Chúa Nhật
Thứ 22 Thường Niên
(1-9-2002)
· Gr
20,7-9: (7) Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ.
Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng (…) (9) Lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy
trong tim, âm ỉ trong xương cốt.
· Rm
12,1-2: (1) Anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và
đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.
· TIN MỪNG: Mt 16,21-27
Đức Giê-su tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất
(// Mc 8,31-33; Lc 9,22)
(21) Từ
lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi
Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư
gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người:
«Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!» (23) Nhưng Đức Giê-su
quay lại bảo ông Phê-rô: «Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì
tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người».
Điều kiện
phải có để theo Đức Giê-su
(// Mc
8,34 – 9,1; Lc 9,23-27)
(24) Rồi
Đức Giê-su nói với các môn đệ: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác
thập giá mình mà theo. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất;
còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì
nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?
Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?
(27) «Vì
Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần
của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm. (28) Thầy
bảo thật anh em: trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự
chết trước khi thấy Con Người đến hiển trị».
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn
quan niệm về đau khổ và chết chóc như thế nào? Đó là những thực tại xấu ác cần
xa tránh? Bạn có quan niệm nào khác cao hơn không?
2. Có
ai đã chết để bạn được sống, hay đã đau khổ để bạn được hạnh phúc bao giờ chưa?
Bạn có sẵn sàng đau khổ để những người thân yêu mình được hạnh phúc, hay sẵn sàng
chết để họ được sống không? Hy sinh như thế có ích lợi gì không?
3. Tại
sao Chúa lại đòi hỏi những kẻ theo Ngài phải chấp nhận hy sinh và đau khổ? Nếu
đó không phải là điều cần thiết, Ngài có đòi hỏi như thế không?
Suy tư gợi ý:
1. Ai
cũng sợ đau khổ, nhưng đau khổ rất ích lợi và cần thiết
Đau khổ và chết thường được coi là những gì xấu
ác, cần phải xa tránh cho chính mình và người khác. Đó là một suy nghĩ rất phổ
thông và thường được coi là khôn ngoan. Nhưng có những người suy nghĩ cao hơn,
họ thấy được giá trị, lợi ích, thậm chí sự cần thiết của đau khổ và sự chết. Vì
thế, đối với họ, đau khổ và sự chết không phải là kẻ thù, là một cái gì đáng
sợ, mà là bạn, là một cái gì thân thiết mà họ sẵn sàng vui vẻ đón nhận. Thật
vậy, đau khổ và sự chết cần thiết cho sự sống và hạnh phúc. Muốn hạnh phúc thì
nhiều khi phải chấp nhận đau khổ. Muốn cứu mình hay người khác, nhiều khi phải
sẵn sàng chấp nhận cái chết. Nói khác đi, sự sống nhiều khi phải mua bằng cái
chết, và hạnh phúc phải mua bằng đau khổ. Và sự sống hay đau khổ phải trả giá
ấy sẽ biến thành sự sống hay hạnh phúc, cho mình hoặc cho người khác.
Suy nghĩ như thế thường bị coi là bất bình thường,
là điên rồ, nhưng thực ra đó là một suy nghĩ rất minh triết, rất khôn ngoan,
phù hợp với qui luật tất yếu của vũ trụ. Thiết tưởng người Ki-tô hữu cần nắm
vững cách suy nghĩ này. Chính Thiên Chúa đã suy nghĩ theo cách này, và Ngài đã
dùng đau khổ không chỉ để cứu chuộc nhân loại, mà còn để huấn luyện và thánh
hóa con người. Những con người bản lãnh đều là những con người được trui rèn
trong đau khổ: «Đức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập
toàn» (Dt 2,10).
Khi nghe Đức Giê-su loan báo về đau khổ và cái
chết của Ngài, phản ứng của Phê-rô là ngăn cản Ngài như ngăn cản khỏi một tai
họa, một sự dữ, một điều xấu xa. Phê-rô đã suy nghĩ theo cách thường tình của
mọi người. Còn Đức Giê-su, Ngài trách ông hơi nặng lời, gọi ông là Xa-tan, vì
Ngài không ngờ ông theo Ngài đã lâu mà vẫn không suy nghĩ cao hơn người thường
được: «Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài
người».
2. Đau
khổ phát sinh hạnh phúc
Sống trên đời, ai cũng đều có kinh nghiệm rằng đau
khổ tự nguyện có thể biến thành hạnh phúc. Một người cha làm việc vất vả và cực
khổ ở xưởng thợ là để đem lại cơm no áo ấm cho đàn con. Đau khổ tự nguyện của
ông biến thành hạnh phúc của con cái. Một học sinh chịu khó học hành vất vả
trong hiện tại để đổi thành vinh quang và thăng tiến trong tương lai.
Ngược lại hạnh phúc lại có thể biến thành đau khổ.
Những người cha tìm hạnh phúc cho riêng mình trong những quán rượu thì rồi sẽ
chuốc lấy đau khổ và nhục nhã cho vợ con. Một học sinh ham chơi, ham coi phim
để vui hưởng nhàn nhã trong hiện tại, cuối cùng sẽ phải chấp nhận thất bại ê
chề trong tương lai.
Cái chết tự nguyện có thể biến thành sự sống: biết
bao chiến sĩ ngã gục và chết thê thảm ở chiến trường để người khác ở hậu phương
được sống yên ổn. Và cái sống có thể biến thành cái chết: sự hèn nhát và đi tìm
cái sống cho bản thân của những người lãnh đạo xã hội hay Giáo Hội có thể biến
thành cái chết và đau khổ cho biết bao người dân vô tội.
Đức Giê-su ý thức quy luật này hơn ai hết, và Ngài
đã chấp nhận chết để nhân loại được sống, chấp nhận đau khổ để con người được
hạnh phúc: «Người đã mang tội lỗi chúng ta vào thân thể mà đưa lên thập giá để
chúng ta được sống đời công chính. Người đã mang lấy vết thương của chúng ta để
chúng ta được chữa lành» (Pr 2,24). Chấp nhận chết để người khác được sống,
chấp nhận đau khổ để người mình yêu được hạnh phúc, đó là hành động của những
người thật sự yêu thương. Vì thế, cái chết và đau khổ trở thành phương cách để
biểu lộ tình yêu: «Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã
hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,13).
3. Những
người theo Chúa cần biết chấp nhận đau khổ
Đức Giê-su là Thầy và là gương mẫu của chúng ta,
nếu Ngài đã quan niệm như thế, đã sống và hành động như thế, chẳng lẽ chúng ta,
những người theo Ngài, lại không muốn quan niệm và hành động như Ngài sao? Đó
chính là lý do khiến Ngài đòi hỏi những người theo Ngài «phải từ bỏ chính mình,
vác thập giá mình mà theo». Nghĩa là Ngài đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng chấp
nhận đau khổ, thậm chí cả cái chết.
Là những người theo Chúa, chúng ta không nên quá
sợ hãi đau khổ và sự chết. Trái lại, hãy chấp nhận đau khổ và sự chết một cách
bình thản. Đức tin thật sự giúp chúng ta làm được điều ấy! «Những đau khổ chúng
ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi
chúng ta» (Rm 8,18). Chúng ta vẫn hát vào dịp lễ Phục sinh: «Nếu ta cùng chết
với Ngài, ta sẽ sống với Ngài. Nếu ta cùng đau khổ với Ngài, ta sẽ thống trị
với Ngài» (Rm 6,8). Chúng ta tuyên xưng mạnh mẽ như vậy, nhưng chúng ta có tin
thật như vậy không? Hay chúng ta tuyên xưng như vậy một cách giả dối? Vì nếu
thật sự tin, tại sao chúng ta lại quá sợ đau khổ và cái chết, nhất là không đau
khổ và chết vì Ngài và cho Ngài?
Biết bao tội lỗi, xấu xa, bỉ ổi, hèn nhát… đã xảy
ra chỉ vì người ta ham sống sợ chết, ham sướng sợ khổ. Ngày xưa, những người
quân tử Trung Hoa, tức những người theo đạo của Khổng Phu Tử, đã từng chủ
trương «coi cái chết nhẹ tựa lông hồng», chấp nhận đau khổ tận cùng để tận
trung với vua với nước, để trọn tình trọn nghĩa với cha mẹ, với vợ/chồng, với
bạn bè… Lẽ nào chúng ta, những người theo Đức Giê-su, tức theo tôn giáo mà
chúng ta luôn tuyên xưng là tốt nhất thế giới, lại chịu thua những người quân
tử đạo Khổng kia? Nếu chấp nhận thua thì chúng ta hãy khoan tự hào rằng tôn
giáo mình là cao hơn, tốt hơn tôn giáo của họ! Liệu tôn giáo của chúng ta, với những
phương tiện hữu hiệu là các bí tích, có ban cho chúng ta – nhất là những người
cử hành hoặc lãnh nhận bí tích hằng ngày – đủ sức mạnh và lòng can đảm hơn
những tín đồ tôn giáo khác không? Chúng ta cần nghiêm chỉnh đặt lại vấn đề và
tìm hiểu.
Biết bao Ki-tô hữu đã chấp nhận im tiếng trước bất
công, chấp nhận đồng lõa với điều ác, sẵn sàng để mặc kẻ ác tự do hành động,
cho dù mình có khả năng can thiệp. Tại sao? Có phải vì mình muốn được an toàn
cho bản thân, giữ được tình trạng an nhàn, sung sướng mình đang có? Làm như thế
quả là khôn ngoan đấy, nhưng đó là khôn ngoan kiểu thế gian, của những người
ích kỷ, không phải là khôn ngoan của kẻ có tình yêu đích thực. Và đó không phải
là thứ khôn ngoan của những người theo Đức Giê-su. Nhiều người ấy, nếu có mang danh
theo Ngài thì cũng chỉ là theo một cách «hữu danh vô thực» mà thôi! Một người
mẹ làm sao có thể ngồi im khi con cái mình bị bách hại, bị đàn áp bất công? Bà
sẽ gào thét, sẽ xông tới cứu con mình, bất chấp nguy hiểm, đau khổ hay cái
chết. Nếu không hành động như thế, bà có dám tự hào là bà yêu thương con mình
thật sự không?
4. Kết
quả cuối cùng: «Ai muốn cứu mạng sống mình, sẽ mất»
Điều khiến cho sự khôn ngoan thế gian – hay thứ
khôn ngoan của những người ích kỷ, chỉ biết sống vì mình, cho mình – cuối cùng
trở thành điên dại (x. 1Cr 1,20), chính vì mọi sự đều có một kết quả chung
cuộc. Chính vì có một kết quả chung cuộc vĩnh cửu mà những kẻ khôn ngoan kiểu
thế gian muốn tìm hạnh phúc cho mình lại không tìm được, muốn tránh đau khổ cho
mình lại không tránh được. Còn những kẻ mà thế gian cho là ngu dại – sẵn sàng
chấp nhận đau khổ để người khác hạnh phúc, chấp nhận cái chết để người khác
được sống – thì lại được sống vĩnh cửu trong hạnh phúc vô biên. Khi đối diện
với kết quả chung cuộc ấy, người ta mới thấy câu của Đức Giê-su trở thành hiện
thực: «Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình
vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy». Lúc ấy những người khôn ngoan kiểu thế
gian mới nhận ra rằng: «Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng
sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?»
Tôi nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Biết bao người
chấp nhận cực nhọc, hy sinh, đau khổ để đạt được một cái mề đay, một thứ vinh
quang hão huyền chóng qua. Biết bao người sẵn sàng chết cho một hôn quân bạo
Chúa. Tại sao con lại không dám hy sinh, chấp nhận đau khổ vì Cha, vì tha nhân,
mặc dù điều đó làm cho con được hạnh phúc đời đời? Con không có đức tin sao?»