CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Phê-rô 3: 15-18

          Khích lệ tín hữu trong cơn bách hại là mục đích chính của thư 2 Phê-rô gửi cho các giáo hội tại Á-châu. Trong phần thứ ba của Thư, thánh Phê-rô nói thẳng đến vấn đề đau khổ do bách hại gây ra và mời gọi tín hữu nhìn lên Ðức Ki-tô, Ðấng đã chịu bách hại, chịu chết và đã sống lại.

          a) Mầu nhiệm sự chết và sống lại của Ðức Ki-tô trả lời cho vấn đề đau khổ.

          Câu trả lời của Ki-tô giáo về đau khổ được tìm gặp nơi con người Ðức Giê-su, vị Thiên Chúa đã "trút bỏ vinh quang" để trở nên người phàm như chúng ta, vâng phục cho đến chết vì chúng ta. Thánh Phê-rô lấy gương Chúa Ki-tô để giải thích đau khổ và khích lệ tín hữu hãy vững tin và sống tốt lành. Với bản chất tự nhiên loài người, khi phải bênh vực niềm tin, chúng ta thường có thái độ hung hăng. Nhưng Phê-rô lại biện chứng cho một phương thức hòa bình. Ngay từ lúc đầu, Ki-tô hữu đã bị những người chung quanh tấn công và bị tố cáo là thực hành những nghi lễ kỳ cục và che đậy. Trong một thế giới đầy pháp thuật và mê tín thời ấy, thật cũng dễ hiểu tại sao niềm tin mới của Ki-tô giáo bị người ta hiểu lầm. Ðể đối phó với những hiểu lầm tai hại này, Phê-rô khuyên tín hữu cứ "hiền hòa và với sự kính trọng, cùng lương tâm ngay thẳng" mà giải thích cho người ta. Những tố cáo có tính cách phỉ báng sẽ tự hóa giải khi những người bị tố cáo vẫn "ăn ở ngay thẳng." Do đó, nếu Chúa muốn tín hữu còn phải chịu đau khổ do bách hại, thì tốt nhất là họ cứ tiếp tục sống tốt lành, chứ đừng vì thế mà bỏ cuộc và sống buông thả. Chính điều này Ðức Ki-tô đã thực hiện trong cuộc sống của Người. Người đã thực hiện được vì Người đã được Thánh Thần ban sức mạnh. Cũng vậy, theo nội dung sách Công Vụ Tông Ðồ và Tin Mừng Gio-an, chúng ta cần được ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần và cần được tiếp tục củng cố do sức mạnh ấy để đối phó với đau khổ và bách hại. Không phải tự sức riêng mà chúng ta có thể sống Tin Mừng của Chúa Ki-tô. Nhưng chúng ta hiểu và sống niềm tin vào Chúa Ki-tô, đó là nhờ Thánh Thần đang sống động trong chúng ta.

          b) Tôn vinh Ðức Ki-tô làm Chúa ngự trị trong lòng anh em.

          Tuy nhiên, ý của thánh Phê-rô không phải chỉ là bàn đến những đau khổ tín hữu phải chịu vì bách hại. Nhưng qua việc kiên nhẫn chịu đựng gian truân, ngài muốn đưa chúng ta đi vào những chủ đề nền tảng của mùa Phục Sinh, đó là mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Ðức Ki-tô đối với cuộc sống chúng ta, và sự đối lập giữa những kẻ không tin mầu nhiệm Ki-tô với những người được thánh hiến do bửu huyết Chúa Ki-tô.

          Tâm hồn chúng ta phải được đầy tràn những gì của Ðức Ki-tô. Lòng chúng ta không phải là một nơi chốn thụ động, nhưng là một môi trường tiếp nhận những ảnh hưởng, giá trị và lối sống của chính Ðức Ki-tô. Nói theo từ ngữ của Phao-lô, là "chúng ta hãy mặc lấy Chúa Ki-tô."

          Phương thức lý tưởng nhất để tôn Ðức Ki-tô làm Chúa trong lòng chúng ta, đó là theo gương Người mà sống nhờ Thần Khí. Thánh Thần đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời Ðức Ki-tô như thế nào? Từ đầu tới cuối, Ðức Ki-tô đã để cho Thần Khí Thiên Chúa thúc đẩy, dẫn dắt. Người đã được thụ thai trong lòng Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a là do: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, người con sinh ra sẽ là thánh" (Lc 2:35; xem 1 Pr 3:15). Trong suốt cuộc đời rao giảng Tin Mừng, Người đã hành động mọi sự dưới sức mạnh và hướng dẫn của Thánh Thần. Cuối cùng, trong giây phút lìa đời, "Người gục đầu xuống và trao Thần Khí" (Ga 19:30), thở vào nhân loại một sinh khí mới để khởi đầu cho một công cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ðối với những người phê bình chỉ trích tôi vì tôi thực sự sống niềm tin vào Chúa Ki-tô, tôi đã phản ứng như thế nào?

          Tôi đã và đang làm gì để "tôn Ðức Ki-tô làm Chúa" trong lòng tôi?

          Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời sống của tôi thế nào? Tôi có luôn luôn nhận định thần khí nào của Thiên Chúa và thần khí nào của ma quỷ thúc giục tôi trong mọi công việc và trong mọi quyết định không? Tôi học nhận định thần khí thế nào?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc đọc kinh sau đây:

 

          Lạy Chúa Giê-su phục sinh

          Chúa đã sống đến cùng cuộc Vượt qua của Chúa,

xin cho con biết sống cuộc Vượt qua mỗi ngày của con,

Vượt qua sự nhỏ mọn và ích kỷ. Vượt qua những đam mê đang kéo ghì con xuống. Vượt qua nỗi sợ khổ đau và nhục nhã. Vượt qua đêm tăm tối cô đơn của Vườn Dầu. Vượt qua những khắc khoải của niềm tin. Vượt qua những thành kiến con có về người khác...

Chính vì Chúa đã phục sinh nên con vui sướng và can đảm vượt qua, dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con biết noi gương Chúa phục sinh gieo rắc khắp nơi bình an và hy vọng, tin tưởng và niềm vui.

Ước gì ai gặp con cũng gặp thấy sự sống mãnh liệt của Chúa.

                             (Kinh nguyện trích từ RABBOUNI, lời nguyện 83)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà