CHÚA NHẬT 31 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:1 Thê-xa-lô-ni-ka 2: 7b-9,13

          Trong đoạn trích dẫn hôm nay, chủ đề bắt chước và làm gương được tiếp tục và trình bày chính thánh Phao-lô như một gương mẫu để anh chị em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca noi theo. Ðể hiểu rõ hơn, có lẽ chúng ta nên đọc hết cả đoạn 2:1-12. Trong đoạn này, thánh Phao-lô nói với cộng đoàn về cách cư xử của ngài. Mặc dù bị đối xử bạc bẽo tại Phi-líp-phê, ngài vẫn can đảm rao giảng Tin Mừng. Ngài không muốn lừa dối ai, nhưng rao giảng cốt để làm đẹp lòng Chúa. Ngài không xu nịnh, cũng không tham lam. Trái lại, ngài vẫn dịu dàng như một bà mẹ nuôi con và tự mưu sinh bằng cách làm việc đêm ngày. Ngài đối xử với họ như một người cha dạy dỗ con cái, khuyến khích chúng sống xứng đáng làm con cái Chúa. Tóm lại, cuộc đời thánh Phao-lô trở nên gương mẫu cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca. Vậy gương mẫu ở đây nói lên điều gì?

 

a) Không cư xử theo quyền lợi của mình, nhưng theo tình nghĩa

          Trong bản văn phụng vụ, chúng ta đọc: "Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã cư xử thật dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp ủ con thơ." Nhưng nếu đọc cả phần thứ nhất của câu này (bản văn phụng vụ không trích dẫn), chúng ta sẽ hiểu việc cư xử dịu dàng này là do ngài tự nguyện, bởi vì thánh Phao-lô có quyền đòi anh em tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phải trọng đãi ngài trong tư cách là tông đồ Ðức Ki-tô, nhưng ngài không sử dụng quyền lợi ấy.

          Ở đây rõ ràng thánh Phao-lô đã noi gương Thầy mình là Chúa Giê-su. "Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ" (Mc 10:45). Dĩ nhiên Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền bính để chúng ta thi hành chức năng của mình cho có hiệu quả tốt. Nhưng sử dụng quyền bính là một vấn đề tế nhị. Một người cha có quyền của người cha, một cha xứ có quyền do thiên chức linh mục của mình. Nhưng nếu người cha dùng quyền của mình mà "làm cho con cái bực tức, ngã lòng" (Cl 3:21), nếu cha xứ lại dùng quyền giống như "những người được coi là thủ lãnh các dân. hoặc những người làm lớn áp đặt quyền hành bá chủ" (Mc 10:42) trên giáo dân, thì đúng là hết tình hết nghĩa. Hình ảnh bà mẹ cần mẫn, dịu dàng và hy sinh mọi sự cho con cái chính là hình ảnh của Phao-lô đối với tín hữu của ngài. Chẳng những không đòi hỏi nơi giáo dân của mình, thánh Phao-lô còn đi xa hơn, không muốn mình trở thành gánh nặng lo âu cho cộng đoàn, cho nên ngài đã lam lũ làm việc đêm ngày, "làm ngày không đủ tranh thủ làm đêm." Tất cả lối sống của Phao-lô đều biểu lộ tình nghĩa chan chứa của ngài dành cho giáo dân.

 

b) Không đòi người ta phải cám ơn mình, nhưng chính mình phải tạ ơn Chúa

          Ðem Tin Mừng đến cho anh chị em Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phao-lô đã trở thành một vị đại ân nhân cho họ. Như thế, theo như người đời, ngài cũng có quyền được tôn vinh, được tri ân. Nhưng trái lại, ngài đã hướng về Ðấng là nguồn gốc quyền bính, "không ngừng tạ ơn Thiên Chúa" vì lời Thiên Chúa đã được đón nhận và đã "tác động" nơi các tín hữu của ngài.

          Quả thực đây là một bài học hết sức thực tế. Chúng ta có thể nhận ra bài học này qua mọi trường hợp. Một linh mục có thể bị cám dỗ cảm thấy phũ phàng khi rời giáo xứ mình đã phục vụ nhiều năm mà có ít người tiễn đưa. Cha mẹ sau bao năm nuôi nấng dạy dỗ con cái nên người, nhưng giờ đây đang phải sống lủi thủi trong nhà già hoặc nursing homes, họa hoằn mới thấy con cái đến thăm nom.

          Tại sao thánh Phao-lô không để cho những đối xử bạc bẽo tại Ê-phê-xô đánh gục mình, hoặc vẫn có thể tạ ơn Thiên Chúa? Lý do là vì ngài đã thấy rõ mục đích của những gì mình làm: không phải cho lợi ích cá nhân mình, nhưng là "để làm đẹp lòng Thiên Chúa" (2:4). Vậy khi thấy anh chị em Thê-xa-lô-ni-ca đã đón nhận Tin Mừng và để cho lời Chúa tác động nơi họ, thì rõ ràng là mục đích "làm đẹp lòng Thiên Chúa" đã đạt được rồi. Cho nên ngài chỉ còn biết "không ngừng tạ ơn Thiên Chúa" mà thôi.

 

c) Áp dụng bài học Phao-lô vào cuộc sống chúng ta

          Cuộc sống của thánh Phao-lô thực là một gương mẫu sống động. Nó chỉ vẽ chúng ta phải sử dụng quyền bính như thế nào, nhất là khi chúng ta ở cương vị một người có quyền hành. Xã hội hôm nay cổ võ quyền lợi. Có những tổ chức lớn khắp nơi để bênh vực quyền lợi. Người ta có khuynh hướng lạm dụng việc bênh vực ấy. Quá đề cao "quyền" của con nít đến độ vô hiệu hóa quyền dạy dỗ của cha mẹ là một lạm dụng nguy hiểm tại Hoa-kỳ này! Thái quá hay bất cập đều không tốt. Nhưng biết dung hòa giữa quyền bính và tình nghĩa mới là lý tưởng.

          Một bài học khác đó là mục đích tối hậu của tất cả những gì chúng ta làm. Thánh Phao-lô gọi mục đích ấy là "để làm đẹp lòng Thiên Chúa." Thánh I-Nhã thì nhận định mục đích ấy là "để vinh danh Chúa được cả sáng hơn." Còn chúng ta làm những gì thường là để cho mình được thỏa mãn, được vui, được người ta biết mình có khả năng, có chất lượng cao, được tôn vinh, được tri ân.

          Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã cẩn thận gọt tỉa trích dẫn những câu nào nói lên được chủ đề thi hành chức năng của chúng ta và nhắm mục đích làm đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy ngắn gọn, nhưng là một bài học vô cùng thực tế và sống động cho chúng ta, những Ki-tô hữu hôm nay.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Chia sẻ một nỗi khổ tâm khi bị bạc đãi. Ðộng lực nào đã giúp tôi vượt thắng?

          Tôi đang có quyền bính nào? Tôi đã sử dụng quyền bính ấy thế nào?

          Nếu tôi đang là bậc cha mẹ, tôi đã thi hành chức năng làm cha làm mẹ như thế nào? Tôi có thi hành với tình yêu và nhắm mục đích làm đẹp lòng Thiên Chúa? Hay tôi để cho tự ái giết chết đi tình nghĩa và chỉ nhắm mục đích để cảm thấy mình được kính trọng đối với người khác?

          Tôi có là một người cha khó tính, nóng giận, độc đoán? Một người mẹ ích kỷ, tham lam?

          Tôi đang là một người phục vụ trong cộng đoàn. Tôi nhắm mục đích nào khi làm việc chung?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh "Xin ơn quảng đại."

          Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến,

          Xin dạy con biết sống quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

          biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không ngại thương tích,

          biết làm việc không tìm an nghỉ, biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào, ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. A-men.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi         


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà