Lời Chúa
trong thánh lễ hôm nay tập trung soi sáng một vấn đề mà Giáo Hội không ngần
ngại trình bày như một Mầu Nhiệm : Mầu Nhiệm sự tội. Vấn đề rất thiết thực gắn
liền với cuộc sống con người ở mọi nơi, mọi thời, mọi lứa tuổi. Nó hàm chứa
trong những nhu cầu của cuộc sống mỗi ngày : ăn uống, hiểu biết, sự sống, quyền
năng, thế lực và sự chết.
Trong
câu chuyện của sách Sáng Thế, cũng như câu chuyện của Tin Mừng, chúng ta thấy
có hai cách nhìn về cái trật tự nội tại của mỗi sự vật, mỗi con người, mỗi biến
cố. Cái nhìn của Satan và cái nhìn của Thiên Chúa.
Satan
phủ nhận cách nhìn của Thiên Chúa: một tiếng KHÔNG biến Thiên Chúa trở
thành kẻ đối địch ghen tương và thâm độc, ích kỷ và khống trị con người
sợ họ "sẽ biết thiện ác như thần thánh". Theo đó quy
chuẩn của luân lý đạo đức không dựa trên ý muốn của Thiên Chúa, nhưng phát xuất
tự chính bản thân con người. Con người trở thành quy luật của chính mình.
Trái lại
Thiên Chúa đã đặt để trong mọi thụ tạo một quy luật khách quan, một trật tự quy
chiếu vạn sự vào Thánh Ý Người. Ðây là huyền nhiệm của vũ trụ, của nhân lọai,
huyền nhiệm của Ân Sủng để con người nhận biết, yêu mến và phụng sự Thiên Chúa.
Ở đây là một tiếng XIN VÂNG tin nhận Thiên Chúa là Cha Yêu Thương đã hiến tặng
sự sống cho họ : Một Thiên Chúa Giáu Lòng Thương Xót.
Tội
là chọn lựa cách nhìn của Satan, tội là tiếng KHÔNG với Mầu Nhiệm Thiên Chúa
Con
người trong thế giới hôm nay khi đọc bản văn Sáng Thế, và bản văn Tin Mừng
không khỏi có những phản biện : đó là những câu chuyện thần thọai nhằm hù dọa
con người thời thượng cổ. Ngày nay con người cảm nghiệm không còn một ranh giới
nào mà họ không thể dùng trí tuệ của mình để khám phá, để chinh phục. Và trong
cái vũ trụ vô biên của phát minh, của khám phá, của chinh phục đa số họ khẳng
định không thấy một dấu vết nào của Thiên Chúa. Thậm chí họ còn đấu tranh để
nhân bản chính con người trong các ống nghiệm. Việc biến đá thành cơm bánh,
việc gieo mình xuống từ tháp một đền thờ, việc chinh phục mọi nước thế gian đâu
còn là những chuyện lạ cần tới "Con Thiên Chúa". Không lạ gì, trên
nương rẫy, trong thương trường, nơi mọi công xưởng ở thời đại hôm nay người ta
chỉ còn nói tới "Chất Xám", kỹ thuật, cơ giới và tư bản. Thực sự
không có chỗ cho Thiên Chúa. Tội đã du nhập ngập tràn mọi cảnh vực nhân
linh.
Có
lẽ chỉ còn một sự thật về con người mà ngày nay họ thường lại gán ghép cho duy
Thiên Chúa: đó là sự chết. Cùng với sự chết, là những tai ương, những khốn khổ,
những bất công.tất cả những gì là bất hạnh, con người thường đổ tại Thiên Chúa.
Thánh
Phaolô khi đứng về phía Chúa thì bảo "Do tội lỗi mà có sự chết". Ðức Giêsu đề cập đến sự sống "bởi
mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra". Giữa một thế giới tôn sùng
quyền lực và giàu sang, Ðức Giêsu khẳng định sự lựa chọn của Người "chỉ
phụng sự một mình Thiên Chúa".
Sự lựa
chọn như vậy đã đưa Ðức Giêsu đến cái chết bi thảm, cũng chọn lựa ấy đã lôi
Phaolô ra pháp trường Roma. Sự lựa chọn XIN VÂNG Mầu Nhiệm Thiên Chúa trong
cuộc sống bản thân và nhân lọai tuy dẫn đến Núi Sọ và Pháp Trường, nhưng
qua đó Thiên Chúa đã khai mở giòng thác Ân Sủng Sự Sống cho mọi con người. Việc
chay tịnh giờ đây không chỉ là những hình thức tiêu cực nhằm sát phạt thân xác,
nhưng là tham dự vào mầu nhiệm khơi nguồn sự sống.
Phaolô
bảo là Ngài đã đóng đanh tội lỗi và xác thịt vào Thập Giá Ðức Kitô để "sự
sống tuôn trào nơi anh em" : đó là ý nghĩa chay tịnh đích thực mà Giáo
Hội được mời gọi bước vào.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên