Chúa Nhật Thứ 21 Thường Niên
(25-8-2002)
· Is 22,19-23: (22) Chìa khoá nhà Đa-vít,
Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không
ai mở được. (23) Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như
ngai vinh hiển cho nhà cha nó.
· Rm 11,33-36: (33) Sự giàu có, khôn
ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai
dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được!
· TIN
MỪNG: Mt 16,13-20
Ông
Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa
(// Mc
8,27-30; Lc 9,18-21)
(13) Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành
Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: «Người ta nói Con Người là
ai?» (14) Các ông thưa: «Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông
Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ». (15)
Đức Giê-su lại hỏi: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» (16) Ông Si-môn Phê-rô
thưa: «Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống». (17) Đức Giê-su nói với
ông: «Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải
phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.
(18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên
tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không
thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm
buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều
gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy». (20) Rồi Người cấm ngặt các môn đệ
không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Câu hỏi gợi ý:
1. Khi Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức
Giê-su, ông có thật sự tin ở bên trong, hay chỉ tuyên xưng ngoài miệng mà thôi?
Xét lại những tuyên xưng của chúng ta, chúng ta có xác tín đích thực bên trong
rồi mới tuyên xưng ra bên ngoài? hay chỉ là tuyên xưng ngoài miệng mà thôi?
2. Câu Đức Giê-su nói với Phê-rô cần được
hiểu thế nào? Đó có thể là một lời mời gọi mọi Ki-tô hữu ý thức hãy trở nên đá
tảng làm nền móng Giáo Hội không?
Suy tư gợi ý:
1. Phê-rô tuyên xưng niềm tin vào Đức Giê-su
Phê-rô là
một trong ba môn đệ được Đức Giê-su yêu quí nhất – hai người kia là Gioan và
Gia-cô-bê – vì ông là một con người thuần thành, chân thật và nhiệt tình, mặc
dù có chút ít sốp nổi, bốc đồng. Điều đáng quí nhất là tư tưởng, lời nói và
hành động của ông là một, không bất nhất, không mâu thuẫn nhau.
Khi tuyên
xưng Đức Giê-su là «Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống», thì đích thực ông
nghĩ như vậy, ông sống như vậy, và ông hành động đúng như vậy. Vì thế, ông đã
tuyên bố những điều phát xuất từ trái tim ông như: «Dầu tất cả có vấp ngã vì
Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã (…) Dầu có phải chết với
Thầy, con cũng không chối Thầy» (Mt 26,33.35). Tuy nhiên, ông không ngờ được sự
yếu đuối, hèn nhát vẫn là mẫu số chung của con người, trong đó có ông. Khi nói
những điều ấy, ông không ngờ được là có ngày ông bị Đức Giê-su trách: «Si-mon,
anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?» (Mc 14,37), hoặc ông không ngờ lời
báo trước của Đức Giê-su lại có thể ứng nghiệm được đối với ông: «Gà chưa kịp
gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần» (Mc 14,72).
2. Việc tuyên xưng của chúng ta thì sao?
Phê-rô cả
đời chỉ tuyên xưng và sống hết mình với niềm tin đó, và ông cũng chết vì niềm
tin đó. Ông không kết án những ai không tuyên xưng hoặc tuyên xưng khác với mình.
Còn chúng ta thì sao?
Có lẽ có
nhiều người trong chúng ta tuyên xưng đức tin rất mạnh, rất lớn tiếng, trong
những nghi thức rất long trọng, trước mặt rất nhiều người. Và chúng ta sẵn sàng
kết án hoặc tỏ ra khó chịu với những ai không tuyên xưng như chúng ta, hoặc
tuyên xưng khác với chúng ta. Nhưng cuộc sống của chúng ta thì lại xem ra khá
độc lập với việc tuyên xưng ấy. Chúng ta tuyên xưng một đằng, nhưng sống và
hành động một đằng khác. Tại sao thế?
– Vì nhờ
tuyên xưng mà chúng ta được lên chức, được gia nhập một cộng đoàn, một tổ chức,
một hội nào đấy, rất có thể có lợi cho cuộc sống hay sự thăng tiến của chúng
ta. Mà tuyên xưng thì rất dễ, chẳng mất một giọt mồ hôi nào, cho dù có tuyên
xưng mạnh mẽ, lớn tiếng hay trọng thể đến đâu. Còn sống theo lời tuyên xưng ấy
là cả một vấn đề gay go, phải «đổ mồ hôi, xót con mắt», hoặc phải «trầy da tróc
vẩy», phải đau đớn, thậm chí phải chết. Vì thế, rất nhiều người tuyên xưng mà
không sống lời tuyên xưng ấy.
– Vì tự
bản chất của vấn đề, việc suy nghĩ trong thâm tâm và việc tuyên xưng ra bên
ngoài có thể độc lập với nhau hoặc mâu thuẫn nhau, nhất là nơi những người
thiếu thành thật. Câu «khẩu Phật, tâm xà» nói lên sự mâu thuẫn ấy có thể xảy
ra. Còn việc suy nghĩ và việc hành động lại thường đi đôi với nhau, người ta
suy nghĩ thế nào thì họ hành động như vậy: tư tưởng hướng dẫn hành động. Chỉ
với những người thành thật và có sức mạnh nội tâm, thì việc suy nghĩ bên trong,
tuyên xưng bên ngoài, và hành động hay cách xử sự luôn luôn nhất quán, trùng
hợp nhau. Tuy nhiên, với những người ý chí yếu đuối, dù rất thành thật, thì
hành động đôi khi đi ngược lại với suy nghĩ và lời nói, vì «lực bất tòng tâm»,
như trường hợp Phê-rô chối Chúa chẳng hạn.
3. Linh đạo «tuyên xưng» và linh đạo «sống»
Trong đời
sống Giáo Hội, việc tuyên xưng ra ngoài miệng đóng vai trò quan trọng. Một số
bí tích quan trọng đòi buộc phải có hành vi tuyên xưng như một điều kiện quan
trọng không thể thiếu, như rửa tội, truyền chức và hôn phối. Một số nghi thức
tôn giáo để gia nhập một cộng đoàn nào đó cũng vậy: khấn dòng, tuyên hứa hay
cam kết để gia nhập hội đoàn. Trong thánh lễ, ta tuyên xưng đức tin trong kinh
tin kính, trong lời tung hô sau truyền phép. Việc tuyên xưng ấy rất cần thiết,
nhưng rất có thể vẫn có nhiều trường hợp người ta tuyên xưng một đằng, mà nghĩ,
hành động, hay sống lại một đằng khác. Vì người Ki-tô hữu chúng ta rất thường
xuyên tuyên xưng điều này điều kia, nên đôi khi chúng ta tuyên xưng một cách vô
ý thức, rất máy móc, và quên không cố gắng sống cho phù hợp với những tuyên
xưng ấy. Vô tình hay hữu ý chúng ta có thể trở thành những kẻ «ngôn hành bất
nhất», trái với mệnh lệnh của Đức Giê-su: «Hễ "có" thì phải nói
"có", "không" thì phải nói "không". Thêm thắt
điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Muốn biết chúng ta có phải là loại người như
thế hay không, hãy thử xét xem ta sống có khác với những người không tuyên xưng
như ta hay không, nếu khác thì khác như thế nào, và ở mức độ nào. Lẽ ra người
tuyên xưng và kẻ không tuyên xưng phải sống khác xa nhau lắm!
Đối với
con người – vốn không đọc được những suy nghĩ bên trong người khác – thì việc
tuyên xưng ra bên ngoài là quan trọng. Nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng thấu suốt
tâm hồn người ta, thì việc ta sống đúng theo suy nghĩ hay quyết tâm của ta mới
là quan trọng. Vì thế, người sống đạo nội tâm không nên đặt quá nặng việc tuyên
xưng. Có những người tự hứa hay tự khấn với Thiên Chúa điều gì, chỉ mình và
Thiên Chúa biết với nhau, và họ cố gắng giữ thật trọn vẹn lời khấn hứa ấy.
Những người này có giá trị rất lớn lao trước mặt Thiên Chúa, hơn rất nhiều
những người tuyên khấn thật trọng thể – trước vô số người tham dự, trong đó có
cả những nhân vật cao cấp trong Giáo Hội nghe và nhận lời tuyên khấn ấy – nhưng
lại không giữ lời tuyên khấn ấy. Thế nhưng lắm người coi việc làm cho thật
trọng thể lời tuyên khấn còn quan trọng hơn cả việc sống trung thực lời tuyên
khấn ấy. Họ tuyên khấn thật trọng thể chỉ để khuyên người khác giữ, còn chính
họ không thèm giữ!
Thiết
tưởng thái độ nội tâm khi tuyên xưng mới là quan trọng, người Ki-tô hữu cần
nhấn mạnh đến thái độ đó hơn cả chính việc tuyên xưng ra ngoài! Sự xác tín ở
bên trong phải có trước đã, còn việc tuyên xưng tuy cần thiết về mặt xã hội
hoặc Giáo Hội, nhưng chỉ là phụ thuộc! Xác tín bên trong không có, mà lại tuyên
xưng bên ngoài thì thật là giả dối!
4. Những người xác tín thật sự bên trong rồi
mới tuyên xưng ra bên ngoài là những viên đá nền tảng của Giáo Hội
Sau khi
Phê-rô tuyên xưng đức tin, một đức tin có thật bên trong, một đức tin mà ông
sẵn sàng sống chết với nó, thì Đức Giê-su tuyên bố: «Anh là Phê-rô, nghĩa là
Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần
sẽ không thắng nổi». Điều đó cho thấy những ai có đức tin mãnh liệt thật sự, và
chứng tỏ đức tin ấy bằng cuộc sống, bằng những hành động phù hợp, thì Đức Giê-su
muốn những người ấy là đá tảng của Giáo Hội. Quả thật Giáo Hội rất cần những
Ki-tô hữu như thế, cho dù họ là giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo
dân! Chức vụ hay phẩm trật của họ trong Giáo Hội không phải là chuyện quan
trọng cho bằng phẩm chất Ki-tô hữu của họ! Càng thiếu phẩm chất Ki-tô hữu mà
càng giữ những chức vụ cao trong Giáo Hội, thì càng làm hại Giáo Hội, càng làm
Giáo Hội suy yếu, chứ chẳng phải là làm nền tảng cho Giáo Hội đâu! Thật vậy,
Giáo Hội đã phải nhiều phen điêu đứng và bị lung lay vì những ông giáo hoàng
hay giám mục kém phẩm chất! Những vị này chỉ tuyên xưng đức tin ra bên ngoài để
được phong chức, mà không có niềm xác tín đích thực bên trong! Những vị ấy dù
có là giáo hoàng cũng không thể là đá tảng của Giáo Hội được!
Qua việc
tuyên xưng đức tin của Phê-rô và lời tuyên bố tín nhiệm của Đức Giê-su, ta thấy
mọi Ki-tô hữu – không trừ ai – đều được kêu gọi trở nên đá tảng của Giáo Hội
bằng một đức tin có thật, sâu xa, mãnh liệt, và được tuyên xưng ra bên ngoài
không chỉ bằng lời nói, mà chủ yếu bằng hành động, bằng chính đời sống dấn thân
của mình. Giáo Hội mà thiếu những Ki-tô hữu như thế – dù họ chỉ là giáo dân –
thì đã bị đào thải và sụp đổ từ lâu rồi. Giáo Hội mà có thật nhiều Ki-tô hữu
như thế thì «quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi», và sẽ là một nhịp cầu chắc
chắn nối liền thế giới với Thiên Chúa. Một Giáo Hội như thế sẽ là một hồng phúc
cho cả nhân loại.
Lạy Cha,
từ trước đến nay, lời Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô con cứ nghĩ là Ngài chỉ
nói với những vị mà Ngài chọn làm giáo hoàng mà thôi. Nhưng nghĩ sâu xa và phổ
quát hơn, con nhận ra Ngài nói với tất cả mọi Ki-tô hữu, Ngài mời gọi họ trở
nên đá tảng của Giáo Hội, bằng cách bắt chước Phê-rô: thật sự xác tín về Thiên
Chúa và Đức Giê-su ở bên trong, rồi sau đó tuyên xưng ra bên ngoài bằng chính
đời sống của mình. Xin giúp con biết quảng đại đáp lại lời mời gọi ấy. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết