Chúa Nhật thứ 31
Thường Niên
(3-11-2002)
ÐỌC LỜI CHÚA
· Ml 1,14b-2,2b.8-10: (8) Các ngươi đã đi trệch đường và
làm cho nhiều người lảo đảo trên đường Luật dạy. (9) Ta sẽ làm
cho các ngươi đáng khinh và ra hèn mạt trước mặt toàn dân.
· 1Tx 2,7b-9.13: (7b+8) Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã
quý mến anh em, đến nỗi sẵn sàng hiến cho anh em, không những Tin
Mừng của Thiên Chúa, mà cả mạng sống của chúng tôi nữa, vì anh em
đã trở nên những người thân yêu của chúng tôi.
· TIN MỪNG: Mt 23,1-12
Các
kinh sư và người Pha-ri-siêu giả hình
(// Mc 12,38-40; Lc 11,43-46; 20,45-47)
(1) Bấy giờ, Ðức Giê-su nói với
dân chúng và các môn đệ Người rằng: (2) «Các kinh sư và các người Pha-ri-siêu ngồi trên toà
ông Mô-sê mà giảng dạy. (3) Vậy, tất cả những gì họ
nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có
làm theo, vì họ nói mà không làm. (4) Họ bó những gánh nặng mà
chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay
vào. (5) Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả
vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. (6) Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám
tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, (7) ưa được người ta chào hỏi ở
những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là «ráp-bi».
(8) «Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là «ráp-bi», vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. (9) Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. (10) Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Ki-tô. (11) Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. (12) Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Ðộng lực căn bản nào khiến những người
Pha-ri-siêu hành động như vậy? Ta có bị thúc đẩy bởi động lực đó
không?
2. Nếu mọi việc tốt đẹp ta làm đều làm
nhằm để được tiếng khen, để được ca tụng, thì người khác có nghĩ
rằng ta tốt, ta đạo đức không? Thiên Chúa sẽ đánh giá ta thế nào?
Trước mặt Ngài, đạo đức của ta là đạo đức gì?
3. Muốn thánh thiện đích thực, ta phải
xây dựng sự thánh thiện đó trên nền tảng nào?
Suy tư gợi ý:
1. Tật xấu chung của con người: muốn được mọi người nể phục tôn trọng, muốn được hơn người khác
Ðọc
bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy ngay hai phần rõ rệt diễn tả hai tinh
thần đối chọi nhau. Phần đầu nói lên tinh thần «phình to bản ngã» của
người Pha-ri-siêu, thích đặt nặng «cái tôi», đưa «cái tôi» của mình lên
trên «cái
tôi» của người khác. Còn phần sau là tinh thần «tự hủy»
của Ðức Giê-su, là tinh thần từ bỏ mình, quên mình, xả kỷ, đặt «cái tôi»
của mình dưới «cái tôi» của kẻ khác.
Tinh thần «phình to bản ngã» không chỉ là tâm lý của những người Pha-ri-siêu, mà còn là tâm lý của đại đa số nhân loại chúng ta. Chúng ta thích được mọi người nể phục, ca tụng, đề cao; thích khoe những ưu điểm, thành tích của mình; thích có địa vị hay quyền lực trong xã hội hay Giáo Hội; thích được người khác phục vụ, qụy lụy; ai nói đụng chạm đến mình thì tỏ ra bực bội; thấy những người chung quanh hơn mình thì đâm ra buồn nản, ganh tức, v. v. Tâm lý như thế là tâm lý rất bình thường, không mang tính bệnh hoạn. Nó chỉ trở thành bệnh hoạn khi trở nên quá đáng, nghĩa là ước muốn được hơn người trở thành một nỗi ám ảnh, hay biến ta thành một người đầy tham vọng, và muốn thỏa mãn những mong ước ấy với bất cứ giá nào, bất chấp phải làm những điều trái lương tâm. Tình trạng bệnh hoạn ấy sẽ khiến tâm hồn ta thường xuyên mất bình an và làm người khác khó chịu.
Muốn nên thánh, ta phải vượt lên trên tâm lý bình thường ấy. Nếu ta thắng vượt được tâm lý đó, thì ta đã trở nên hơn người bình thường một bậc. Và lên được bậc này là lên được bậc căn bản nhất để nên thánh rồi. Thật vậy, không ai có thể nên thánh nếu vẫn còn trong tình trạng tâm lý coi «cái tôi» của mình là «cái rốn của vũ trụ», là hơn hết mọi người, và coi ý riêng, ý kiến, quyền lợi mình cao hơn ý riêng, ý kiến, quyền lợi người khác.
2. Coi chừng kẻo thứ đạo đức của ta đang được xây dựng trên tâm lý muốn «phình to bản ngã»
Khi ta tự đặt ta cao hơn người khác hoặc những gì của ta cao hơn của người khác thì ta cũng mong muốn, thậm chí đòi hỏi người khác phải coi ta hơn bản thân họ, hoặc những gì của ta hơn của họ. Một người luôn đặt nặng «cái tôi» của mình như thế vẫn có thể được mọi người coi là đạo đức, thậm chí là «đạo cao đức cả», nhờ tuân giữ chi tiết và hoàn hảo các luật lệ tôn giáo, hoặc làm được những việc phúc đức lớn lao như những người Pha-ri-siêu thời Ðức Giê-su. Họ sẵn sàng tuân giữ mọi quy luật tôn giáo, làm những hành động tốt, không phải vì mến Chúa yêu người, mà vì muốn được mọi người chung quanh nể phục, ca tụng, coi mình là người đạo đức, và nhờ đó, tín nhiệm mình, tôn mình lên những địa vị cao trong xã hội hay Giáo Hội.
`Nhưng trước con mắt Thiên Chúa, tinh thần «phình to bản ngã» ấy làm hỏng tất cả những gì có vẻ tốt đẹp của họ. Tinh thần ấy đã biến những hành vi đạo đức như đọc kinh cầu nguyện, làm phúc bố thí, có vẻ yêu thương. thành những hành vi vị kỷ. Vì những hành vi ấy không xuất phát từ động lực yêu thương. Trước mặt Thiên Chúa, giá trị đạo đức của một hành động phần rất lớn hệ tại động lực thúc đẩy: càng vị tha, càng vì yêu thương thì càng có giá trị, còn càng vị kỷ thì càng giảm giá trị. Ðiều này thánh Phao-lô nói rất rõ: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Những hành vi ấy, cho dù vĩ đại, có vẻ đầy tình thương, hay đem lại lợi ích cho rất nhiều người khác, nhưng vì không được thúc đẩy bởi động lực yêu thương, nên chẳng có giá trị trước Thiên Chúa, và chẳng đem lại lợi ích tâm linh cho ta. Khi làm vì ta, thì ta đã đạt được những lợi ích trần thế, nghĩa là «đã được phần thưởng rồi» (Mt 6,5b).
Chính
trong viễn ảnh này mà câu Kinh Thánh sau đây trở nên dễ hiểu: «Trong ngày
ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: "Lạy Chúa, lạy Chúa,
nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân
danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?"
Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi;
xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt
7,22-23). Việc nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, tự bản chất đều
là những việc đạo đức, nhưng nếu làm với động lực vị kỷ chứ không
phải vì yêu thương, thì chẳng có giá trị gì về tâm linh. Nếu dựa vào
những việc đạo đức kém giá trị ấy để lên mặt tự hào và khinh khi
người khác, thì những việc ấy lại trở thành tội ác! Vì thế, muốn
nên thánh, ta cần phải thường xuyên thanh luyện động lực khi làm
những điều thiện, những việc đạo đức.
3. Sự thánh thiện đích thực được xây dựng trên nền tảng tự hủy, quên mình, xả kỷ, yêu thương
Thứ
đạo đức của người Pha-ri-siêu được xây dựng trên nền tảng «phình to
bản ngã», nên đó là thứ đạo đức giả, có thể được người
đời lầm tưởng mà đánh giá cao, nhưng trước mặt Thiên Chúa chẳng có
giá trị gì. Ðức Giê-su muốn chúng ta, những kẻ theo Ngài, là những
người đạo đức thật sự. Nghĩa là đạo đức của ta phải được xây dựng
trên nền tảng tự hủy và yêu thương. Ngài khuyên chúng ta đừng ham
được mọi người gọi mình là «ráp-bi»,
là «cha», là «thầy», là «người lãnh đạo». nghĩa
là đừng ham được mọi người nể phục, kính trọng, đề cao, đừng khao
khát quyền lực, địa vị. Hãy tự coi mình là một số không, chẳng có gì
đáng tự hào, đáng cậy công. Vì xét cho cùng, ta chẳng có một điều
gì có giá trị do tự ta làm ra cả. Tất cả những gì có giá trị nơi ta
đều đến từ Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: «Bạn có gì mà bạn đã không nhận
lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận
lãnh?» (1Cr 4,7).
Khi ta tự hào với người khác về đạo đức, tài năng, lòng can đảm. thì điều ấy giả thiết rằng ta đã tự coi những thứ tốt đẹp ấy là do ta chứ không phải do ai khác. Thế là ta đã trở thành kẻ vô ơn đối với Thiên Chúa, vì không gì ta có mà không phải do Ngài ban. Gio-an Tẩy giả nói với những người Pha-ri-siêu: «Ðừng tự hào rằng : "Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham." Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham» (Mt 3,9). Cũng vậy, Thiên Chúa có thể biến những kẻ vô dụng, hèn kém nhất trong thế gian này, những kẻ mà ta đang khi rẻ thành những kẻ đạo đức và tài năng hơn ta. Và Ngài cũng có thể giảm các ân huệ Ngài vẫn ban cho ta, lập tức lúc đó ta trở thành kẻ không ra gì. Biết bao người đang được mọi người coi là cao cả mà chỉ vì bị mất ơn Chúa đã trở thành kẻ tầm thường! Như vậy, người hiểu biết và khôn ngoan đích thực sẽ không bao giờ dám tự hào về mình điều gì. Thánh Phao-lô khuyên: «Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa» (1Cr 1,31; x. 2Cr 10,17).
Một
người đạo đức thật sự sẽ không «làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy»
(Mt 23,5), «cốt
để người ta khen» (Mt 6,2) như những người Pha-ri-siêu, mà trái
lại sẽ làm theo lời khuyên của Ðức Giê-su: «Khi bố thí, đừng cho tay trái biết
việc tay phải làm» (Mt 6,3); «khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại,
và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo»
(6,6). Những việc tốt đẹp ấy nếu ta không làm vì ta, để vinh danh ta,
mà làm vì yêu thương, vì ích lợi của tha nhân, thì dù nhỏ mọn, chúng
vẫn có giá trị lớn lao trước mặt Thiên Chúa. Còn nếu làm vì ta, để
được khen, được nể phục, thì việc ấy dù có lớn lao đến đâu, cũng
trở nên vô giá trị trước Thiên Chúa, bất chấp chúng được người đời
ca tụng thế nào. Vậy chính tinh thần tự hủy, quên mình, xả kỷ, vị tha
khi hành động mới làm cho hành động của ta có giá trị, và giúp ta
nên thánh thật sự.
Cầu nguyện
Tôi
nghe Thiên Chúa nói với tôi: «Cha dựng nên con từ hư vô, và dựng nên người
khác cũng từ hư vô. Tự bản chất và tự bản thân con, con chẳng hơn
người khác một chút nào. Ngược lại người khác cũng chẳng hơn con
chút nào. Con có hơn người khác được điều gì, thì do chính Cha đã ban
đủ ơn để con hơn được như vậy. Thế thì con có lý do gì để lên mặt
với những kẻ thua kém con? Rất có thể một lúc nào đó, Cha sẽ lại
cho những kẻ kém con, những kẻ con khinh thường ấy hơn con. Tốt hơn là
con hãy quên con đi, đừng tự coi mình là gì cả. Chính thái độ ấy làm
cho con trở nên cao cả trước mặt Cha, làm đời sống con hạnh phúc và
tốt đẹp biết bao! Cha mong con có thái độ ấy».
Joan
Nguyễn Chính Kết