CHÚA NHẬT  II  PHỤC SINH

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: 1 Phê-rô 1: 3-9

            Thư thứ nhất của thánh Phê-rô thường được coi như do chính ngài viết từ Rô-ma mà ngài gọi là "Ba-by-lon", trước năm 67.  Thư mang hình thức một thư luân lưu gửi cho những giáo hội tại miền Tiểu Á.  Mục đích thư nhắm gợi lại cho tín hữu tân tòng những điểm giáo lý căn bản của Ki-tô giáo và khích lệ họ hãy kiên trì chịu đựng bách hại, nhờ đó sự trung thành giữ vững đức tin của họ sẽ gây ảnh hưởng tốt nơi Dân ngoại hoặc những anh em Do-thái lân cận.

            Chúng ta vừa mừng Chúa sống lại, nên những lời của thánh Phê-rô hôm nay là cốt ý nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa của biến cố Phục Sinh.

            Trước khi trình bày ý nghĩa của biến cố Phục Sinh, không gì thích hợp hơn là dâng lời chúc tụng tôn vinh Thiên Chúa Cha, Ðấng đã thực hiện kế hoạch cứu rỗi chúng ta nhờ Con Một Người là Ðức Giê-su Ki-tô.  Có lẽ lời chúc tụng này là một câu trong bài thánh ca khi cử hành việc rửa tội ngày xưa.  Nhưng ít ra nó cũng nhắc nhớ chúng ta hướng về nguồn cội ơn cứu rỗi,  phát xuất từ trái tim Thiên Chúa qua một kế hoạch được thực hiện nhờ Ðức Ki-tô và cao điểm của kế hoạch là sự Phục Sinh của Ðức Ki-tô.

            a)  Kế hoạch của "lượng hải hà" Thiên Chúa là gì? 

Thánh Phê-rô diễn tả như sau:         

"Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh

            Ðể nhận lãnh niềm hy vọng sống động

            Nhờ Ðức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại,

            Ðể được hưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai."

Thánh Phê-rô thật ngắn gọn và rõ ràng.  Phải chăng đó cũng là đặc nét của ngài, một thợ đánh cá vốn liếng văn hóa không là bao, nhưng được triệu gọi làm "kẻ lưới người"!  Thiên Chúa Cha đã vạch sẵn con đường để chúng ta bước theo kế hoạch của Người.  Trước hết Người "cho chúng ta được tái sinh", nghĩa là được sinh lại, được sự sống mới bởi Thần Khí.  Vai trò của Thần Khí trong đời sống mới này là làm phát sinh trong chúng ta "niềm hy vọng sống động", hy vọng được hưởng gia tài vĩnh cửu Thiên Chúa muốn dành cho chúng ta.  Kể từ ngày nguyên tổ phạm tội, niềm hy vọng này đã mất đi và vô phương phục hồi.  Sống không có niềm hy vọng đích thực thì cũng như chết rồi vậy!  Nhưng nay, chính nhờ sự Phục Sinh của Ðức Ki-tô, chúng ta được tái sinh, được sống lại, và do đó niềm hy vọng của chúng ta được "sống động" trở lại.

            Nhưng điểm quan trọng nhất trong kế hoạch này là nhờ Ðức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại.  Nếu không có Ðức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết, thì chúng ta không được tái sinh, không có niềm hy vọng sống động và cũng sẽ chẳng bao giờ được hưởng gia tài vĩnh cửu của Thiên Chúa cả!  Vai trò của sự Phục Sinh vô cùng quan trọng đối với số phận của chúng ta.  Nó khởi đầu cho cuộc sống mới của chúng ta, đi theo suốt hành trình sống niềm hy vọng sống động của chúng ta, tức hành trình đức tin vào Chúa Ki-tô và sứ mệnh cứu thế của Người, và kết thúc hành trình ấy ở trên trời.  Thời gian của hành trình đức tin ấy thánh Phê-rô gọi là "trong thời sau hết."

            b)  Trong thời sau hết, chúng ta phải sống tinh thần Phục Sinh như thế nào?

            Trước hết, thánh Phê-rô mời gọi chúng ta sống với thái độ "hân hoan vui mừng" giữa muôn vàn thử thách.  Bị thử thách, chúng ta thường đi đến thất vọng chán nản, buồn bã và bi quan, từ đó có cái nhìn sai lạc về ý nghĩa của thử thách.  Nhưng nếu sống "niềm hy vọng sống động" mà Thần Khí ban cho chúng ta, chúng ta sẽ không còn thấy thử thách là "hình phạt" nữa, mà là để "tinh luyện đức tin" của chúng ta.  Niềm hy vọng sống động và đức tin được tinh luyện ấy sẽ giúp chúng ta tuy không thấy Ðức Ki-tô nhưng vẫn yêu mến Người, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin (c. 8).

            Tiếp đến, ngài mong chúng ta sống trong niềm chờ mong Chúa Ki-tô quang lâm.  Ðang khi chờ đợi Chúa lại đến, như chúng ta tuyên xưng sau lúc Truyền Phép trong Thánh lễ, chúng ta hãy luôn một lòng yêu mến và kính tin.  Chúng ta phát triển lòng yêu mến Chúa qua đời sống cầu nguyện, suy niệm Tin Mừng và gắn bó với lối sống của Ðức Ki-tô.  Chúng ta giữ vững lòng kính tin Chúa qua việc chấp nhận lời rao giảng của các Tông đồ và Giáo Hội.  Chính lòng yêu mến và kính tin ấy sẽ mang lại cho chúng ta một đời sống lạc quan, "chan chứa niềm vui khôn tả" là ơn cứu độ chúng ta đã bắt đầu cảm nghiệm ngay những ngày còn sống tại trần gian này.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

            Cách trình bày đơn sơ của thánh Phê-rô về vai trò của sự Phục Sinh có giúp cho niềm tin của tôi vào Ðức Ki-tô mang sắc thái mới mẻ như thế nào không?

            Lượng hải hà của Thiên Chúa Cha được biểu lộ trọn vẹn trong cái chết và sự sống lại của Ðức Ki-tô.  Tôi suy chiêm điều này như thế nào và có thể chia sẻ gì với anh chị em trong nhóm?

            Trước đây tôi đã có cái nhìn thế nào về những gian nan thử thách trong cuộc đời tôi?  Cái nhìn mới sẽ giúp tôi đối phó với chúng như thế nào?

            Nếu tôi đã học được thái độ sống niềm hy vọng sống động và lạc quan, tôi sẽ làm gì để giúp những người chung quanh sống như vậy?

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh sau đây:

            Lạy Chúa Giê-su phục sinh, xin ban cho con sự sống của Chúa,

sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.

Xin ban cho con bình an của Chúa,

bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.

Xin ban cho con niềm vui của Chúa,

niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.

Xin ban cho con hy vọng của Chúa,

hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.

Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,

Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.

                                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 85)


Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà