CHÚA NHẬT PHỤC SINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Cô-lô-xê 3: 1-4

          Trong phần trước (1:15-2:5), thánh Phaolô đã trình bày phần giáo thuyết, làm nổi bật vai trò của Chúa Ki-tô trong tương quan với Chúa Cha, với công trình sáng tạo và với công trình tái tạo hoặc cứu chuộc. Ngài cũng không quên dặn dò tín hữu Cô-lô-xê phải sống xứng đáng lời tuyên xưng Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa. Họ đừng để bị lung lạc theo thuyết sùng kính "các quyền lực vũ trụ", nhưng nếu "đã nhận Ðức Ki-tô Giê-su là Chúa, thì hãy tiếp tục sống kết hợp với Người" (2:7).

          a) Nếu "đã nhận Ðức Ki-tô Giê-su là Chúa."

          Thế nào là "đã nhận Ðức Ki-tô Giê-su là Chúa"? Chắc chắn thánh Phao-lô muốn ám chỉ tới việc lãnh nhận bí tích Rửa tội và tuyên xưng đức tin vào Ðức Ki-tô. Có lẽ chúng ta nên nhớ lại cách thức các dự tòng thời các Tông đồ được lãnh nhận bí tích Rửa tội như thế nào, để hiểu được những hình ảnh thánh Phao-lô nói đến như "được mai táng với Ðức Ki-tô", "được chỗi dậy với Người". Ðể rửa tội, người ta dìm các dự tòng xuống nước. Ðược dìm xuống nước, Ki-tô hữu tân tòng cũng giống như cùng chết và được mai táng với Ðức Ki-tô, để chôn vùi đi mọi ước muốn và quyến luyến trần gian. Rồi được đưa lên khỏi nước tượng trưng cho việc họ được sống con người mới, kết hiệp với Chúa Ki-tô Phục Sinh là Ðầu nhiệm thể. Muốn lãnh nhận bí tích Rửa tội, họ phải tin vào Ðức Ki-tô phục sinh là Thủ Lãnh tối cao và quyền năng cứu độ của Người. "Ðức Ki-tô Giê-su là Chúa" là nền tảng của giáo lý Ki-tô giáo. Theo giáo lý ấy, nơi Ðức Ki-tô thể hiện sự viên mãn, hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là con người (1:19). Người "xóa sổ nợ bất lợi cho chúng ta" và "truất phế các quyền lực thần thiêng" (2:14-15). Giáo lý này được truyền lại chứ không phải do trí sáng tạo loài người. Giáo lý mặc khải về Chúa Ki-tô và sứ mệnh cứu thế của Người là giáo lý các Tông đồ đã lãnh nhận trực tiếp từ nơi chính Ðức Ki-tô, và các tín hữu lãnh nhận lại từ nơi các Tông đồ.

          Tuy nhiên, lãnh nhận giáo lý về mầu nhiệm Chúa Ki-tô không phải là lãnh nhận một cách thụ động, nhưng là bước đầu cho một cuộc sống mới, sống kết hợp với Người, sau khi "đã được chỗi dậy cùng với Chúa Ki-tô" (3:1).

          b) Hãy tiếp tục sống kết hợp với Ðức Ki-tô phục sinh.

          Trước hết thánh Phao-lô dùng một hình ảnh sống động để mô tả sự kết hợp ấy, đó là "gắn chặt với Ðức Ki-tô là Ðầu; chính Người làm cho toàn thân được nuôi dưỡng, được kết cấu chặt chẽ nhờ mọi thứ gân mạch và dây chằng, và được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban" (2:19).

          Vậy làm thế nào để sống kết hợp với Ðức Ki-tô phục sinh? Ðó là tất cả nội dung của bài đọc Tân Ước hôm nay. Thánh Phao-lô đề ra một số điểm thực tế. 1/ Ðức Ki-tô phục sinh thuộc thượng giới, hoặc nơi Người "đang ngự bên hữu Thiên Chúa". Ý thức Ðức Ki-tô phục sinh đang ở đâu, nên nếu muốn kết hợp với Người, chúng ta cần phải "tìm kiếm và hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới" 2/ Ý thức sự sống mới của chúng ta hiện đang ẩn giấu với Ðức Ki-tô nơi Thiên Chúa. Bí tích Rửa tội đã giúp Ki-tô hữu đoạn tuyệt với sự sống cũ tội lỗi và đem lại cho họ một đời sống mới (x. Ep 4:17-24). Ðời sống mới này "tiềm tàng với Ðức Ki-tô", nghĩa là tuy giác quan không cảm nhận được nó, nhưng nó có thực, bởi vì từ nay Ðức Ki-tô là nguồn sống của người Ki-tô hữu. Bề ngoài, người Ki-tô hữu và người không phải Ki-tô hữu chẳng có gì là khác biệt. Nhưng đời sống nội tâm của Ki-tô hữu đích thực là đời sống được uốn nắn do Ðức Ki-tô và "được lớn lên nhờ sức Thiên Chúa ban". Do đó, đời sống của người Ki-tô hữu ở đời này là một đời sống ẩn giấu nhưng được tăng triển "tới tầm vóc viên mãn của Ðức Ki-tô" (Ep 4:13), chờ ngày biểu lộ trong vinh quang.

          Sử dụng đoạn thư Cl 3:1-4 cho Chúa Nhật Phục Sinh, Phụng vụ Lời Chúa muốn nêu lên một nguyên lý vô cùng quan trọng để Ki-tô hữu sống đời sống mới, đó là sống kết hợp với Ðức Ki-tô phục sinh. Cuộc sống mới của Ki-tô hữu phải là chính Ðức Ki-tô sống trong họ. Một đàng họ phải "giết chết những gì thuộc hạ giới" (3:5-9). Ðàng khác, họ phải hướng về Ðức Ki-tô là nguồn sống của họ và sống như "những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương" (3:12-15). Tóm lại, đời sống kết hợp với Ðức Ki-tô phục sinh được cô đọng trong lời khuyên "Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha" (3:17).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Bài đọc Tân Ước hôm nay tuy ngắn gọn nhưng hết sức quan trọng. Tại sao sống kết hợp với Ðức Ki-tô phục sinh lại là nguyên lý cho đời sống mới của tôi?

          Con người cũ và con người mới là hai trạng thái tôi luôn gặp đi gặp lại trong đời sống thiêng liêng của mình. Nhưng tôi đã đối diện với hai hình ảnh đó như thế nào? Tôi có để tâm giết đi những gì thuộc con người cũ và cố gắng mặc lấy con người mới của Ðức Ki-tô phục sinh không? Tôi đã làm gì để thực hiện quyết tâm đó?

          Tôi có hướng về Ðức Ki-tô phục sinh như niềm hy vọng chắc chắn cho đời sống mới ẩn giấu của tôi và tin chắc sẽ được vinh hiển với Người không? Nếu có, điều này ảnh hưởng tới thái độ lạc quan và đầy tràn hy vọng của tôi thế nào?

          Ðọc lại đoạn Cl 1:15-20, tôi biết được gì thêm về Ðức Ki-tô? Ðoạn tuyên xưng đức tin này mời gọi tôi làm gì?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc trong tâm tình cầu nguyện đoạn Thánh ca Cô-lô-xê 1:15-20.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà