CHÚA NHẬT LỄ LÁ (A)

(24-03-2002)

 

NGHE

* Bài đọc 1: Is 50,4-7: Bài ca người tôi trung (bài thứ ba)

(4) Ðức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đáng thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. (5) Ðức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không còn cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. (6) Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. (7) Có Ðức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng.

* Bài đọc 2: Pl 2,6-11: Ðức Giê-su tự hạ và được Thiên Chúa siêu tôn

(6) Ðức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, (7) nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. (8) Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. (9) Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. (10) Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất, và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; (11) và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa"

* Bài Tin Mừng: Mt 26,14 - 27,66: Cuộc Thương Khó của Ðức Giê-su:

Bài tường thuật Cuộc Thương Khó của Ðức Giê-su theo Tin Mừng Mát thêu rất đầy đủ và xúc động theo tiến trình dưới đây:

Giu-đa nộp Ðức Giê-su (26,14-16) - Chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua (26,17-19) - Ðức Giê-su tiên báo Giu-đa sẽ nộp Thày (26, 20-25) - Ðức Giê-su lập bí tích Thánh Thể (26,26-29) - Ðức Giê-su tiên báo thánh Phê-rô sẽ chối Thày (26,30-35) - Ðức Giê-su cầu nguyện tại vườn Ghết-si-ma-ni (26,36-46)- Ðức Giê-su bị bắt (26,47-56) - Ðức Giê-su ra trước Thượng Hội đồng (26,57-67) - Thánh Phêrô chối Thày (26,69-75)- Ðức Giê-su bị giải đến tổng trấn Phi-la-tô (27,1-2) - Giu-đa đi thắt cổ (27,3-10)- Ðức Giê-su ra

trước toà tổng trấn Phi-la-tô (27,11-26) - Ðức Giê-su phải đội mạo gai (27,27-31) - Ðức Giê-su chịu đóng đinh vào thập giá (27,32-38) - Ðức Giê-su bị nhục mạ (27,39-44) - Ðức Giê-su trút linh hồn (27,45-56) - Mai táng Ðức Giê-su (27,57-61) - Lính canh mồ (27,62-66).

NGẪM

* Câu hỏi gợi ý

1. Tại sao người ta giết Ðức Giê-su?

2. Cái chết của Ðức Giê-su có ý nghĩa gì đối với chúng ta và đối với Thiên Chúa?

* Suy tư gợi ý

1. Có nhiều lý do khiến người ta giết Ðức Giê- su:

- Cả bốn Phúc Âm đều nói về âm mưu giết hại Ðức Giê-su của các thượng tế và kỳ mục trong dân Ít- ra-en. (Mt 26,1-5; Mc 14,1-2; Lc 22,1-2; Ga 11,45-53) Tại sao vậy?

- Bốn Phúc Âm cung cấp cho chúng ta đầy đủ các dự kiện để chúng ta hiểu được tại sao các thượng tế và kỳ mục, các phe phái lãnh đạo Ðền Thờ chẳng những không ưa gì Ðức Giê-su mà thậm chí còn căm ghét Người đến độ họ quyết chí không để cho Người tồn tại. Cái chết của Ðức Giê-su có ba nguyên nhân chính sau đây:

(1) Lý do thư nhất khiến Ðức Giê-su bị người Do Thái không ưa và tìm cách giết hại là vì Người đã giảng dạy, chữa bệnh, trừ quỷ, làm phép lạ như một Vị Ðại Ngôn Sứ có quyền uy thiêng liêng của Thiên Chúa. Hơn nữa, Ðức Giê-su lại hành động một cách hết sức tự do và bất ngờ, khiến các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời không thể kiểm soát và khống chế được Người. Sự kiện này làm cho địa vị và quyền lợi của họ bị đe dọa trầm trọng, khiến họ phải tìm cách ra tay trước khi quá muộn!

(2) Lý do thứ hai khiến Ðức Giê-su bị người Do Thái không ưa và tìm cách giết hại là vì Người không những đã chẳng nể nang gì những người có chức quyền trong xã hội-tôn giáo lúc bấy giờ, mà còn nặng lời xỉ vả họ và tố cáo cách sống gỉa hình, nô lệ luật lệ của họ một cách công khai trước mặt quần chúng, khiến họ chẳng còn chút danh dự, uy tín gì nữa. Ðức Giê-su đã ví cách sống gỉa hình, hai mặt của họ như những mồ mả tô vôi quét sơn bên ngoài rất đẹp, nhưng bên trong chỉ có xác thối mà thôi. Ðức Gi6e-su đã căn dặn dân chúng là thực hành những điều họ dạy trên tòa giảng, nhưng đừng bắt chước cách sống của họ, vì họ giảng dạy mà không sống theo lời giảng dạy! Trầm trọng hơn nữa Ðức Giê-su còn dùng nhiều dụ ngôn để ám chỉ rằng họ không xứng đáng vào Nước Trời, không được Ơn Cứu Ðộ của Thiên Chúa ban cho. Những khẳng định này đánh thẳng vào niềm kiêu hãnh dân tộc của họ vì giới lãnh đạo Do thái đương thời vẫn đinh ninh rằng họ là con cái Ab-ra-ham, là miêu duệ Ða -vít, là người thừa kế gia tài của Ðấng Cứu Thế sẽ đến từ dòng dõi Ða-vít.. Tự ái dân tộc (hiểu là dân tộc riêng của Thiên Chúa) bị xúc phạm thì kẻ xúc phạm đáng phải trả giá càng sớm càng tốt!

(3) Lý do thứ ba khiến Ðức Giê-su bị người Do Thái không ưa và tìm cách giết hại là vì trong các bài giảng ở đây đó, Ðức Giê-su tuyên bố Người từ Thiên Chúa mà đến, Người là Con Một Thiên Chúa, Người có quyền gọi Thiên Chúa là Cha, Người hành xử giống như Thiên Chúa. Những khẳng định ấy khiến các chức sắc Do thái giáo thấy Thiên Chúa của Ðức Giê-su có một dung mạo hoàn toàn khác với Thiên Chúa mà não trạng, quan niệm, truyền thống của họ vẫn tô vẽ ra từ trước tới giờ. Hơn nữa, Ðức Giê-su không chỉ khẳng định xuông bằng lời nói, mà Người đã hành động một cách cụ thể, công khai y như những lời tuyên bố ấy. Chúng ta thấy Người gần gũi đám đông quần chúng như thế nào, nhất là những người bệnh hoạn, tật nguyền, những người bị coi là tội lỗi hay bị khinh rẻ trong xã hội lúc bấy giờ như các mục đồng, phụ nữ và trẻ thơ, nhân viên thu thuế, các cô gái điếm, những kẻ hoang đàng, những người mắc bệnh phong cùi, v.v. Rao giảng và sống như thế là Ðức Giê-su đã đi ngược với xác tín tôn giáo của giới lãnh đạo Ðền Thờ và đã mắc tội phạm thượng, đáng phải chết!

Vì ba lý do trên, Ðức Giê-su đã rơi vào thế đối đầu với "quyền lực" tôn giáo là thứ quyền lực gần như tuyệt đối thời bấy giờ. Trong tương quan lực lượng giữa một bên là quyền-lực-bạo-lực và một bên là vị ngôn sứ của Thiên Chúa, thì đương nhiên chiến thắng thuộc về phía quyền lực: Ðức Giê-su đã bị triệt hạ! Nhưng lịch sử không chỉ dừng ở đây..

2. Cái chết của Ðức Giêsu có nhiều ý nghĩa:

Cái chết của Ðức Giê-su có ý nghĩa đặc biệt không chỉ đối với loài người mà còn đối với chính Thiên Chúa nữa:

* Ðối với Thiên Chúa:

Qua cuộc sống và nhất là qua cái chết thập gía của Ðức Giê-su, Tình Yêu điên cuồng của Thiên Chúa đối với loài người -với mỗi người và mọi người- được mạc khải cho con người thuộc mọi dân tộc, mọi thời đại. Bất cứ ai đọc lại câu chuyện Phúc Âm đều thấy đúng như lời Ðức Giê-su đã nói với ông Ni-cô-đê-mô: "Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một ." (Ga 3,16) và với các môn đệ: "Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình" (Ga 15,13). Tâm tình mà chúng ta phải có cho xứng hợp ở đây là tâm tình cảm tạ, tri ân đối với Thiên Chúa và Ðức Giê-su!

* Ðối với loài người chúng ta:

Nhưng qua cuộc sống và nhất là qua cái chết thập gía của Ðức Giê-su, chúng ta không chỉ nhân ra Tình Yêu của Thiên Chúa mà còn nhận ra gía trị của chúng ta, của mỗi một con người, dù người ấy bé nhỏ, hèn mọn, tội lỗi mấy đi nữa. Tâm tình mà chúng ta phải có cho xứng hợp ở đây là tâm tình kính trọng, yêu thương đối với hết mọi người, nhất là những người thấp kém, nghèo hèn, tội lỗi!

NGUYỆN

Lạy Thiên Chúa là Cha Ðức Giê-su và Cha chúng con, chúng con cảm tạ Cha đã yêu thương chúng con ngoài sức tưởng tượng của chúng con! Xin Cha giúp chúng con biết đón nhận Tình Yêu của Cha và xin Cha dạy chúng con biết cách "lấy tình yêu đáp lại tình yêu" của Cha!

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa, vì qua cuộc sống và nhất là qua cái chết thập gía của Chúa, chúng con không những nhận ra Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng con, mà chúng con còn nhận ra gía trị của loài người chúng con nữa. Xin Chúa giúp chúng con biết đón nhận Tình Yêu của Chúa và xin Chúa dạy chúng con biết cách "lấy tình yêu đáp lại tình yêu" của Chúa! Cũng xin Chúa giúp chúng con thực thi "giới luật mới" mà Chúa đã để lại cho chúng con, nhất là đối với những người mà chúng con không ưa, không thích cũng như với những người nghi kỵ, ghét bỏ, và làm hại chúng con, để cứ dấu bác ái, yêu thương này mà mọi người nhận ra chúng con là môn đệ của Ðấng bị đóng đinh thập giá!

Giê-rô-ni-mô Nguyễn Văn Nội.

 

 

 

 

 

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà