CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN - 2002
Anh chị em rất thân mến,
Tiên tri Malakia trong bài đọc
hôm nay có một nhận định đòi hỏi chúng ta cần phải suy nghĩ nhiều hơn : "
anh em đã hủy bỏ giao ước của các tổ phụ, vì anh em ruồng bỏ anh em mình".
Chúng ta vẫn luôn nói tới giao ước, chúng ta cũng từng thâm tín rằng giao ước
là cốt lõi của Ðức Tin, của đời sống đạo. Chúng ta cũng xác định việc đón nhận
và yêu thương anh chị em mình là giới luật trọng nhất, nhưng liên kết 2 điều ấy
thì có lẽ chúng ta thường ít nghĩ đến. Trong quan niệm sống đạo, và thậm chí cả
việc rao giảng, chúng ta vẫn thường thấy có sự tách biệt Giao Ước và Yêu
Thương.
Không riêng gì Malakia đã cho
chúng ta cái nhìn liên kết, mà chính Ðức Giêsu cũng đã nhiều lần bằng lời nói
và việc làm cho thấy Giao Ước chính là Yêu Thương cho đến cùng. Chúng ta cũng
gặp được quan điểm này trong cuộc đời và lời dạy của Thánh Phaolô. Bài trích
thư gửi tín hữu Thessalonica hôm nay là một ví dụ. Thánh Phaolô muốn trong khi
Ngài phục vụ rao giảng Tin Mừng, Giao Ước Mới, thì các tín hữu không những
không bị phiền hà mà còn thấy rõ sự cống hiến chính sự sống của Ngài cho họ.
Cách nào đó, lối sống và lời rao
giảng như thế thật khác biệt với lối sống và sự rao giảng của các biệt phái
luật sỹ. Theo cách nhìn của Ðức Giêsu : người biệt phái thực tế đã tách biệt
Lời, Lề Luật, Tiên Tri với cuộc sống của họ. Lời thì được bảo chứng bởi Tòa
Môsê, có nghĩa là bởi chính Thiên Chúa, nhưng lối sống và cách hành xử thì lại
phát xuất từ những tham vọng ích kỷ trần tục. Và điều tệ hại hơn cả đó là lợi
dụng Tòa Môsê để thỏa mãn những tìm kiếm lợi lộc và hư danh : "nới rộng
thẻ kinh, may dài tua áo, chọn chỗ nhất trong đám tiệc, ghế nhất trong hội
đường.".
Nếu nhìn theo cái nhìn lịch sử
nhân văn xã hội, thì có sự tương tự giữa cách sống biệt phái với hệ phong kiến
: những người đứng đầu trong nhà nước phong kiến đã tập trung mọi tài nguyên xã
hội cho bản thân và cho gia tộc. Họ ban hành mọi định chế hầu đảm bảo quyền lợi
của chính họ trước tiên. Họ cũng đã từng khẳng định "thế thiên hành đạo",
thay trời trị an trăm họ. Nhưng thực ra ông trời chỉ là cái bóng ma của con
người họ mà thôi. Thậm chí họ có thể nói thẳng thừng "Luật chính là
ta" như một vị Hoàng Ðế Pháp từng nói. và thực tế vụ án của Ðức Giêsu cũng
nói lên cái hệ qủa thảm khốc khi những kẻ ngồi trên tòa Môsê đã lên án và giết
chết Ðấng họ đã ký kết Giao Ước, chỉ vì Ðấng ấy động chạm tới cái địa vị và
quyền lợi của họ khi muốn cúi xuống thương và giải thoát đoàn lũ dân chúng khỏi
lối rao giảng Lời Chúa và Lề Luật vì quyền lợi của giai cấp đặc quyền đặc lợi
của họ.
Lẽ ra, họ phải chân nhận ngay
trong cuộc sống và lời rao giảng của mình quyền lợi tối thượng của Thiên Chúa,
Người Cha giàu lòng thương xót, người Thầy và Người Chỉ Ðạo cho muôn người đến
với điều lành, điều tốt và hạnh phúc.
Những điều trên đây, trớ trêu
thay vẫn như một cơn bệnh mãn tính đục khoét sự sống nhân loại và Giáo Hội.
Lịch sử vẫn còn đó để cảnh báo sự lạm dụng tòa Môsê cho quyền lợi vị kỷ mãi mãi
là tai họa và vẫn còn là tai họa căn bản nhất cho Giáo Hội.
Là những người kế thừa việc loan
báo Tin Mừng, chúng ta cần lặp lại quyết tâm và cuộc sống của Phaolô, của Ðức
Giêsu "Người bị phó nộp vì anh em". Sự "Phó nộp" là chính
Tin Mừng, là sự sống của Tin Mừng. Hầu đúng theo chỉ thị của Ðức Giêsu
"Trong các ngươi, ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi."
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên