CHÚA NHẬT II
MÙA CHAY
(24-02-2002)
·
Bài đọc 1: St 12,1-4a: Thiên Chúa gọi ông Áp-ram
(1) Ðức Chúa phán với ông Áp-ram: "Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới
đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. (2) Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn,
sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là
mối phúc lành.(3) Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi;
ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được
chúc phúc". (4) Ông Áp-ram ra đi như Ðức Chúa đã
phán với ông.
·
Bài đọc 2: 2Tm 1,8b-10:
(9) Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của
Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và
ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Ðức
Ki-tô Giê-su.
·
BÀI TIN MỪNG: Mt 17,1-9 Ðức Giê-su hiển dung (Mc 9,2-8; Lc
9,28-36)
(1) Sáu ngày sau, Ðức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và
Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ,
tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các
ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh
như ánh sáng. (3) Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện
ra đàm đạo với Người. (4) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Ðức Giê-su
rằng: "Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật
là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho
ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a". (5) Ông còn đang
nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán
rằng: "Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta
hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!" (6)
Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. (7) Bấy giờ
Ðức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: "Chỗi
dậy đi, đừng sợ!" (8) Các ông ngước mắt lên, không
thấy ai nữa, chỉ còn một mình Ðức Giê-su mà thôi. (9) Ðang khi Thầy
trò từ trên núi xuống, Ðức Giê-su truyền cho các ông rằng: "Ðừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi
Con Người từ cõi chết trỗi dậy".
v
Câu hỏi gợi ý:
1. Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài như thế nào?
2. Việc Chúa tỏ bày vinh quang mang lại lợi ích gì cho ta? Và
qua đó, Ngài muốn nhắc nhở chúng ta điều gì?
v
Suy tư gợi ý:
1. Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài
như thế nào ?
Thiên Chúa biểu lộ vinh quang
của Ngài bằng nhiều thể thức khác nhau :
§
Khi thì
uy hùng lẫm liệt: như trong trường hợp Thiên Chúa ban bố 10 điều răn tại núi
Si-nai trong tiếng sấm nổ rền vang, khói toả nghi ngút làm cho dân Do Thái phải
khiếp sợ (Xh 20, 16-31); hoặc bằng cánh tay mạnh, Ngài đưa dân Do Thái vượt qua
biển đỏ chân khô ráo trong khi binh hùng tướng mạnh của Ai Cập cùng với xa mã
đuổi theo bị vùi dập trong làn nước biển (Xh 14, 15-31); trên đường dẫn đến
Ða-mát, trong ánh sáng chói loà, Ngài đã làm cho Phao-lô ngã ngựa, mắt ông bị
quáng ba ngày sau mới thấy lại được (Cv 9, 1-19)
§
Khi thì
êm ái thân mật: trường hợp Áp-ram và Môi-sen đã gặp gỡ chuyện trò với Chúa mặt
giáp mặt, Sa-mu-en được Chúa gọi ban đêm (1Sm 3,1-14), hay thánh Giu-se (Mt 1,
20; 2, 20) và các đạo sĩ Phương Ðông đã được Chúa báo mộng (Mt 2,12).
§
Khi thì
huy hoàng rực rỡ như trường hợp Ðức Giê-su biến hình trên núi được diễn tả
trong bài Tin Mừng thánh Mát-thêu hôm nay.
2. Việc Chúa tỏ vinh quang mang lại lợi ích
gì cho ta ? Và qua đó,Ngài muốn nhắc nhở chúng ta điều gì ?
Khi
tỏ bày vinh quang bằng những dấu lạ điềm thiêng, Thiên Chúa luôn nhằm đáp lại
một nhu cầu nào đó của con cái Ngài:
§
Ðể dẫn
dắt: như cột mây dẫn đường cho dân Do Thái trong sa mạc (Xh 13,21-22;15,19-20).
§
Ðể cứu
giúp dân khi gặp khó khăn hay khi bị quân địch vây khốn.
§
Ðể chữa
lành các bệnh nhân, nâng đỡ, bồi bổ sinh lực cho những kẻ yếu đuối.
§
Và nhất
là để củng cố niềm tin cho các tông đồ và dân chúng.
Trong bài sách Sáng Thế
hôm nay, Áp-ram sở dĩ dám rời xứ sở, họ hàng và thân phụ để đi đến một vùng đất
mới mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho ông vì ông đã được tiếp cận với Thiên Chúa. Ngài
đã thiết lập giao ước với ông, và hứa sẽ làm cho ông thành một dân lớn (St
12,1-2). Nhờ lòng tin mạnh mẽ và nhờ ơn trợ giúp của Ngài, ông đã vượt qua mọi
thử thách và đi đến cùng đích, để trở thành cha của những kẻ tin vào Thiên
Chúa.
Trong thư thứ hai gửi
ông Ti-mô-thê, thánh Phao-lô nhờ vào sức mạnh của Thiên Chúa
đã sẵn sàng chịu mọi cực hình tù tội vì danh Ðức Ki-tô. Thánh nhân đã khuyên
ông Ti-mô-thê: "Thiên Chúa đã cứu độ và
kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người không phải vì công kia việc nọ chúng
ta đã làm nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó Người đã ban
cho chúng ta từ muôn thuở trong Ðức Ki-tô Giê-su, nhưng giờ đây mới được biểu
lộ, vì Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Ðức Giê-su Ki-tô đã xuất hiện"
(2 Tm 1, 9-10)
Trong cuộc đời công
khai của Ðức Giê-su, Ngài đã tỏ vinh quang bằng nhiều phép lạ: biến nước thành
rượu (Ga 2,1-12), hoá bánh ra nhiều (Mt 14, 13-21; 16, 32-39), chữa lành các
bệnh nhân: những người mù, què, câm, điếc (Mt 4, 23-24) phong hủi, cho người
chết sống lại (Ga 11,1-44). Trong bài Tin Mừng hôm nay, Ðức Giê-su đã biến hình
trước mặt ba tông đồ thân tín: "Dung
nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh
sáng và kìa các ông thấy Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra cùng đàm đạo với
Người". Nhìn thấy thế, các ông vô cùng sung sướng, nhưng khi
nghe tiếng phán từ đám mây sáng: "Ðây
là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng lời Người"
thì các ông đã kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất..
Mặc dầu được ở kề cận với Ðức
Giê-su, được Ngài trực tiếp huấn luyện, các tông đồ nhiều lần còn tỏ ra nghi
ngại khi dấn thân vào cuộc sống phiêu lưu
"rày đây mai đó", "Con
chồn có hang ,con chim có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu."
(Mt 8,20). Và thậm chí - vì sợ bị thiệt thòi khi theo Chúa - có vị đã mạnh dạn
đặt với Chúa một câu hỏi rất khó nghe: "Thầy
coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được
gì?" (Mt 19,27). Rồi khi Ðức Giê-su loan báo về bí tích Thánh
Thể: " . ăn thịt và uống máu Con Người
..." (Ga 6,53), nhiều môn đệ lấy làm chướng tai nên đã rút lui,
không còn đi với Ngài nữa. Dù đã quyết tâm theo Chúa, các tông đồ vẫn chưa dứt
bỏ được những cố tật: tham lam chức quyền, địa vị, quyền lợi (Mt 20,20-23),
thích dựa vào quyền lực, vũ khí (Mt 26,52).
Việc Chúa tỏ vinh quang
là nhằm củng cố niềm tin nơi các môn đệ. Việc Ðức Giê-su biến hình trở nên sáng
láng, hay những dấu lạ Ngài làm, như gián tiếp nói với các tông đồ cũng như cho
mọi người: "Có Thầy đây! Ðừng sợ!"
(Mt 10,26-31) Ngài luôn có mặt trong vũ trụ, làm chủ vũ trụ và sẵn
sàng giúp đỡ những ai kêu cầu Ngài: "Hỡi
những ai yếu nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ bổ sức cho".
Ngài muốn chỉ cho chúng ta thấy giá trị của đau khổ. Ðau khổ chính là cửa hẹp,
là đường dẫn đến vinh quang.
Lạy Chúa Giê-su, suốt 33 năm
sống ở trần gian, Ngài đã nêu gương cho chúng con trong sự vâng lời làm theo ý
Ðức Chúa Cha. Và khi về trời, Ngài đã sai Ðức Chúa Thánh Thần đến để giúp chúng
con hiểu biết và thực thi những điều Ngài đã dạy chúng con. Xin Chúa cho mỗi
người chúng con trong bất cứ tình huống nào của cuộc sống, luôn vững tin và cậy
dựa vào Chúa, Ðấng là chủ vũ trụ, Ngài luôn hoạt động để biến đổi thế giới.
P.Ðamiano
Ðinh Ngọc Thiệu