CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê 1: 8-10

          Ti-mô-thê có cha là người ngoại và mẹ người Do-thái. Ông đã cùng với mẹ là bà Êu-ni-kê và bà ngoại là Lô-ít trở lại đạo. Thánh Phao-lô gặp ông lần đầu tiên ở Lýt-ra bên Tiểu Á. Khi Phao-lô trở lại Lýt-ra nhân chuyến truyền giáo lần thứ hai thì Ti-mô-thê theo ngài và trở thành cộng sự viên đắc lực của ngài. Suốt cuộc truyền giáo lần thứ hai và thứ ba, Ti-mô-thê luôn ở bên cạnh Phao-lô. Ðôi khi Phao-lô sai ông đi thi hành những công tác đặc biệt. Sau này thánh Phao-lô đặt ông đứng đầu giáo hội Ê-phê-xô (1 Tm 1:3).

          Ðể hiểu được tâm tình của Phao-lô khi ngài viết những dòng tâm huyết này cho người môn đệ yêu dấu, chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của ngài lúc ấy đang bị cầm tù tại Rô-ma và đang đếm từng ngày cuối cùng cuộc đời. Ðối với Phao-lô, nhìn lại "những ngày đã qua" là để nhận ra những ân sủng Chúa đã ban cho mình, từ ngày được diễm phúc gặp gỡ Ðức Ki-tô trên đường Ða-mát, được biến đổi dần dần thành người tông đồ Dân ngoại và nhất là hiện thời trở nên "người tù của Chúa". Nhận ra những ân sủng có mục đích đưa chúng ta trở về nguồn cội của ân sủng là Thiên Chúa, Ðấng "đã cứu độ và kêu gọi chúng ta". Ðồng thời, nhận ra ân sủng của Thiên Chúa cũng giúp chúng ta nhận ra phương thức tuyệt vời Thiên Chúa dùng để thông ban ân sủng cho chúng ta, đó là "Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Ðức Giê-su Ki-tô."

          Vậy trước khi nhắn nhủ Ti-mô-thê "đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta", Phao-lô muốn mời gọi người môn đệ hãy nhìn vào ngài như gương mẫu, nghĩa là trước hết cần phải xác tín lại một lần nữa rằng việc Thiên Chúa cứu độ và kêu gọi từng người trong những chức vụ riêng biệt là hoàn toàn do tôn ý của Người, chứ không phải do sự xứng đáng của chúng ta. Nếu ơn cứu độ và sứ vụ làm chứng cho Chúa đích thực là một ân sủng Chúa ban, thì làm sao chúng ta lại có thể hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa? Sợ rằng dù chúng ta có đem tất cả sức lực và đánh đổi mọi sự chúng ta có để dấn thân trọn vẹn cho việc rao giảng Tin Mừng cũng chưa đủ để đáp lại lòng thương Thiên Chúa dành cho chúng ta.

          Do đó, Phao-lô đi tới cốt tủy của lời nhắn nhủ dành cho Ti-mô-thê: "Dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng." Phao-lô không chỉ gửi tới Ti-mô-thê một lời nhắn nhủ suông. Nhưng ngài đã dựa vào kinh nghiệm thiêng liêng bản thân, vào những suy tư về sứ vụ tông đồ của ngài và của Ti-mô-thê để lời nhắn nhủ không phải là những lời mô phạm, dạy đời, mà là những lời tâm huyết của một người bạn. Thực vậy, khi mời gọi Ti-mô-thê "đồng lao cộng khổ" với mình, Phao-lô muốn coi ông như một người bạn, mặc dù xét theo tuổi tác và địa vị Ti-mô-thê chỉ là hàng môn đệ, được Phao-lô dạy dỗ và hướng dẫn. Sứ vụ và lòng nhiệt thành vì Tin Mừng đã xóa bỏ mọi ranh giới. Ở đây phản ảnh thái độ của Ðức Giê-su: "Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu" (Ga 15:15).

          Cuối cùng, để khích lệ và nhất là để nói lên quyết tâm chịu khổ vì làm chứng cho Chúa, thánh Phao-lô lại hướng về Chúa Ki-tô như cùng đích. Chính Ðức Ki-tô là Ðấng "đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử." Niềm tin và hy vọng của người tông đồ cần phải đặt trọn nơi Ðức Ki-tô. Chiến thắng của Ðức Ki-tô và phúc trường sinh Người đem lại cho nhân loại sẽ là bảo đảm phần thưởng dành cho những ai đã kiên trì làm chứng cho Chúa và rao giảng Tin Mừng.

          Lời nhắn nhủ của thánh Phao-lô được dùng làm sứ điệp Giáo Hội muốn gửi tới con cái mình trong thời điểm mùa Chay hẳn phải có một ý nghĩa đặc biệt. Sống tinh thần mùa Chay chính là can đảm làm chứng cho Chúa và tích cực rao giảng Tin Mừng. Có lẽ nhiều người quá thụ động hoặc không ý thức bổn phận làm chứng nhân cho Chúa và Tin Mừng, cho nên Giáo Hội mời gọi họ hãy thay đổi cái nhìn và ý thức về bổn phận ấy, đặc biệt trong "thời thuận lợi" của mùa Chay, để được sống lại trong con người mới cùng với Ðức Ki-tô, Chúa chúng ta.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Chia sẻ một số trường hợp "tôi đã hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa". Tôi học được bài học nào qua những trường hợp này?

          Tôi có nhìn ơn gọi của mình như một ân sủng trong "kế hoạch ân sủng" của Chúa không? Nếu không phải như vậy thì ơn gọi ấy đã là gì và đã khiến tôi có những phản ứng nào?

          Thánh Phao-lô coi ơn gọi tông đồ của ngài là ân sủng Thiên Chúa ban "từ muôn thuở trong Ðức Ki-tô Giê-su." Nói khác đi, ngài liên kết ơn gọi của mình với Ðức Ki-tô. Vậy tôi có liên kết sứ vụ làm chứng và rao giảng của mình với sứ vụ của Ðức Ki-tô không? Ðiều này giúp gì cho tôi?

          Phân tích cụ thể sứ vụ làm chứng cho Chúa và rao giảng Tin Mừng mà tôi có thể thi hành theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài có ý nghĩa được sai đi, hoặc làm chứng nhân cho Chúa.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà