CHÚA NHẬT 22 QUANH NĂM
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma
12: 1-2
Qua ba bài
đọc cuối cùng trích đoạn thư Rô-ma 12:1-15:13, Phụng vụ Lời Chúa muốn trình bày
những áp dụng thực hành vào đời sống luân lý sau khi chúng ta đã cùng nhau suy
niệm về tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu rỗi. Những áp
dụng ấy trước hết là dựa trên hoàn cảnh Giáo Hội tại Rô-ma và nhiều nơi khác.
Người ta đặt vấn nạn là Phao-lô giảng dạy một tin mừng đi ngược lại truyền
thống Do-thái giáo và Lề Luật. Nhưng giáo lý Phao-lô giảng dạy cho thấy vai trò
của Lề Luật Mô-sê chỉ là chuẩn bị cho người ta đón nhận ơn được nên công chính,
chứ Lề Luật ấy tự nó không đem lại ơn công chính. Chỉ có cái chết của Ðức Ki-tô
mới làm cho chúng ta được nên công chính mà thôi. Sự chấm dứt của Lề Luật Mô-sê
không có nghĩa là chấm dứt việc sống luân lý, trái lại, nó chấm dứt là để
nhường chỗ cho một đời sống luân lý mới. Ðời sống luân lý mới này đặt cơ sở
trên Thần Khí của Thiên Chúa trong Ðức Ki-tô. Vậy đâu là những kết luận chính?
Ba bài đọc (Chúa Nhật 22, 23 và 24) nói về bổn phận chúng ta đối với Chúa, bổn
phận đối với anh chị em, và ý nghĩa cuộc đời là sống hay chết thì Chúa vẫn luôn
là cứu cánh của đời ta. Vậy trước hết, chúng ta xem thánh Phao-lô trình bày bổn
phận đối với Chúa như thế nào.
a) Phải thờ phượng Thiên Chúa bằng đời sống đạo đức
Dĩ nhiên chúng ta biểu lộ việc
thờ phượng Thiên Chúa qua cầu nguyện và phụng vụ. Nhưng thánh Phao-lô muốn đi
vào nền tảng của việc thờ phượng, đó là đời sống đạo đức. Kinh nguyện và những
cử hành phụng vụ chỉ là những phương thế diễn tả mối quan hệ chúng ta với Chúa.
Cái hồn của việc thờ phượng Chúa phải là những tâm tình đạo đức của chúng ta.
Cho nên việc thờ phượng Chúa được định nghĩa như trong giới răn thứ nhất trong
Cựu Ước: "Ngươi hãy yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết
linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi" (Ðnl 6:5). Chúng ta thờ
phượng Chúa không chỉ bề ngoài, nhưng với tất cả con người của chúng ta. Hoặc
thờ phượng cũng được định nghĩa theo như thánh Phao-lô là "hiến dâng thân
mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa" (Rm 12:1).
Thánh
Phao-lô mô tả diễn tiến của việc thờ phượng Thiên Chúa như sau. Trước hết, phải
nhận thức lòng thương xót của Chúa, Ðấng đoái thương cứu độ chúng ta. Ðó là
khởi điểm của việc thờ phượng Thiên Chúa. Tiếp đến là hiến dâng thân mình cho
Chúa. Ðể hiểu thánh Phao-lô muốn nói "thân mình" nghĩa là gì, chúng
ta phải đọc lại những gì ngài nói về con người cũ của tín hữu Rô-ma là
"đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê
muội" (Rm 1:21), và "họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế,
khiến thân thể ra hư hèn" (Rm 1:24). Nhưng nhờ lòng thương xót của Chúa,
con người cũ này đã được ơn nên công chính. Vậy để đáp trả tình thương cứu độ
của Thiên Chúa, Ki-tô hữu (con người mới) không còn giữ các hình thức tế tự của
đạo Do-thái hay các đạo khác nữa. Nhưng nhờ kết hợp với thân xác và linh hồn
Ðức Ki-tô, cùng với Ðức Ki-tô và trong Ðức Ki-tô, Ki-tô hữu dâng chính bản thân
mình làm của lễ đẹp lòng Chúa. Ở đây, chúng ta thấy khai triển một tế tự mới
của Nhiệm Thể Ðức Ki-tô. Người là Ðầu và chúng ta là chi thể, tất cả hiệp nhất
thành một "Thân Mình", một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng
Thiên Chúa.
b) Cuộc sống Ki-tô hữu là một biến đổi trở nên giống Chúa
Ki-tô
Chúng ta ý
thức là mặc dù được ơn nên công chính sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng
chúng ta vẫn phải tiếp tục sống Bí tích ấy, tức là để cho mình được biến đổi
tới mức độ viên mãn trong Ðức Ki-tô. Ý của Thiên Chúa là muốn chúng ta tin và
kết hiệp với Con Một Người là Ðức Ki-tô để được cứu rỗi. Ðây đích thực là một
cuộc chiến cam go khi chúng ta cố gắng nhận ra ý của Thiên Chúa. Ý của Thiên
Chúa thì như thế, nhưng chấp nhận và đáp trả thì lại không dễ, vì thế gian và
ảnh hưởng tội lỗi vẫn lôi kéo chúng ta và ngăn cản chúng ta biến đổi nên giống
với khuôn mẫu Ki-tô.
Do đó,
thánh Phao-lô đưa ra một đề nghị thiết thực giúp chúng ta thành công trong việc
biến đổi. Trước hết, "đừng rập theo đời này." Ki-tô hữu từ bỏ
"thân mình cũ" để kết hiệp với "thân mình mới" là Nhiệm Thể
Chúa Ki-tô mà thờ phượng Thiên Chúa thể nào, thì cũng thế, họ phải quay lưng từ
bỏ lối sống cũ "đời này" để hướng về "đời sau" là thời ân
sủng đã được bắt đầu từ khi Ðức Giê-su chết và sống lại (xem Gl 1:4). Tiếp đến
là "đổi mới tâm thần." Lấy tâm thần của Chúa Ki-tô làm tiêu chuẩn và
gương mẫu, Ki-tô hữu cố gắng nhìn mọi sự theo nhãn quan của Người. Như Ðức
Ki-tô đã nhận ra điều gì là tốt, đẹp lòng Chúa Cha và hoàn hảo, thì Ki-tô hữu
cũng phải nhận ra giữa trăm mối ngổn ngang của đời mình điều gì là tốt, đẹp lòng
Chúa và hoàn hảo. Vậy phân định được đâu là phải trái, đâu là tốt xấu, đâu là
đẹp lòng Chúa hoặc mất lòng Chúa, chính là cốt lõi của đời sống luân lý mới của
con người đã lãnh nhận ơn được nên công chính. Học hỏi và noi gương Chúa Ki-tô,
người tín hữu sẽ dần dần mặc lấy những tâm tình của Người, để rồi tỏa chiếu
những tâm tình ấy qua cách đối xử với anh chị em và đối phó với những gian nan
thử thách.
Tóm lại, để
đáp lại tình yêu Thiên Chúa đã thương cứu độ, chúng ta hãy cố gắng làm theo ý
của Người, tức là biến đổi nên giống Ðức Ki-tô Con Một Người, để cùng với Ðức
Ki-tô và trong Ðức Ki-tô làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên
Chúa.
Câu hỏi gợi ý chia se
Tôi
thường thắc mắc về "thế nào là ý Chúa." Vậy lời khuyên nhủ của thánh
Phao-lô ở đây có giúp tôi nhận ra ý Chúa và phải thực thi ý Chúa như thế nào
không?
"Ðối
với tôi, sống là Ðức Ki-tô" (Pl 1:21). Nguyên tắc này giúp tôi thực hiện
việc biến đổi như thế nào? Tôi sẽ mặc lấy những tâm tình nào của Chúa Ki-tô?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu
nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, thí dụ "Gặp gỡ Ðức
Ki-tô, biến đổi cuộc đời mình..."
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi