Chúa Nhật Thứ 27
Thường Niên
(06-10-2002)
ÐỌC LỜI CHÚA
· Is 5,1-7: (4) Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà
tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?
· Pl 4,6-9: (9) Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa, nguồn bình an sẽ ở với anh em.
· TIN MỪNG: Mt 21,33-43
Dụ
ngôn những tá điền sát nhân (// Mc
12,1-12; Lc 20,9-19)
(33) Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: «Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. (34) Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. (35) Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. (36) Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. (37) Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: «Chúng sẽ nể con ta». (38) Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: «Ðứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!» (39) Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. (40) Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?» (41) Họ đáp: «Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông». (42) Ðức Giê-su bảo họ: «Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Ðó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
(43) Bởi đó, tôi nói cho các ông
hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Dụ ngôn trên ám chỉ những ai? Nó chỉ
áp dụng cho dân Do Thái và các nhà lãnh đạo Do Thái giáo thời đó,
hay nó có tính hiện sinh, nghĩa là có thể đúng với chính Ki-tô giáo
của chúng ta hiện nay?
2. Liệu Thiên Chúa có thể nói về Ki-tô
giáo như đã nói về Do Thái giáo: «Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?».
Và Ngài có thể nói về chính bản thân tôi như vậy không?
3. Thiên Chúa có cần phải thay thế Ki-tô
giáo bằng một tôn giáo mới như Ngài đã phải thay thế Do Thái giáo
bằng Ki-tô giáo không?
Suy tư gợi ý:
1. Ý nghĩa dụ ngôn những tá điền sát nhân
Bài Tin Mừng hôm nay là một dụ ngôn có ý nói bóng gió về tình trạng đã, đang và xảy ra trong dân Do Thái, mà trước mắt có sự góp phần của giới lãnh đạo tôn giáo Do Thái là âm mưu giết Ðức Giê-su. Kết cục được diễn tả trong câu cuối của bài Tin Mừng là: Dân Do Thái được Thiên Chúa dành ưu tiên trong việc vào Nước Thiên Chúa, nhưng vì họ tỏ ra không xứng đáng, nên chỗ ưu tiên của họ được nhường cho những dân tộc khác.
Thiên Chúa đã yêu quí dân Do Thái, điều này được diễn tả trong bài đọc I: Thiên Chúa cưng chiều dân Do Thái như một người có một vườn nho mà anh ta rất quí: «Anh ra tay cuốc đất nhặt đá, giống nho quý đem trồng, giữa vườn anh xây một vọng gác, rồi khoét bồn đạp nho» (Is 5,2a). Anh quí nó đến nỗi làm cho nó tất cả những gì mà anh nghĩ nó cần nó thích: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm?» (5,4). Anh ta kỳ vọng rất nhiều vào vườn nho đó, nhưng vườn nho đã làm anh thất vọng: «Anh những mong nó sinh trái tốt, nó lại sinh nho dại» (5,2b). Một vườn nho như thế thì người chủ nên làm gì cho nó? Thất vọng vì vườn nho ấy, anh ta đã «hàng giậu thì chặt phá cho vườn bị tan hoang, bờ tường thì đập đổ cho vườn bị giày xéo (.) biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu, không tỉa cành nhổ cỏ, gai góc mọc um tùm; truyền lệnh cho mây đừng đổ mưa tưới xuống» (5,5-6). Vườn nho đó được I-sa-i-a xác định: «Vườn nho đó chính là nhà Ít-ra-en; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, chính là người xứ Giu-đa. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than» (5,7).
Trong
dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giê-su tiếp tục khai triển chủ đề
«vườn
nho» của bài đọc I (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây: 1. Vườn nho ám
chỉ dân Do Thái; 2. Ông chủ đất ® Thiên Chúa,3. Bọn tá
điền ® Các lãnh tụ
tôn giáo Do Thái; 4. Các tôi tớ của chủ đất ® Các ngôn sứ được Thiên
Chúa sai đến; 5. Người con trai của ông chủ ® Ðức Giê-su; 6. Các tá
điền khác ® Dân ngoại.
Toàn
bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa
chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc. Ngài muốn họ
là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại.
Ðể thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ,
sửa đổi và cho họ biết ý định của Ngài. Nhưng lời nói của những
ngôn sứ này thường không lọt lỗ tai các lãnh tụ tôn giáo Do Thái,
vì «trung
ngôn nghịch nhĩ», «lời thật mích lòng». Và kết quả là
các ngôn sứ này đều bị ném đá chết dưới tay các lãnh tụ tôn giáo
Do Thái. Chính ngôn sứ Ê-li-a đã phải than phiền: «Khi cầu nguyện với Thiên Chúa,
ông đã tố cáo dân Ít-ra-en rằng: Lạy Chúa, các ngôn sứ của Ngài,
chúng đã giết chết; bàn thờ của Ngài, chúng đã phá huỷ. Chỉ còn
sót lại một mình con, thế mà chúng cũng đang tìm hại mạng sống con»
(Rm 11,3; x. V 19,10.14).
Cuối
cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình đến cũng để làm công
việc ngôn sứ ấy, thì cũng bị họ giết chết một cách dã man và thảm
hại. Dân Do Thái vì hèn nhát trước quyền lực nên cũng hùa theo các
lãnh tụ của họ. Vì thế, dân Do Thái đã bị Thiên Chúa loại bỏ, mất
quyền ưu tiên đối với Nước Trời. Và Nước Trời do Ðức Giê-su thiết
lập - gồm những người tin theo Ðức Giê-su - bao gồm những người mà
người Do Thái gọi là dân ngoại, gồm đủ mọi dân tộc trên thế giới.
Còn
dân Do Thái đã bị đào thải khỏi lịch sử: tháng 9 năm 70, Titus, lúc
ấy làm thống soái quân đội Rôma (sau làm hoàng đế năm 79-81), đã
bao vây và chiếm Giê-ru-sa-lem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ
đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên
thế giới. Ðến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Ðức đã bị Hitler
giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất
nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ
đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến
nay.
2. Dụ ngôn đó có áp dụng cho Giáo Hội chúng ta không?
Khi
tôi học Cựu Ước, giáo sư dạy Kinh Thánh cho tôi thường nói: «Israel là
Giáo Hội, Israel là chính tôi». Vì thế, nếu bài dụ ngôn kia
có thể áp dụng cho dân Do Thái, thì cũng có thể áp dụng cho Giáo
Hội và cho chính bản thân tôi.
Do
Thái giáo là một tôn giáo do chính Thiên Chúa thiết lập qua các tổ
phụ, Mô-sê và các ngôn sứ, với hàng giáo phẩm là các tư tế, lê-vi
và các ráp-bi. Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp vào lịch sử của
dân tộc, đã ra tay giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách thống trị Ai
Cập, đã đích thân ban hành luật pháp cho họ, đã trực tiếp chỉ định
những vì vua cai trị họ. Ngay cả Ki-tô giáo hiện nay cũng chưa được
Thiên Chúa trực tiếp can thiệp như thế. Có ngôn sứ nào trong Ki-tô
giáo oai hùng như I-sa-i-a, khi ra lệnh cho dân Do Thái điều gì thì đều
nói: «Thiên
Chúa là Chúa các đạo binh phán như thế» (x. Is 1,24; 3,15;
5,9; 10,24; 14,22-24; 17,3; 19,4; v. v.) Vì thế, dân Do Thái đã rất có
lý khi nghĩ rằng tôn giáo của mình do Thiên Chúa thiết lập ắt sẽ
vĩnh cửu, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng lịch sử cho chúng ta
thấy họ đã lầm. Do Thái giáo đã tàn lụi, và được thay thế bằng
Ki-tô giáo. Có thể nói, Do Thái giáo chính là tiền thân của Ki-tô
giáo.
Ki-tô giáo hiện nay cũng đang tự hào là tôn giáo duy nhất do chính Thiên Chúa thiết lập, là tôn giáo có giá trị hơn hết mọi tôn giáo trên thế giới, nên mọi Ki-tô hữu đều tin tưởng nó sẽ tồn tại muôn đời, và sẽ lan tràn khắp thế giới. Nhưng nhiều khi các Giáo Hội Ki-tô giáo chỉ biết tự hào như thế mà quên đi niềm mong ước của chính Thiên Chúa đối với mình. Liệu Thiên Chúa có phải than phiền về Ki-tô giáo như đã than về Do Thái giáo: «Có gì làm hơn được cho vườn nho của tôi, mà tôi đã chẳng làm? Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?» Ki-tô giáo đã hơn Do Thái giáo những gì?
Ðức
Giê-su đến để thiết lập một tôn giáo mới dựa trên nền tảng tình
yêu thương, và luật của Ki-tô giáo là luật yêu thương: «Thầy ban
cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34); «Ai yêu
người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10); «Anh em hãy
mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Ðức Ki-tô»
(Gl 6,2); «Luật
Kinh Thánh được đưa lên hàng đầu: Ngươi phải yêu người thân cận như
chính mình» (Gc 2,8).
Luật của Tân Ước mới hẳn so với Cựu Ước của Do Thái giáo, nhưng các Ki-tô hữu đã coi trọng luật ấy đủ chưa? đã tập trung mọi cố gắng để thực hành luật ấy đúng mức chưa? Hay Ki-tô giáo lại đi vào vết xe đã đổ của Do Thái giáo, là thượng tôn nghi thức, quá chú trọng tới những lễ nghi và hình thức bên ngoài? Còn lề luật chính yếu là sống yêu thương thì lại lãng quên? Có phải hiện nay hình thức của Ki-tô giáo thì mới mẻ và khác hơn Do Thái giáo, nhưng tinh thần nệ luật, nệ hình thức thì chẳng khác gì những người Do Thái ngày xưa? Ðã tới lúc chúng ta cần nghiêm túc tự hỏi: ngày nay, người ngoài nhìn vào cách sống của người Ki-tô hữu, có thể nhận ra đạo của chúng ta là «đạo yêu thương» như thời Ki-tô giáo sơ khai không? Ngày nay, lễ «bẻ bánh» có còn là một dấu chỉ của một sự chia sẻ có thực trong đời sống giữa những người đến tham dự không, hay nó đã trở thành một nghi thức thuần túy, cho dù đầy ý nghĩa nhưng không có gì là thực tế cho lắm?
Mỗi
Ki-tô hữu - nhất là những người có trách nhiệm hướng dẫn, lãnh đạo
tôn giáo - cần tự vấn: Thiên Chúa hay Ðức Giê-su có hài lòng với
tình trạng Ki-tô giáo hiện nay không? Còn những người lãnh đạo tôn
giáo cần tự vấn thêm: Tôi có giống như những vị lãnh đạo Do Thái
giáo xưa, chẳng những không thèm nghe mà còn sẵn sàng bạc đãi hoặc
bách hại những tiếng nói ngôn sứ vào thời đại của mình không? Hay
ít ra khi họ bị bách hại vì đã chu toàn chức năng ngôn sứ của họ,
tôi đã im lặng, làm ngơ, để mặc họ bị bách hại như thể tôi cũng
đồng ý với sự bách hại ấy?
Không
khéo Ki-tô giáo của chúng ta chẳng hơn gì Do Thái giáo, khiến Thiên
Chúa cũng sẽ phải đối xử với chúng ta như đã đối xử với dân Do
Thái: «Nước
Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho
một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi»!
Cầu nguyện
Lạy
Cha, Ki-tô giáo hiện nay thế nào, chính con - cũng như bất kỳ Ki-tô
hữu nào - đều có phần nào trách nhiệm. Xin cho con biết sống đạo
Chúa Ki-tô đúng với với tinh thần yêu thương của Ngài. Xin cho con
rút ra được bài học lịch sử của dân Do Thái để tránh được vết xe
đã đổ.
Joan Nguyễn Chính Kết