CHÚA NHẬT 2 QUANH NĂM
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 1
Cô-rin-tô 1: 1-3
Trong các
Thư thuộc Tân Ước, thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô được sử
dụng nhiều nhất, 19 Chúa Nhật thuộc ba chu kỳ Phụng vụ Lời Chúa mùa thường
niên. Riêng năm A, từ Chúa Nhật 2 đến 8, các bài đọc Tân Ước trích dẫn 1 Cr
1:10-4:21. Vậy để hiểu được tầm quan trọng của chủ đề giáo lý trong đoạn thư
này, chúng ta thử xem thánh Phao-lô muốn nhắm điều gì trong đó.
Vấn đề
chính được đề cập đến trong 1 Cr 1:10-4:21 là tình trạng chia rẽ và phe phái
trong giáo đoàn Cô-rin-tô. Do đó, Phao-lô muốn giúp cho những tín hữu tân tòng
của ngài đừng rơi vào nạn phe phái nếu họ cứ bám lấy một vị tông đồ nào đó, có
thể là Phê-rô, hoặc A-pô-lô hay chính ngài. Vậy ngài trình bày như sau:
Ðức Ki-tô chịu đóng đinh chính là
kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa. Như thế, những gì thế gian cho là điên rồ
và yếu kém (tức là sự kiện Chúa Ki-tô bị đóng đinh) thì đó lại là chính sự khôn
ngoan của Thiên Chúa. Ngược lại, những gì thế gian cho là khôn ngoan thì đối
với Thiên Chúa lại là yếu kém và điên rồ. Ðể chứng minh chân lý này, Phao-lô
trưng dẫn việc Thiên Chúa tuyển chọn tín hữu Cô-rin-tô. Người tuyển chọn họ
không phải vì họ khôn ngoan hay quyền quý, nhưng vì Người muốn chọn người yếu
để đánh bại kẻ mạnh. Thánh Phao-lô cũng trưng dẫn trường hợp của chính ngài.
Ngài đến hoạt động truyền giáo tại Cô-rin-tô không phải như một nhà hùng biện,
nhưng ngài "thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy." Sức mạnh của sứ vụ
ngài là hoàn toàn do Thiên Chúa chứ không phải do nơi ngài. Cho nên, vấn đề là
nếu tín hữu Cô-rin-tô hiểu được nghịch lý của thập giá chính là sự khôn ngoan
của Thiên Chúa, thì họ sẽ ý thức được rằng những người rao giảng Tin Mừng không
phải là những người thuộc về họ, sở hữu của họ. Nói khác đi, cá nhân vị tông đồ
không có gì là quan trọng, nhưng quan trọng chính là Thiên Chúa, Ðấng sai các
tông đồ đi rao giảng sứ điệp nghịch lý về Chúa Ki-tô chịu đóng đinh. Nếu hiểu
được như vậy, họ sẽ vui chịu đau khổ và nhạo cười của thế gian, giống như các
tông đồ đang chịu hằng ngày vì Tin Mừng. Bám víu vào một mình Chúa, họ sẽ hóa
giải được tất cả những động lực, lý do tạo lập phe phái và gây chia rẽ cộng
đoàn.
Sau khi đã hiểu được hoàn cảnh
giáo đoàn Cô-rin-tô và mạch văn của đoạn thư 1 Cr 1:10-4:21, chúng ta có thể
nhận ra ý nghĩa của lời chào thăm thánh Phao-lô viết cho tín hữu Cô-rin-tô ở
đầu bức thư thứ nhất của ngài.
Khi viết thư này, chắc chắn ưu
tư của thánh Phao-lô là làm thế nào tận diệt được tình trạng phe phái chia rẽ
tại Cô-rin-tô. Với lời chào thăm, tuy ngắn gọn, nhưng Phao-lô muốn đi thẳng vào
tận gốc vấn đề, vào nguyên nhân sâu xa nhất của lý do gây bè phái chia rẽ.
Nguyên do sâu xa nhất của mọi thứ phe phái chia rẽ là vì:
- Mỗi phần tử không hiểu rõ căn
tính đích thực của mình, và
- Không biết rõ căn tính của
cộng đồng mình đang thuộc về.
Vậy thánh Phao-lô đã muốn nói
đến hai nguyên nhân này trong lời chào thăm, khi ngài gọi giáo đoàn Cô-rin-tô
là "Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô" và anh chị em tín hữu
Cô-rin-tô là "những người được hiến thánh trong Ðức Ki-tô Giê-su, được gọi
là thánh." Xưng hô như thế, ngài nhắc nhở tín hữu Cô-rin-tô hãy nhìn nhận
lại căn tính của mình và của giáo đoàn.
Khi suy nghĩ về căn tính của
mình, thánh Phao-lô viết là ngài "được gọi làm tông đồ của Ðức Ki-tô
Giê-su." Với Phao-lô, làm tông đồ là một ơn gọi, chứ không phải bởi hiếu
động hay vụ lợi. Ngài còn coi ơn gọi làm tông đồ như là điều do Thiên Chúa tiền
định (Gl 1:15). Ðể đáp lại hồng ân ấy, Phao-lô đã bất chấp mọi khó khăn và sẵn
sàng hy sinh mạng sống để rao giảng Tin Mừng cho Dân ngoại, vì "tình yêu
Ðức Ki-tô thôi thúc" (2 Cr 5:14).
Nói về căn tính của Ki-tô hữu,
Phao-lô coi họ là những người được hiến thánh. Gọi họ là "thánh", dĩ
nhiên ngài không có ý nói họ đã là những người hoàn hảo, nhưng ngài muốn ám chỉ
phẩm giá cao quý của họ vì đã được Thiên Chúa tuyển chọn và làm con cái Thiên
Chúa, đồng thời vì họ được tham dự vào Hội Thánh là một tổ chức thánh thiện.
Khi định nghĩa "giáo đoàn
Cô-rin-tô" là "Hội Thánh của Thiên Chúa ở Cô-rin-tô", thánh
Phao-lô muốn nói lên điều giáo lý này: Hội Thánh thực sự nhập thế, đâm rễ ở địa
phương; nhưng dù bất cứ ở đâu, vẫn là Hội Thánh của Thiên Chúa (xem chú thích
c) ở chương 1, Thư 1 Cô-rin-tô, bản dịch Nhóm Phiên dịch PVGK). Như thế chúng
ta thấy thực là tức cười khi nghe nói: tôi đi lễ ở nhà thờ cha A, nhà thờ cha
B... Chẳng khác gì tín hữu Cô-rin-tô ngày xưa: "Tôi thuộc về ông Phao-lô,
tôi thuộc về ông A-pô-lô, tôi thuộc về ông Kê-pha..." Tuy là nói theo thói
quen, nhưng có lẽ nó phản ảnh một cái nhìn thiếu sót về Hội Thánh!
Nếu hiểu rõ căn tính Ki-tô hữu
của mình và căn tính của cộng đoàn mình, lấy Ðức Ki-tô làm tâm điểm, chúng ta
sẽ tránh được não trạng và thảm cảnh phe phái kình chống nhau trong cùng một
cộng đoàn hay một giáo xứ.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Chia sẻ
một vài kinh nghiệm về phe phái, chia rẽ trong cộng đoàn của tôi. Tôi rút được
bài học gì?
Cách hiểu
của thánh Phao-lô về "Ki-tô hữu là ai?" và "Giáo đoàn Cô-rin-tô
là gì?" hoặc "Giáo xứ là gì?"sẽ giúp tôi thay đổi cái nhìn về
tôi, về anh chị em và về Giáo Hội như thế nào?
Nhóm và tôi
có thể làm gì để làm bớt đi những chia rẽ, nghi kỵ, ganh ghét trong nhóm, hội
đoàn, giáo xứ?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu
nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài "Ở đâu có bác ái và thương mến",
hoặc "Xin hiệp nhất chúng con..."
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi