CHÚA NHẬT 27 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Phi-líp-phê 4: 6-9

          Sau khi trình bày một khía cạnh hết sức thực tế thuộc đời sống cộng đoàn, tức là sống hiệp nhất và biết cảm thông với nhau, lời Chúa trong thư Phi-líp-phê hôm nay đưa chúng ta sang một lãnh vực khác của cộng đoàn: sống trong bình an.

          Có lẽ để hiểu mạch văn đưa đến việc nói tới bình an trong đời sống cộng đoàn, chúng ta cần đọc lại mấy câu đầu của chương 4. Thánh Phao-lô khuyên hai chị Xin-ti-khe và Ê-vô-đi-a làm hòa với nhau. Chúng ta không rõ hai người có gì bất bình với nhau, nhưng có thể cả cộng đoàn đều biết hai người không hòa thuận. Từ kinh nghiệm sống này, thánh Phao-lô muốn rút một bài học qua lời khuyên ngài muốn gửi tới toàn thể cộng đoàn. Một cộng đoàn bình an, không ganh ghét bất hòa sẽ phản ảnh thái độ thích đáng của Ki-tô hữu đang khi họ chờ đợi Ðức Ki-tô quang lâm.

 

a) Bình an cộng đoàn bắt đầu từ bình an của Thiên Chúa nơi từng cá nhân

          Một cá nhân không bình an thường cũng đem sự mất bình an của mình đổ trên đầu những người khác, có thể là trên cộng đoàn nhỏ bé của họ như gia đình, nhóm, cũng có thể là cộng đoàn rộng lớn hơn như giáo xứ, sở làm... Một người cha quá lo lắng công ăn việc làm, nên về nhà gắt gỏng vợ con. Một người bị sa thải xách súng đến sở làm, bắn loạn khiến nhiều người thiệt mạng. Một học sinh bị điểm kém cũng lén lấy súng của bố, đến trường giết thầy và bắn các bạn bị thương. Những chuyện này vẫn xảy ra tại đất Mỹ. Bình an phải bắt đầu từ nơi cá nhân. Ðó chính là điều thánh Phao-lô muốn nói đến ở đây.

          Một người bình an sẽ cư xử như thế nào khi gặp những lo lắng ưu tư? Thánh Phao-lô dạy: Ðừng lo lắng gì cả. Ðiều này không có nghĩa là cứ dửng dưng, bình chân như vại, nhưng là phải nhận định xem những lo lắng ấy có thực sự đáng lo không. Phương thức nhận định theo thánh Phao-lô là "hãy đem giãi bày trước mặt Chúa." Giãi bày trước mặt Chúa là lấy chính những tiêu chuẩn Người đã nêu ra để lượng giá, để phân biệt đâu là những lo lắng đích thực, đâu là những lo lắng giả tạo. Chúa Giê-su đã nói đến lo lắng cái ăn, cái mặc, mà quên "hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người" (Mt 6:25-34), lo lắng phải nói năng làm sao (Mt 10:19), lo lắng sự đời (Mt 13:22), cả đến những lo lắng có vẻ chính đáng (Lc 10:41). Nếu chúng ta biết chọn lấy những ưu tiên, biết nhận ra ý Chúa, thì dù sống giữa trăm mối lo lắng chúng ta vẫn an tâm. Ðiều quan trọng là chúng ta có thực sự muốn giãi bày trước mặt Chúa không, hoặc có giãi bày tất cả chứ không phải chỉ những gì chúng ta muốn không.

          Bình an chúng ta gặp được không phải là bình an của người đời, nhưng là "bình an của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi hiểu biết." Chính Chúa Giê-su cũng khẳng định điều đó. "Thầy ban cho anh em bình an của Thầy" (Ga 14:27). Do đó thánh Phao-lô nhận ra hiệu quả của thứ bình an này là sẽ "giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Ðức Ki-tô Giê-su" (Pl 4:7).

         

b) Ðem bình an của Chúa vào đời sống cộng đoàn

          Hướng về đời sống cộng đoàn, thánh Phao-lô muốn tín hữu Phi-líp-phê đem tất cả những gì mình đã lãnh nhận được do việc kết hợp với Chúa Ki-tô để xây dựng một cộng đoàn an vui và yêu thương. Ngài liệt kê một danh sách những gì chúng ta học được nơi Chúa Ki-tô: chân thật, cao quý, chính trực tinh tuyền, đáng mến, đem lại danh thơm tiếng tốt, đức hạnh, đáng khen. Những điều ấy bản thân Phao-lô đã học được nơi Chúa Ki-tô. Giờ đây với tâm tình của người cha, ngài muốn tín hữu Phi-líp-phê hãy bắt chước ngài mà thực hành. "Anh em hãy bắt chước tôi, như tôi bắt chước Ðức Ki-tô" (1 Cr 11:1).

          Xây dựng một cộng đoàn sống bình an là bổn phận của mọi người. Có đi vào đời sống của cộng đoàn, chúng ta mới nhận thấy cộng đoàn có bình an hay không. Nhiều khi chúng ta đứng ngoài, không muốn dính dáng với những sinh hoạt giáo xứ, cộng đoàn, để tìm lấy cho mình sự bình an của chúng ta chứ không phải của Chúa. Hiệp nhất và bình an không có nghĩa là mọi người phải giống nhau, mà là mọi người tuy khác biệt nhưng cùng kết hợp với Ðức Ki-tô. Người là nguyên lý hiệp nhất thế nào thì Người cũng là "nguồn bình an" sẽ ở với chúng ta như vậy.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi đã suy niệm về sự quan phòng của Chúa và sống như thế nào trong sự quan phòng ấy?

          Thử nhận định một vài lo lắng của tôi và chia sẻ với nhóm về nhận định ấy.

          Tôi ý thức thế nào về việc làm gương? Tôi có thực sự là gương mẫu trong gia đình, trong cộng đoàn không? Tôi phải nghiêm túc xét lại vấn đề này như thế nào?

          Tôi có làm mất bình an của người khác, của nhóm hay của cộng đoàn không? Nếu có thì tại sao? Sửa chữa thế nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

          "Lạy Chúa, xin cho con luôn vui tươi, dù có phải lo âu và thống khổ,

          Xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

          Nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người - cũng như con - đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối, thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn, thông cảm và nhân từ hơn.

          Nếu bàn tay con run rẩy, thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

          Khi lâm tử, xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật như một lời kinh.

          Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác, như một lời xin vâng cuối cùng.

          Và con về nhà Chúa, để dự tiệc yêu thương muôn đời. A-men."

                                                          (Trích RABBOUNI, lời nguyện 117)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà