CHÚA NHẬT IV
PHỤC SINH
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 1 Phê-rô 2:
20-25
Ðiều
khiến chúng ta ngạc nhiên về cách Phụng vụ Lời Chúa trích dẫn thư 1 Phê-rô cho
bài đọc hôm nay là đoạn thư nằm trong mạch văn nói về bổn phận của người tôi tớ
đối với chủ mình. Ðặc điểm của việc trích dẫn hôm nay là Phụng vụ muốn dùng
hình ảnh người tôi tớ và bổn phận của họ đối với chủ mình để làm hình ảnh áp
dụng cho chính Ðức Giê-su và cho chúng ta, để từ đó rút ra bài học sống thân
phận làm con cái Thiên Chúa. Mở đầu nói về bổn phận của người tôi tớ đối với
chủ, thánh Phê-rô nhấn mạnh đến thái độ "hãy tuân phục chủ với tất cả lòng
kính sợ" và "chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì
lòng tôn kính Thiên Chúa." Tiếp theo, thánh Phê-rô mời gọi người nô lệ (và
cả chúng ta hôm nay) hãy nhìn lên Ðức Ki-tô, để nhận ra những thái độ ấy cũng
đã được thể hiện hoàn toàn khi Người sống thân phận làm Con Thiên Chúa và làm
Vị Mục Tử nhân lành của chúng ta. Vậy qua cách trích dẫn này, Phụng vụ muốn
dùng đoạn thư 1 Pr 2:2-25 để giúp chúng ta suy niệm về Chúa Giê-su là Vị Mục Tử
nhân lành, chủ đề phụng vụ của Chúa Nhật IV Phục Sinh. Chúng ta hãy bước theo
lối sống của Chúa Giê-su trong thân phận "nô lệ" của Người để học bài
học sống tinh thần Phục Sinh.
a)
Thân phận Ðức Ki-tô: "Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân
nô lệ" (Pl 2:7)
Ðức
Ki-tô đã trở nên nô lệ vì chúng ta để chúng ta có thể từ bỏ làm nô lệ cho tội
lỗi cũng như phục tùng những tham vọng thế trần. Trong thư thứ nhất này, thánh
Phê-rô thường nhắc nhở chúng ta về những đau khổ và sự chết Ðức Ki-tô phải chịu
như là Người Tôi Tớ Ðau khổ của Thiên Chúa. Tất cả những gì Người phải chịu đều
là "những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên
Chúa." Thánh Phê-rô đã trích dẫn ý chính của đoạn sách ngôn sứ I-sai-a
53:4-9.12 nói về Người Tôi Trung của Ðức Chúa để nói lên lòng tuân phục và kiên
tâm chịu đựng của Chúa Giê-su. Mặc dù Người ở "địa vị ngang hàng với Thiên
Chúa", nhưng Người đã tự ý nhận lấy thân phận tôi đòi và hoàn toàn tuân
phục thánh ý Chúa Cha. Mặc dù "Người không hề phạm tội và không nói một
lời gian dối", nhưng Người vẫn vui lòng chịu chết thay cho kẻ gian ác vì
Người muốn một lòng tôn kính và phó thác cho Chúa Cha.
Tất
cả những hình ảnh cảm động của một Người Tôi Trung, một Bạn Hữu sẵn sàng hy
sinh mạng sống vì những kẻ mình yêu, một Trưởng Tử của nhân loại mới, đều nhắm
diễn tả Chúa Giê-su là "Vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn." Ðộng lực
tình yêu đã giúp Chúa Giê-su sống tuân phục và kiên tâm chịu đựng. Vì yêu
thương chúng ta, Người đã đặt ích lợi của chúng ta lên trên quyền lợi của cá
nhân mình và chấp nhận mọi bất công. Vì chúng ta, Người đã từ chối sử dụng
những quyền lợi thế gian cho phép: quyền trả đũa khi bị nguyền rủa, quyền dọa
giẫm khi phải chịu đau khổ, quyền được sống khi mình vô tội. Vì chúng ta, những
con chiên lạc, Vị Mục Tử nhân lành đã vui lòng hy sinh mạng sống.
b)
Thân phận chúng ta: "Trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc,
nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Ðấng chăm sóc linh hồn anh em" (1 Pr
2:25)
Suy niệm về Vị Mục Tử nhân
lành, thánh Phê-rô muốn nêu lên những đức tính kiên nhẫn, hiền lành và khiêm
nhượng của Chúa Giê-su, để làm sức mạnh củng cố đức tin của Ki-tô hữu
đang phải "chịu khổ vì sự công chính" (3:14) và "bị sỉ nhục vì
danh Ðức Ki-tô" (4:14). Hình ảnh và thân phận của Chúa Giê-su giúp chúng
ta nhìn lại quá khứ và hiện tại của mình để vững lòng hy vọng vào tương lai.
Cái quá khứ của thân phận chiên lạc, ốm đói, bên vờ vực thẳm và đầy nguy hiểm (Ed
34:5-6) đã được biến đổi là nhờ Ðức Ki-tô chịu đau khổ vì chúng ta và mang vào
thân những tội lỗi chúng ta. Ðức Ki-tô đã đến để ban cho chúng ta tất cả những
gì chúng ta hiện có, đó là: "Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi
dào" (Ga 10:10). Sự thay đổi thân phận từ căn rễ ấy, tự sức riêng chúng ta
không bao giờ thực hiện nổi. Nhưng là vì "tình yêu của Thiên Chúa đối với
chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để
nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống" (1 Ga 4:9).
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Qua
gương kiên nhẫn chịu đựng của Chúa Giê-su, tôi sẽ nhìn như thế nào những đau
khổ và gian nan thử thách mình đang chịu?
Ðức
Ki-tô, Vị Mục Tử nhân lành, đã hoàn toàn sống chết cho đoàn chiên mà không một
lời than trách. Còn tôi, mới có một chút hy sinh cho gia đình, cho xứ sở mà đã
kể công, kêu trời như bọng. Tôi sẽ làm gì để thay đổi não trạng thiếu kiên tâm
ấy?
Thánh
Phê-rô gợi lại quá khứ và khẳng định hiện tại của chúng ta. Với quá khứ và hiện
tại ấy, tôi sẽ thưa gì với Chúa trong các giờ cầu nguyện của mình? Chúng giúp
tôi có thái độ nào để sống đời sống mới của Ki-tô hữu?
Lý
tưởng và mời gọi của Chúa Giê-su là "Tôi đến để cho chiên được sống và
sống dồi dào"đã gắn liền với thân phận quá khứ và hiện tại của chúng ta.
Vậy tôi sẽ đáp lại như thế nào để mỗi ngày được tràn đầy thêm sức sống của Chúa
Giê-su?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:
Lạy
Chúa, Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong
cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.
Chúa
đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi
đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con
phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên
giống Chúa hơn.
Xin
dạy chúng con biết rằng chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết
từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.
Ước
chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên
đi niềm vui ngày Chúa phục sinh. Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha,
là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui
của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. A-men. - Mẹ Têrêxa Calcutta
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 84)
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi