Anh chị em rất thân yêu,
Tiên
tri Êdêkien cho thấy có một khoảng cách, nếu không muốn nói là mâu thuẫn, giữa
cách nhìn của Thiên Chúa và cách nhìn của con người về công chính và tội lỗi.
Theo tiên tri đối với Thiên Chúa điều thiết yếu làm cho một người là công chính
tuỳ thuộc cơ bản vào sự quyết tâm hoán cải : "nếu kẻ gian ác từ bỏ điều
dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng
sống mình". Thiếu tinh thần hoán cải con người trở thành kẻ gian ác :
"người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà
chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết". Một cách
nhìn như vậy thương không thể gặp thấy nơi nhân loại. Vì vậy thời đại nào, xã
hội nào, cũng có những "bảng phong thần" dành cho những con người cần
phải đề phòng và xa tránh. Ngày nay chúng ta lại chẳng thường nói tới xã hội
đen, với những thành phần xì ke, ma túy, mại dâm...
Cách
nhìn của Thiên Chúa mà Êdêkien loan báo đã thành hiện thực trong công trình cứu
độ nơi Ðức Giêsu, như thánh Phaolô viết trong thư gửi tín hữu Philipphê :
"Ðức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế."Ðấng
mà chúng ta tuyên xưng dựa theo toàn bộ Mặc Khải "là Ðấng Công
Chính", là "Con Chiên không tì tích", là "người vô
tội", giờ đây và mãi mãi đồng hóa mình với người "nô lệ". Và
không phải chỉ có thế, điều đáng phải chiêm ngưỡng nơi chân dung Ðấng Cứu Chuộc
là việc Người "hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự."Vâng lời chẳng là thái độ sống của nô lệ, và chết
trên thập tự chẳng là cái chết của những nô lệ gian ác sao? Ðối với Ðức Giêsu,
dù vậy, cả danh xưng, cả kiếp sống "nô lệ" cũng không thể cầm giữ
được Người trong quyết chí "chỗi dậy", "lên đường",
"trở về với Cha". Và "Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn
Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu." Theo
gương Ðức Giêsu, người môn đệ trong mỗi tương quan của cuộc sống đã không
"làm chi vì ganh tị hay vì hư danh..." Như thế Tin Mừng về sự
hoán cải làm nên niềm Hy Vọng cho toàn thể nhân loại..
Tin
Mừng đó trước hết theo Ðức Giêsu chính là lời mời gọi không hề ngưng nghỉ :
"Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho." Lời mời gọi làm vọng
lại lời ở thời điểm Khởi nguyên : "Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho
đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi
giống vật bò trên mặt đất." Ðó là Ân sủng được tham dự vào sự sống của
Thiên Chúa, vào kế hoạch và hành động của Người. Sự công chính hệ tại việc đáp
lại lời mời gọi này.
Gioan được
sai đến để chuẩn bị cho Ðức Giêsu một dân sẵn sàng, sứ mệnh của ông là rao
giảng "sám hối", để đi trên con đường không phải chỉ là tốt lành mà
thôi, nhưng còn là trong tình thân với Ðấng Tạo Hóa, hài hòa với chính mình và
với vạn vật xung quanh; là việc làm chủ chính bản thân mình, tự do đối với ba
thứ dục tình thường làm con người nô lệ các lạc thú của giác quan, sự ham mê
của cải thế gian và đề cao "cái tôi" bất chấp những đòi hỏi của lý
trí. Thực tế là chỉ những người vốn cảm nghiệm được cái ách xiềng xích do tội
lỗi, do dục tình thì mới cảm nghiệm được lời mời gọi là ân sủng, và mau mắn đáp
lời. Còn người vốn quen để cái vỏ công chính che lấp tội lỗi và lạc thú đã
không cảm nghiệm tính ân sủng của lời mời gọi, và họ đã từ khước hoán cải.
Chúng ta không cần phải qúa bị bức xúc trước lời đanh thép của Ðức Giêsu :
"Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào
Nước Thiên Chúa trước các ông." Bởi vì nếu không nhận ra thân phận tội
lỗi để hoán cải, chúng ta sẽ cùng chung cái chết của kẻ gian ác.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu
Duyên