Lời mời gọi "Vác Thập Giá" đi theo Ðức Ki-tô xem ra ở thời nào
cũng gặp sự hờ hững,, sự lạnh nhạt và nhiều khi cả sự chống đối. Tiên tri
Giê-rê-mi-a có lần tự nhủ: "Tôi sẽ
không nghĩ đến Người,cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa." Thậm chí ngay cả người môn đệ đã được tín
nhiệm, được ủy thác như là Ðá Tảng cũng đã can ngăn Thầy mình đừng lên
Giê-ru-sa-lem, và "bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương
đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!"
Chúng ta có thể thấy cái xu hường tự nhiên này đang len lỏi và khống chế mọi
lãnh vực sinh hoạt của xã hội cũng như Giáo Hội : Phương tiện đã và đang thay thế Tám Mối Phúc, những Lời Khuyên Phúc Âm, sự cầu nguyện và cử hành các Bí Tích của Ðức Ki-tô. Cuộc sống ngay cả trong những cộng
đoàn tu trì trong xu hướng Hội Nhập trở thành dễ dãi và nuông chiều. Người ta
phản đối nhiều khi thật gay gắt tính "Bất khả phân ly" của hôn nhân,
tính "bất khả xâm phạm" của sự sống, nói gì đến những cử hành phụng
vụ không nhanh gọn.
Nhưng khi chứng kiến cả
500000 người trẻ khắp thế giới tụ về Toronto quỳ tràn ngập các đại lộ của thành
phố rộng lớn này, để suy niệm chặng đường Thánh Giá trong Ðại Hội Giới Trẻ thế
giới, và cả 800000 người trẻ tụ về dự lễ Bế Mạc Ðại Hội, thì người ta có thể
hiểu được phần nào lời tiên tri Giê-rê-mi-a "Vì lời ÐỨC CHÚA mà con
đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy
trong tim, âm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao
nén được!" Và cũng như tiên
tri, chúng ta có cảm nhận là "Lạy ÐỨC CHÚA, Ngài đã quyến rũ con, và con
đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng."
"Vác Thập Giá" đi theo Ðức Ki-tô trước hết là một Ân Sủng Ðức Tin, chính Thiên Chúa mời gọi và thúc đẩy. Tiên tri Hô sê cũng đã nói về 40 năm gian nan cùng cực của
Dân Chúa trong hoang địa như là Tình Yêu Thiên Chúa dành cho dân Ngài :
" này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình." Không ai có thể đón nhận Thập Giá nếu
không cảm nhận và tín thác cho hồng ân yêu thương . Thánh Phao-lô cũng có suy nghĩ như vậy trong lời thư
chúng ta vừa nghe "Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta,
tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện
và đẹp lòng Thiên Chúa."
Chính lòng thương xót của Thiên Chúa là động lực và lý do cho cuộc sống Thánh
Giá.
"Vác Thập Giá" đi theo Ðức Ki-tô còn là "sẽ tìm được
mạng sống" theo chính lời Ðức
Giê-su khẳng định. "Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau
khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày
thứ ba sẽ sống lại". Bởi vì sự chết đã
len lỏi vào thế giới do sự bất phục tùng, thì sự sống chỉ có thể được trả lại
cho con người nhờ sự vâng phục của Ðức Kitô Cứu Thế. "Ðức Giê-su
Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang
hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng
lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự." Người ta không thể tách rời Thánh Giá và Ơn
Cứu Ðộ.
Sống theo TÁM MỐI PHÚC,
sống theo NHỮNG LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM, mọi cử hành BÍ TÍCH đều chỉ là tham dự vào
ÐƯỜNG THÁNH GIÁ của Ðức Ki-tô. Khi thoả hiệp với sự dễ dãi để tháo bỏ Thánh Giá
khỏi cuộc sống là người ta không còn đi trên đường ân sủng cứu độ. Và ở chừng
mực nào đó, người ta làm sụp đổ công trình Tình Yêu của Thiên Chúa. Dường như theo Ðức Giê-su, không thể có sự
nhân nhượng nào : "Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất
mạng sống, thì nào có lợi gì?"
Chúng ta sẽ phạm một sai lầm nghiêm trọng, nếu không nhận thức được tính nghiêm
thẳng trong lời của Ðức Giê-su quở trách Phê-rô "Xa-tan, lui lại
đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của
Thiên Chúa, mà là của loài người."
Vì là ÂN SỦNG và là ÐƯỜNG SỰ SỐNG không ai có
thể VÁC THẬP GIÁ MÌNH nếu không khiêm tốn gắn bó với ÐỜI CẦU NGUYỆN, để "như nô lệ của
Ðức Ki-tô, đem cả tâm hồn thi hành ý Thiên Chúa."
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên