai hơn ai, tất cả đều tùy thuộc vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Vậy Phao-lô đi tới kết luận thứ hai: "Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người" (c. 32). Và đây là đặc nét thứ hai của tình yêu Thiên Chúa: thương xót mọi người, không phân biệt chủng tộc ngôn ngữ, Do-thái hay dân ngoại.

 

c) Tôi sẽ ca ngợi lòng thương xót của Chúa tới muôn đời

          Ðiệp khúc này được lập đi lập lại trong nhiều Thánh Vịnh. Hẳn tác giả Thánh Vịnh đã nhận thức được những đặc nét của tình yêu Thiên Chúa và không ngớt lời chúc tụng. Thánh Phao-lô đã nhận ra tình yêu ấy đặc biệt biểu lộ trong kế hoạch cứu độ. Chỉ có tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa mới phác họa một kế hoạch trí óc con người không thể hiểu nổi. Tại sao Người phác họa một kế hoạch không thể hiểu được như vậy? Chúng ta không có câu trả lời, vì con tim có những lý lẽ riêng của nó, nhất là khi con tim ấy lại là con tim của Thiên Chúa, thì quả thực đó là một mầu nhiệm. Tôi sẽ ca ngợi lòng thương xót của Chúa tới muôn đời, và giờ đây tôi ca ngợi bằng cách đáp trả tình yêu ấy qua lối sống yêu thương như Chúa yêu thương tôi.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ðối với những người xấu trong cộng đoàn, sở làm..., tôi có dễ dàng lên án họ không? Tôi hy vọng họ sẽ được Chúa xót thương hay tôi khinh miệt họ? Tôi làm thế nào để tập nhìn theo cái nhìn của Phao-lô?

          Tôi có luôn nghĩ tới thân phận bất xứng của mình để cảm tạ tình thương của Chúa không? Ý thức thân phận ấy giúp gì cho tôi trong đời sống đức tin?

          Câu 32 được coi là một câu đẹp nhất trong Kinh Thánh. Tại sao? Nó nói lên tình trạng ngỗ nghịch của tôi và tình yêu của Chúa như thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài ca ngợi tình yêu vững bền của Chúa.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà