CHÚA NHẬT IV-PHỤC SINH

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

 

          Cuộc khủng hoảng ơn gọi làm linh mục là một vấn đề lớn cho Giáo Hội khắp nơi, cách riêng tại những vùng đô thị hóa, công nghiệp hóa tiên tiến. Với những tai tiếng do các vụ xì-căng-đan những thập niên gần đây trong giới linh mục, càng làm cho vấn đề trở nên trầm trọng hơn. Hình ảnh linh mục trở nên tồi tệ giữa một thế giới tràn ngập những hình ảnh sống động và hấp dẫn. Ðó là một thực tế phải đối diện. Ngay trong lòng của một kitô hữu bình thường nhất, linh mục không còn là một địa chỉ trong cuộc sống thường ngày mà họ cần ghé qua.

          Chúng ta không thể cứ ngồi đó để nguyền rủa bóng tối, bởi vì chẳng giải quyết được vấn đề. Hãy thắp lên dù chỉ một ngọn nến, và bóng tối bị đẩy lùi. Tôi nhớ một văn sỹ đã có ý tưỡng tuyệt vời ấy. Hình ảnh rước nến Phục Sinh đêm thứ bảy Tuần Thánh phải là câu trả lời thiết yếu cho mỗi thời đại. Trong đêm Vọng ấy, Linh Mục đã lấy lửa mới thắp sáng Nến Phục Sinh là hình ảnh Ðức Kitô Phục Sinh, và mọi người đã châm lửa từ nến Phục Sinh làm rực sáng đêm tối. Ðúng như Ðức Thánh Cha trong tông thư "Khởi Ðầu Ngàn Năm Thứ Ba" đã viết "Hãy bắt đầu lại từ Ðức Kitô."

          Thực ra cho dù giữa một "thế hệ tà vạy" như thế hệ các Tông Ðồ mà Thánh Phêrô đã phải lên tiếng trong bài giảng đạo tiên khởi của Ngài, thế hệ đã trực tiếp đóng đanh Ðức Giêsu, thì vẫn còn đấy một số tuy thật ít người, đã đem lửa Thánh Thần của Ðức Kitô Phục Sinh ra đi, và cuối cùng họ đã làm rực sáng cả thế giới Ðế Quốc Roma trong ánh sáng yêu thương và giải thoát.

          Họ đã làm gì ?

          Không phải là lời lẽ khôn ngoan của khoa hùng biện, không phải là những thành quả kinh bang tế thế : nhưng thật đơn giản : họ chỉ cùng nhau làm nên chung quanh họ một cộng đoàn có một sự gắn bó hiệp thông từ sự cầu nguyện, đến học hỏi giáo lý, đến lễ nghi bẻ bánh và sự chia sẻ trong đời thường. Sự hiệp thông xuất phát từ đáy thẳm tâm hồn mỗi con người mà có thể mượn hình ảnh sự gắn bó giữa vị Mục Tử Nhân Lành trong Tin Mừng với từng con chiên của Ngài để diễn tả. Sự hiệp thông đặt nền tảng duy nơi Tình Yêu của Ðức Giêsu. Ngay cả trong gian nan thử thách, kể cả trong những kinh nghiệm đớn đau về tội lỗi, mỗi cộng đoàn đều đã khẳng định được như thánh Phêrô trong đoạn thư hôm nay "Ðức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em", "Tội lỗi chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá", họ nhận ra Người vẫn là Vị Mục Tử đi trước họ, đang nói với họ, đang dẫn họ đến đồng cỏ màu mỡ : Vì Người "đến để cho chiên được sống và sống dồi dào".

          Có thể phải suy nghĩ nhiều hơn về từng cộng đoàn tiên khởi ấy.

          Nhưng ít ra chúng ta phải thấy được sự thật này là : đã có một cám dỗ mãnh liệt vào thời điểm ấy muốn gán ghép công trạng cho những Tông Ðồ như Phaolô đã nói tới trong thư 1 Corintô : "Thật vậy, thưa anh em, người nhà của bà Khơ-lô-e cho tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: "Tôi thuộc về ông Phao-lô, tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha, tôi thuộc về Ðức Ki-tô. Thế ra Ðức Ki-tô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư? Có phải Phao-lô đã chịu đóng đinh vào khổ giá vì anh em chăng? " Lời khẳng định này của Thánh Phaolô cũng làm vọng lại lời khẳng định của Phêrô : "Chính nhờ lòng tin vào danh Người, mà danh Người đã làm cho kẻ anh em nhìn và biết đây trở nên cứng cáp; chính lòng tin Người ban đã cho anh này được khỏi hẳn như thế, ngay trước mắt tất cả anh em." Nỗ lực của người tông đồ chân chính và trong sáng là ở điểm thiết yếu ấy. Họ phải xây dựng một cộng đoàn đích thực được sống bởi sự sống của Ðức Kitô, một cộng đoàn thánh thiện bởi sự thánh thiện của Ðức Kitô.

          Ðã không ít những mục tử trải qua các thời đại đã không trung tín với ơn gọi của mình. Từ thời Cựu Ước tiên tri Êzêkien đã tố giác họ, và Giáo Hội vẫn thường lặp lại lời cảnh báo ấy. Bất chấp những thủ đoạn và sự bất xứng ấy, Thiên Chúa vẫn kêu gọi, vẫn tuyển chọn, vẫn tấn phong các mục tử cho Dân Người, vì như thánh Phaolô nói không phải "bình sành" là quan trọng mà là "kho tàng" chứa trong đó : "Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi."

          Ngay từ thời các tông đồ đã xuất hiện "kitô giả" nói gì ở thời đại hôm nay. Vấn đề là một cộng đoàn gắn bó với "Sự sống thật" "Sự thánh thiện thật" "Vị Mục Tử Tối Cao" là Ðức Kitô, thì giữa cộng đoàn ấy các "kitô giả" không có thể thao túng, và giữa họ sẽ luôn có mục tử theo lòng Chúa mong muốn.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà