CHÚA NHẬT 24 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Rô-ma 14: 7-9

          Chọn một vài câu để tóm kết nội dung của thư gửi tín hữu Rô-ma quả thực là một việc khó vô cùng. Thư Rô-ma được coi như một khảo luận thần học về ơn cứu độ. Nhờ và trong Ðức Ki-tô, tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa đã thực hiện một kế hoạch cứu chuộc con người. Ðể đáp trả tình yêu ấy, con người được mời gọi hãy sống đời sống mới, lấy cuộc sống của Ðức Ki-tô làm mẫu mực và sống theo Thần Khí của Thiên Chúa nơi Ðức Ki-tô. Phụng vụ Lời Chúa đã làm công việc tóm kết ấy qua bài đọc Tân Ước hôm nay để kết thúc loạt suy niệm về thư gửi tín hữu Rô-ma. Vỏn vẹn với ba câu, bài đọc đã khẳng định vai trò của Chúa Ki-tô đối với chúng ta và đòi chúng ta phải xét lại ý nghĩa đích thực của cuộc đời.

 

a) Ðức Ki-tô là tất cả

          Ðức Ki-tô là ai đối với chúng ta? Người đã làm gì cho chúng ta? Trả lời hai câu hỏi thiết yếu này, thánh Phao-lô đã gồm tóm tất cả suy tư thần học của ngài về Ðức Ki-tô trong khẳng định này:

          "Vì Ðức Ki-tô đã chếtsống lại chính là để làm Chúa kẻ sống cũng như kẻ chết" (Rm 14:9).

          Ðối với chúng ta, Ðức Ki-tô là Chúa, là Chủ tể. Ðức Ki-tô đã được Thiên Chúa tôn vinh làm Ðức Chúa. Trong bài giảng đầu tiên cho dân chúng Giê-ru-sa-lem và được đầy tràn Thánh Thần, Phê-rô đã hùng hồn tuyên xưng: "Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Ðức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, thì Thiên Chúa đã đặt Người làm Ðức Chúa và làm Ðấng Ki-tô" (Cv 2:36). Thánh Phao-lô lập lại điều ấy ở đây và xác định rõ hơn quan hệ giữa Ðức Ki-tô và nhân loại. Ðức Ki-tô làm Chúa kẻ sống, tức là Chúa của những ai tin vào Người và sống theo Luật của Người (sống theo Thần Khí). Người cũng làm Chúa kẻ chết, nghĩa là Chúa của cả những kẻ không tin Người và không sống theo điều Người dạy. Như thế rõ ràng vai trò của Ðức Ki-tô là Người đã được Thiên Chúa đặt làm Ðấng xét xử toàn thể nhân loại trong ngày sau hết.

          Nhưng Ðức Ki-tô đã làm gì cho chúng ta? Chính Người đã nói lên mục đích việc Người đến với chúng ta: "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào" (Ga 10:10). Ðể cho chúng ta được sống và sống dồi dào, Người đã chết và đã sống lại. Người đã chết là để giúp chúng ta chết đi "con người cũ" của chúng ta và Người đã sống lại là để chúng ta được chia sẻ với Người trong sự sống mới.

          Hiểu được ý nghĩa của Mầu nhiệm Chúa Ki-tô, chúng ta mới thấy là vô cùng thích hợp khi tuyên xưng sau Truyền phép: "Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến."

 

b) Sống chết cho Chúa và cho tha nhân

          Thánh Phao-lô đã tóm kết cuộc đời và sứ mệnh của Ðức Ki-tô qua một hình ảnh vô cùng sống động: Người là Chúa đã chết và sống lại để hoàn toàn thuộc về chúng ta. Dựa theo gương mẫu ấy, thánh Phao-lô muốn rút ra một bài học luân lý nói lên ý nghĩa đích thực của cuộc đời chúng ta. Dù sống hay chết, chúng ta cũng phải thuộc về Chúa và thuộc về anh chị em.

          Xã hội hôm nay cổ võ con người hãy làm chủ cuộc sống của mình. Tôi muốn phá thai, đó là quyền của tôi. Tôi muốn gây chiến tranh cũng là quyền của tôi. Tôi cho rằng điều này tốt, điều kia xấu, đó là quyền "lương tâm" của tôi... Ðức Ki-tô đã bị người ta loại ra khỏi cuộc sống của họ. Ðức Ki-tô đã trở thành một thứ "kỳ đà cản mũi" đối với nhiều người. Nhiều người không muốn "thuộc về" Ðức Ki-tô để họ được "tự do." Nhưng thực ra cái "tự do" họ đang kiếm lại là thứ "nô lệ" cho dục vọng và những yếu đuối của xác thịt.

          Cho nên thánh Phao-lô muốn thức tỉnh chúng ta: "Dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa Ki-tô." Ðó là một kết luận tất nhiên. Nếu Ðức Ki-tô đã sống cho chúng ta và đã chết cho chúng ta, thì chúng ta cũng phải sống chết cho Người và cho anh chị em của Người cũng là anh chị em của chúng ta. Không ai là một hòn đảo. Mỗi người là một chi thể trong Thân Thể mầu nhiệm của Ðức Ki-tô. Ý thức sự liên đới giữa Chúa Ki-tô với chúng ta và giữa chúng ta với nhau, đồng thời ý thức sự yếu đuối con người nơi chúng ta và nơi anh chị em, chúng ta cùng với Ðức Ki-tô và cùng với nhau đồng hành trở về nhà Cha, để cất lời vinh tụng:

          "Vinh danh Thiên Chúa,

          Ðấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh

          theo Tin Mừng tôi loan báo,

          khi rao giảng Ðức Giê-su Ki-tô.

          Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa

          nhưng nay được biểu lộ

          như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh.

          Theo lệnh của Thiên Chúa, Ðấng hằng có đời đời,

          mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết,

          để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.

          Chỉ mình Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan thượng trí.

          Kính dâng Người mọi vinh quang

          đến muôn thuở muôn đời,

          nhờ Ðức Giê-su Ki-tô. A-men. (Rm 16:25-27)

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi đã sống chết cho Chúa và cho anh chị em như thế nào? Trong những gì?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm lập lại bài Vinh tụng ca ở trên.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà