Chúa Nhật Thứ 5 Thường Niên
(10-2-2002)
1Cr 2,1-5 : (4) Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo
hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên
Chúa. (5) Có vậy, đức
tin của anh em mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người phàm, nhưng dựa vào quyền
năng Thiên Chúa.
TIN MỪNG : Mt 5,13-16
Muối cho đời và ánh sáng cho trần gian
(// Mc 9,50; Lc 14,34-35)
(13) Chính anh
em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại ? Nó
đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. (14) Chính anh
em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu
được. (15) Cũng chẳng
có ai thắp đèn rồi lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu
cho mọi người trong nhà. (16) Cũng vậy,
ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công
việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời.
Câu hỏi gợi ý :
1. Muối dùng để làm gì? Câu trở nên muối cho đời nghĩa là gì?
2. Nói cụ thể, ta có thể trở nên muối cho đời bằng cách nào?
3. Ta có thể theo một tôn giáo đang khi tín đồ tôn
giáo ấy chẳng tốt gì hơn ta không? chẳng hạnh phúc hơn ta không? Tôn giáo ấy có
hấp dẫn ta không?
Suy tư gợi ý :
Muối dùng để ướp thức ăn, giữ thức ăn khỏi hư
thối, đồng thời thêm vị ngon cho nó. Ðức Giê-su đã dùng hình ảnh này để nói lên
sứ mạng của người Ki-tô hữu đối với môi trường mình đang sống. Thật vậy, Ðức
Giê-su đã lập Giáo Hội - gồm những người Ki-tô hữu - như một dấu chỉ của Nước
Trời, như một cầu nối giữa nhân loại với Thiên Chúa, như một lời chứng cho Ngài
trước mọi người. Giáo Hội - hay người Ki-tô hữu - có vai trò như muối đối với
thế giới. Nếu muối dùng để ướp thức ăn, giữ thức ăn khỏi hư và thêm vị ngon cho
nó, thì Thiên Chúa muốn dùng người Ki-tô hữu để giữ cho thế giới, xã hội không
bị hư hỏng, mà trở nên tốt đẹp hạnh phúc hơn trước mặt Thiên Chúa.
Thức ăn bị nhiều yếu tố bên trong lẫn bên ngoài
làm cho hư thối. Xã hội con người cũng bị những yếu tố nội tại lẫn ngoại tại
làm cho hư hỏng, tồi tệ, và trở nên đau khổ. Vì thế, khi Ðức Giê-su nói: Chính anh em là muối cho đời, thì một cách
nào đó, Ngài muốn giao cho chúng ta, là người Ki-tô hữu hay môn đệ Ngài, một
nhiệm vụ rất quan trọng đối với xã môi trường mình đang sống. Ðó là: phải làm
sao giữ cho môi trường ấy không bị hư hỏng và đau khổ bởi gương xấu, bất công,
hận thù, bạo lực, mà trở nên tốt đẹp hạnh phúc hơn nhờ gương sáng, sự thực thi
công lý, tình thương của chính chúng ta. Người Ki-tô hữu cần ý thức nhiệm vụ
ấy.
2. Trở nên muối cho đời bằng cách nào?
Nhưng chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ ấy như thế
nào? Làm sao chúng ta có thể giữ cho thế giới đừng hư hỏng mà trở nên tốt đẹp
hơn? Ðức Giê-su đề nghị với chúng ta một phương cách cũng lại bằng một ẩn dụ: Chính anh em là ánh sáng cho trần gian.
Mọi người ai cũng cần ánh sáng để nhìn thấy, để
biết lối đi hầu khỏi té ngã, để biết đường mà làm công nọ việc kia. Về mặt tâm
linh, người ta cũng cần có những gương sáng để họ theo đó mà hành xử cho đúng,
cho khôn ngoan, cho tốt đẹp trong mọi trường hợp. Nhưng gương sáng đó họ tìm
nơi đâu? Khi nói: Chính anh em là ánh sáng
cho trần gian, Ðức Giê-su đã giao phó cho chúng ta nhiệm vụ làm
gương sáng cho mọi người chung quanh, trong môi trường mình sống. Và khi làm gương
sáng như thế, chúng ta đã trở nên muối cho
đời.
3. Bạn có làm gương sáng trong môi trường mình
sống không?
Tình hình xã hội hiện nay có nhiều điều đáng bi
quan: bất công, bạo lực và nhiều thứ tệ nạn xã hội đang lan tràn, mạng sống con
người bị coi thường (nhất là của thai nhi), tình dục bị lạm dụng, bảng giá trị
Ki-tô giáo bị đảo lộn (nhiều người, kể cả Ki-tô hữu, coi trọng tiền bạc, địa vị
hơn tình nghĩa.), v.v. Nói chung, thế giới đang bị hư hỏng, trở nên tội lỗi, từ
trong gia đình ra đến ngoài xã hội. Vì thế, bất kỳ người Ki-tô hữu nào cũng cần
ý thức lại nhiệm vụ làm muối cho đời,
làm ánh sáng cho trần gian mà Ðức
Giê-su đã giao cho chúng ta. Nhưng thử hỏi, người Ki-tô hữu - cụ thể là chính
bạn, chính tôi - đã ý thức và cố gắng thực hiện nhiệm vụ ấy trong cuộc đời mình
chưa?
Thực tế đang trả lời cho chúng ta. Giáo Hội lúc nào cũng nỗ lực truyền giáo, bỏ ra biết bao nhiêu nhân lực và tài lực vào công việc này. Nhưng. hiện nay, dân số Ki-tô giáo trên thế giới tuy có tăng theo đà tăng của dân số thế giới, nhưng tỷ lệ người Ki-tô hữu đang càng ngày càng giảm khoảng từ 50 năm nay, nhất là tại Âu châu. Tại châu Âu, nơi trước đây số Ki-tô hữu đã lên tới 70%, thì nay tỷ lệ người Ki-tô hữu thực hành đạo thật sự (pratiquants, church-goers) chỉ còn chưa tới 5% (tôi đã gặp nhiều người Âu châu cho biết là chỉ được từ 2 đến 3%). Tại châu Á, tỷ lệ người Ki-tô hữu hiện nay - theo thống kê của Tòa Thánh tính đến cuối năm 1998 - chỉ được 2,7%. Số Ki-tô hữu gia tăng chủ yếu là do trẻ con vừa lọt lòng mẹ thì đã thành Ki-tô hữu do được rửa tội sớm, và số người lớn trở lại Ki-tô giáo chủ yếu là do việc kết hôn với người Ki-tô hữu đòi buộc. Số người giác ngộ Ki-tô giáo để tự nguyện theo thì rất ít. Thực trạng đó quả không đáng tự hào chút nào!
Ðiều ấy đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ để tìm ra nguyên nhân: chúng ta đã sống đạo thế nào? Tôi nghĩ: mọi nỗ lực truyền giáo đều là vô ích, nếu chính người Ki-tô hữu chỉ giữ đạo một cách hình thức, không sống đạo thật sự, nghĩa là chỉ biết đến nhà thờ dự lễ, năng lãnh nhận các bí tích, chứ thật sự không áp dụng tinh thần Ðức Ki-tô vào trong đời sống của mình.
4. Phải chăng cách sống của ta là một phản chứng?
Ta hãy nghe Mahatma Gandhi - được dân Ấn Ðộ xem là một vị thánh - nói về cách sống đạo của những Ki-tô hữu trong xã hội của ông. Ông đã lên tiếng, có vẻ như thách thức người Kitô hữu, cụ thể là những người Anh đô hộ họ: Nếu những người Kitô hữu ở Ấn độ thật sự sống đúng tinh thần của Ðức Kitô, thì họ chẳng cần phải mất công rao giảng, toàn Ấn độ sẽ trở thành Kitô hữu hết. Trước mắt ông, người Kitô hữu - cụ thể là người Anh lúc ấy đang đô hộ dân tộc ông - cũng tham lam, bất công và tàn bạo không kém gì những kẻ xâm lăng khác. Ông rất say mê Ðức Kitô, nhưng ông không thể trở nên Kitô hữu, vì những người đem Kitô giáo đến với dân tộc ông - người Anh - lại chính là những người đang nô lệ hóa dân tộc ông, đàn áp dân tộc ông một cách dã man. Ông không thể tin rằng dân Ấn Ðộ hiền lành của ông cứ phải gia nhập cái đạo của những người đang quàng ách nô lệ lên dân tộc ông thì mới được cứu rỗi. Nếu những kẻ nô lệ hóa dân tộc ông một cách bỉ ổi mà được Thượng Ðế thưởng công chỉ vì họ là người Kitô hữu, đang khi dân tộc hiền hòa của ông lại bị phạt chỉ vì không phải là Kitô hữu, thì một vị Thượng Ðế như thế không thể chấp nhận được!
Cũng vậy, biết bao người như Gandhi rất mộ mến Ðức
Giê-su, nhưng cứ nhìn thấy cách sống của những người Ki-tô hữu chung quanh họ,
là họ cảm thấy chẳng cần phải vào Ki-tô giáo làm gì. Vì người Ki-tô hữu nói
chung cũng chẳng hơn gì họ: cũng ích kỷ, cũng ăn gian nói dối, cũng gây bất
công, cũng lặng im trước bất công, cũng sống chẳng có tình nghĩa bao nhiêu. Làm
sao họ có thể tin được những người chẳng tốt hơn họ, đôi khi kém họ lại được
Thiên Chúa ân thưởng chỉ vì là Ki-tô hữu, còn họ cũng sống như vậy thậm chí tốt
hơn thì lại bị phạt. Chẳng lẽ chúng ta lại giới thiệu với họ một Thiên Chúa bất
công và vô lý như vậy qua cách sống của chúng ta?
5. Truyền giáo bằng chính đời sống phù hợp với Tin
Mừng
Nếu đời sống của ta ngược lại với Tin Mừng, làm
sao ta có thể làm muối cho đời để
đời khỏi hư hỏng được? làm sao ta có thể làm cho đời tốt đẹp lên được? Muối như
thế là muối đã lạt. Muối có giá trị hay không là ở vị mặn của nó. Nếu muối lạt
thì còn giá trị gì, còn làm được việc gì? Nó
đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi!
Người ta - nhất là Ðức Giê-su - có thể kết luận gì
về chất muối tâm linh của ta? Hãy
tự xét mình xem chất muối của ta
có còn vị mặn không? có còn tác
dụng ướp nữa không? Xét một cách
cụ thể hơn: sự hiện diện của tôi trong gia đình, trong tổ dân phố, trong xứ
đạo, trong xã hội, trong nơi ta làm việc. có làm ánh sáng dẫn đường cho môi trường ấy tốt hơn không? Những
vùng đông người Ki-tô hữu có trật tự xã hội và mức phát triển về mọi mặt - nhất
là mặt đạo đức - cao hơn những vùng khác không? Sự hiện diện của một ngôi giáo
đường có đích thực là một sự chúc lành cho vùng chung quanh không? nghĩa là có
làm cho dân chúng vùng chung quanh trở nên tốt hơn, trật tự hơn, hạnh phúc hơn
không?
Theo quan niệm của Gandhi, để toàn dân Ấn Ðộ trở
thành Ki-tô hữu, không cần phải đổ công đổ của ra mà truyền giáo cho bằng chỉ
cần người Ki-tô hữu sống đích thực tinh thần của Ðức Giê-su là đủ. Sống như thế
chính là trở nên ánh sáng cho trần gian.
Thật mỉa mai khi muối đã lạt lại còn muốn ướp cái này cái nọ, ích lợi gì? Và
mỉa mai hơn nếu đạo mình mình không thèm sống lại còn muốn đem đạo ấy truyền
cho người khác, để làm gì?! Vừa truyền giáo, vừa sống phản lại Tin Mừng thì
chẳng khác gì trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược. Thật mỉa mai khi chính mình tối om lại muốn làm ánh sáng dẫn
đường cho người khác! Thật ngược đời khi chính mình đói meo lại đi lo chuyện
làm no ấm thiên hạ!
Tôi nghe tiếng Chúa nói với tôi: Qua Ðức Giê-su, Cha đã mời gọi con và trao cho con nhiệm vụ: hãy trở nên "muối cho đời" và "ánh sáng cho trần gian". Ðể làm được chuyện ấy, con phải là muối thật mặn, phải là đèn thật sáng. Muốn thế, con phải quyết tâm trở nên như thế. Ðiều quan trọng là chính con phải quyết tâm trước, rồi Cha sẽ ban ơn trợ giúp sau. Con không quyết tâm thì Cha có đổ tràn thần lực xuống cho con cũng vô ích. Cha đành phải bó tay nếu chính con từ chối lời mời gọi của Cha hay chính con không quyết tâm thực hiện. Vì Cha luôn luôn tôn trọng tự do của con. Một lần nữa, Cha mời gọi con hãy trở nên "muối cho đời" và "ánh sáng cho trần gian". Cha rất mong con đáp trả bằng một quyết tâm thật sự.