CHÚA NHẬT 28 QUANH NĂM
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Phi-líp-phê 4: 12-14,19-20
Cuộc
sống có những hoàn cảnh khác nhau và phải đối phó với những thách đố về nhiều
phương diện. Một cuộc sống có thể là mầm mống gây chia rẽ nếu chúng ta cứ tự cao
tự đại, coi mình là cái rốn vũ trụ và người khác chẳng ra gì (xem bài đọc Chúa
Nhật 26). Có thể một cuộc sống mất bình an cũng muốn làm cho người khác hay
cộng đoàn mất bình an (bài đọc Chúa Nhật 27). Qua bài đọc hôm nay, lấy kinh
nghiệm bản thân, thánh Phao-lô muốn dạy thêm một cách sống khác: vui với hoàn
cảnh mình đang sống.
a) Thế nào là vui với hoàn cảnh
mình đang sống?
Thoạt
nghe lời chia sẻ của thánh Phao-lô, chúng ta tưởng ngài thuộc loại ba phải, sao
cũng được. Thực ra không phải tiêu cực như vậy đâu. Trái lại ngài phải phấn đấu
và nhất là tập tin tưởng vào Chúa là Ðấng ban sức mạnh. Khi ngài viết:
"Trong mọi hoàn cảnh, no hay đói, dư dật hay túng bấn, tôi đã tập quen
cả." Nói đến tập tành là nói đến bí quyết tập luyện, ý chí tập luyện và
nhất là động lực tập luyện. Tập quen một điều tốt tức là đạt được một nhân đức
sau bao tháng ngày lập đi lập lại cùng một điều, dựa vào cùng một động lực. Thí
dụ khi tôi tập luyện sự kiên nhẫn là tôi phải tập đối phó hoàn cảnh với thái độ
bình tĩnh, không nóng nảy, biết chờ đợi... Ngày này sang ngày khác. Từ hoàn
cảnh này tới hoàn cảnh kia. Xét lại sự việc hôm qua để rút kinh nghiệm cho sự
việc hôm nay. Thêm vào đó, điều rất quan trọng là động lực tại sao tôi tập
luyện sự kiên nhẫn. Là để tình yêu vợ chồng tôi không bị sứt mẻ hay tan vỡ
nhưng càng thêm nồng nàn thắm thiết. Ðể đứa con tuổi mới lớn chóng qua cơn
khủng hoảng dậy thì. Ðể bắt chước Chúa Giê-su, Ðấng đã kiên nhẫn khi rao giảng
Tin Mừng và khi đối phó với thái độ cố chấp của Pha-ri-sêu và dân chúng...
Vậy đâu
là bí quyết thánh Phao-lô sử dụng để tập luyện vui sống với hoàn cảnh hiện tại?
Ðó là: "Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết" (c. 13). Bí
quyết đơn giản vậy thôi sao? Nói vậy chứ không phải vậy! Bí quyết đòi hỏi một
lòng tín thác tuyệt đối nơi Thiên Chúa, nguồn sức mạnh, động lực chính của việc
tập luyện. Chúng ta cứ tưởng tượng ra một Phao-lô tập quen, tập chịu đựng trong
mọi hoàn cảnh. Trước hết ngài "đã học sống tự lập trong bất cứ hoàn cảnh
nào" (c. 11) để khỏi trở thành gánh nặng cho người khác (xem 2 Tx 2:9).
Vừa làm việc thợ dệt, vừa thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Quan trọng nhất
đối với Phao-lô là phải nhận ra sự hiện diện của Chúa trong mọi hoàn cảnh, lúc
đói cũng như khi no. Thường thường chúng ta chỉ nghĩ đến Chúa, chạy đến với
Người lúc cần thiết hay thiếu thốn, còn khi no đủ là chúng ta quên Người. Ý
thức sự hiện diện của Chúa giúp cho chúng ta sống tâm tình biết ơn khi no đủ và
được mạnh mẽ khi phải đối phó với thiếu thốn. Sự hiện diện của Thiên Chúa được
thể hiện rõ rệt nơi Ðức Ki-tô là gương mẫu của chúng ta. Cho nên chúng ta không
lấy làm lạ khi thánh Phao-lô mời gọi chúng ta "Anh em hãy bắt chước tôi
như tôi bắt chước Ðức Ki-tô."
Một điểm
quan trọng khác thánh Phao-lô muốn nêu lên là khi quẫn bách cũng như khi được
dư dật, chúng ta phải biết sử dụng những gì mình lãnh nhận được "để tìm
kiếm những gì sinh hoa kết quả dồi dào cho anh em," hoặc nói theo thánh
I-Nhã là để phụng sự và tôn vinh Thiên Chúa. Thường khi được dư dật, chúng ta
hay có tật muốn tích lũy, giữ lấy cho mình, mà không biết chia sẻ. Cho nên
không phải vì tôi đang túng thiếu mà không muốn chia sẻ, hoặc vì tôi quá lo
phòng bị cho tương lai mà không dám cho đi.
b) Từ sự đầy đủ đời này tiến đến
sự giàu sang trong Ðức Ki-tô
Bài
học thánh Phao-lô dạy không chỉ giới hạn trong lãnh vực đời sống vật chất
thường ngày, nhưng ngài muốn hướng chúng ta tới một lý tưởng cao vời hơn: mỗi
người chúng ta được mời gọi phải đạt tới sự sung mãn trong Ðức Ki-tô. Mọi nhu
cầu hiện tại của chúng ta chỉ là để giúp chúng ta trong cuộc hành trình trần
gian này. Thiên Chúa, "Ðấng ban sức mạnh," đã lo lắng cho chúng ta
trong mọi nhu cầu ấy. Nhưng cũng chính Thiên Chúa, "Thiên Chúa của tôi sẽ
thỏa mãn mọi nhu cầu của anh em... trong Ðức Ki-tô Giê-su," sẽ đưa chúng
ta tới tình trạng đầy đủ "một cách tuyệt vời" tức là được chia sẻ
chính sự sống đời đời với Người.
Ðiểm
đặc biệt ở đây là Phao-lô gọi Thiên Chúa là "Thiên Chúa của tôi."
Ðiều này nói lên cảm nghiệm đích thực của ngài là đã ý thức được sự hiện diện
của Thiên Chúa trong cuộc sống của mình tới độ có thể gọi được Thiên Chúa là
tất cả đối với mình. Sống bí quyết vui với hoàn cảnh hiện tại như thế, Phao-lô
thực sự là một gương mẫu rõ rệt và rất đáng khâm phục. Sống ý thức Chúa hiện
diện trong đời sống mình tất nhiên sẽ giúp chúng ta dễ dàng biết "tôn vinh
Thiên Chúa là Cha chúng ta, đến muôn thuở muôn đời. A-men."
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Kinh
nghiệm sống túng quẫn trong quá khứ đã dạy tôi bài học gì? Tôi đã sống như thế
nào trong hoàn cảnh ấy?
Tôi
có nhận ra giúp đỡ anh chị em trong cơn quẫn bách là một bổn phận không? Tôi đã
giúp với thái độ nào? Hoặc tôi đã có thái độ nào khi được giúp?
Ðã
khi nào tôi "tập quen" làm một điều gì tốt chưa? Nói khác đi, tôi có
để ý tập tành một nhân đức không? Tập nhân đức nào cần thiết nhất cho tôi trong
lúc này? Tôi sẽ dùng bí quyết nào để tập? Nhóm có thể giúp tôi những gì?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh sau đây:
"Lạy Chúa, xin dạy con vững
bước trong đêm trăng mờ ảo hay ngày sáng rạng ngời.
Xin dạy con nhìn phía trước,
đừng lầm lẫn những gì của ngày mai với hôm qua.
Xin dạy con cùng Ngài làm nên
ngày mới,
đừng tích tụ hoa tàn nhụy rữa
bên lối cũ đường xưa.
Xin dạy con mở toang những vách
ngăn thành cánh cổng của một lộ trình mới.
(ÐHY
Roger Etchegaray, trích RABBOUNI, lời nguyện 75)
Lm.
Ðaminh Trần đình Nhi