CHÚA NHẬT 29 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Thê-xa-lô-ni-ca 1: 1-5b

          Thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca có hai phần. Phần nhất (chương 1-3) là lời tạ ơn Thiên Chúa vì cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca sống gương mẫu trong đức tin, cậy và mến. Phần hai (chương 4-5) là huấn dụ luân lý, nhắc nhớ tín hữu những điều Phao-lô đã dạy dỗ họ và khích lệ họ tiếp tục sống thánh thiện, chờ ngày Chúa quang lâm.

 

a) Từ Phi-líp-phê đến Thê-xa-lô-ni-ca

          Về lịch sử hành trình truyền giáo của thánh Phao-lô, Thê-xa-lô-ni-ca, thủ phủ tỉnh Ma-kê-đô-ni-a, là cộng đoàn được ngài thiết lập sau khi ngài rời Phi-líp-phê. Nhưng ở đây chúng ta để ý tới cách Phụng vụ Lời Chúa trích dẫn thư thánh Phao-lô, vừa nói lên tiếp nối lịch sử truyền giáo của ngài, lại vừa nói lên sự liên tục dòng tư tưởng và giáo lý của ngài.

          Thực vậy, trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô trưng lên những khía cạnh khác nhau của đời sống luân lý gương mẫu, lấy Ðức Ki-tô làm mẫu mực. Ngài còn đi xa hơn, mời gọi tín hữu hãy bắt chước ngài như ngài đã bắt chước Ðức Ki-tô. Cũng theo chiều hướng bắt chước, làm gương (xem cc. 7-8), trong thư gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô muốn nêu lên gương sáng của cộng đoàn này để trình bày thêm một khía cạnh nữa của đời sống Ki-tô gương mẫu, đó là:

          "Chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin,

          những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến,

          và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi" (1 Tx 1:3).

          Ðây là lần đầu tiên Kinh Thánh và Tân Ước nói đến bộ ba đức tin, đức cậy và đức mến. Ðặc biệt ở đây, thánh Phao-lô không nói đến đức tin, cậy, mến như là những ý niệm trừu tượng, nhưng là những thể hiện sống động qua những việc làm, những gánh vác khó nhọc và những chịu đựng kiên nhẫn. Như thế ngài đã phác họa một cuộc sống biểu trưng của người Ki-tô hữu, gồm những đức tính cần thiết cho việc chờ đợi Ðức Ki-tô tái lâm.

 

b) Sống đức tin, lòng trông cậy và lòng mến yêu

          Chờ đợi Chúa quang lâm là thời gian để chúng ta thể hiện một cuộc sống theo mẫu mực Ðức Ki-tô, nghĩa là phải lấy ba đức tính tin, cậy, mến làm cơ sở cho lối sống của mình. Lòng tin, mến và trông cậy sẽ là động lực cho tất cả tư tưởng, hành động và việc làm của chúng ta. Những đức tính ấy còn là những tiêu chuẩn nói cho người ta biết chúng ta có phải là công dân của Nước Ít-ra-en Mới hay không. Hơn nữa, vì không biết thời gian chờ đợi Chúa quang lâm sẽ kéo dài tới bao lâu, nên những đức tính ấy cũng cần thiết để giúp chúng ta trung thành chờ đợi cho đến cùng.

          Nhưng tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã căn cứ vào đâu mà có được lòng tin, cậy, mến như vậy? Thánh Phao-lô đã cho chúng ta câu trả lời ngay sau khi ngài tuyên dương họ: Vì họ là những người được Thiên Chúa thương mến và tuyển chọn, được lãnh nhận Tin Mừng cứu rỗi của Ðức Ki-tô, có quyền năng của Thánh Thần, và niềm xác tín sâu xa (cc. 4-5).

          Qua những lớp giáo lý, chúng ta đều biết các nhân đức tin, cậy và mến là những nhân đức đối thần, nghĩa là lấy Thiên Chúa làm đối tượng, từ nơi Người là nguồn gốc phát sinh niềm tin, cậy và mến nơi chúng ta. Hiểu như thế, chúng ta không lạ khi thấy thánh Phao-lô đã diễn tả lòng tin, cậy, mến của tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca có được là do từ nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói khác đi, vì nhận thức mình được Ba Ngôi Thiên Chúa yêu thương, cứu chuộc và dẫn dắt theo đường lối của Người, nên tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca mới đáp trả nghĩa cử của Thiên Chúa bằng cách biểu lộ lòng tin của họ qua việc làm, biểu lộ lòng mến của họ qua những gánh vác khó nhọc, và biểu lộ lòng cậy trông của họ qua những kiên nhẫn chịu đựng.

 

c) Những tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca hôm nay

          Không phải cá nhân chúng đã tụ họp lại làm thành Giáo Hội, nhưng là chính Thiên Chúa, trong Ðức Ki-tô, đã thương mến, tuyển chọn và quy tụ chúng ta thành Giáo Hội. Thiên Chúa đã ban cho mọi phần tử trong Giáo Hội Người một đời sống mới, tức là sống theo Thần Khí của Người nơi Ðức Ki-tô Giê-su. Do đó, toàn thể Giáo Hội ấy phải sống đức tin vào Ðức Ki-tô là Chúa, đức mến đối với anh chị em (xem 4:9-12) và niềm hy vọng vững vàng rằng Ðức Ki-tô sẽ trở lại trong vinh quang.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi nghe nhắc rất nhiều đến đức tin, cậy và mến. Nhưng tôi đã hiểu thế nào về ba nhân đức tối quan trọng này? Những soi sáng của thánh Phao-lô giúp tôi hiểu thêm được những gì?

          Chia sẻ một số việc làm trong đời sống thường ngày phản ảnh đức tin của tôi. Một số gánh vác khó nhọc nhờ động lực yêu thương. Và một vài kiên nhẫn chịu đựng vì hy vọng.

          Thánh Phao-lô tạ ơn Thiên Chúa về đời sống gương mẫu của tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Ngài dạy tôi bài học nào?

          Cùng toàn thể Giáo Hội, tôi chờ đợi Ðức Ki-tô quang lâm, nhưng với thái độ nào? Có đúng như thánh Phao-lô nói lên ở đây không? Tôi cần phải thay đổi thái độ chờ đợi ấy ra sao?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về "Tin, Cậy, Mến". 

          Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà