CHÚA NHẬT 5 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         1 Cô-rin-tô 2: 1-5

          "Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa" là một nguyên tắc quan trọng giúp mỗi người chúng ta khiêm tốn đích thực và đừng để tính kiêu căng trở thành nguyên nhân gây nên chia rẽ hoặc phe phái. Nắm vững nguyên tắc ấy, thánh Phao-lô không ngần ngại chia sẻ với anh chị em tín hữu Cô-rin-tô chính những nhược điểm của ngài. Ngài thành thật cho họ biết về con người thực của mình. Hình ảnh Phao-lô lần đầu tiên khi đặt chân đến Cô-rin-tô chắc chắn vẫn còn in rõ trong đầu óc người dân Cô-rin-tô. Ngài đến từ A-then, Hy-lạp, sau khi thất bại nặng nề trong việc rao giảng Tin Mừng tại đấy. Ðọc Công vụ Tông Ðồ 17:16-34, chúng ta có lẽ nhận ra cung cách rao giảng của Phao-lô lúc ấy. Ngài muốn trình bày sứ điệp Tin Mừng cho người Hy-lạp theo phương pháp triết lý, văn chương, hùng biện. Nhưng thính giả sau khi nghe ngài, kẻ thì nhạo cười ngài, kẻ thì đuổi khéo "để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông nói".

          Phao-lô đã học được bài học tại A-then. Rao giảng Mầu nhiệm Ðức Ki-tô bằng "lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao siêu" tại Hội đồng A-rê-ô-pa-gô chẳng thu hoạch được kết quả gì, ngoại trừ có vài người theo ngài và tin Chúa. Cho nên ở đây, tại Cô-rin-tô, cung cách Phao-lô rao giảng Tin Mừng đã thay đổi. Muốn rao giảng về Ðức Ki-tô thì phải "không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Ðức Giê-su Ki-tô." Nói khác đi, người rao giảng cần phải đặt tất cả nỗ lực, yêu mến, suy tưởng của mình vào Ðức Ki-tô và việc rao giảng. Ðừng để cho bất cứ gì chi phối mình và sứ vụ của mình. Ðể xác định rõ ràng thêm nội dung sứ điệp rao giảng, thánh Phao-lô đã viết: "Mà là Ðức Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá." Ðây chính là hình ảnh tuyệt đỉnh, tinh túy nhất của Mầu nhiệm Ki-tô, vì nó lột tả được cách trung thực và đầy đủ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Cốt tủy của "nghịch lý thập giá" cần phải được truyền đạt cho người nghe, không phải bằng lời lẽ triết học khôn ngoan của người đời, nhưng là bằng xác tín do Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa ban cho. Tầm quan trọng và cao cả của sứ điệp đòi hỏi nơi người rao giảng một cung cách xứng hợp. Không phải là khoa chân múa tay, cử điệu thuyết phục, từ ngữ chọn lọc có thể chuyên chở được sứ điệp Tin Mừng. Không phải cái mã thông thái, sâu sắc làm cho người ta bị thuyết phục và đến với đức tin. Nhưng là thái độ "tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy", một thái độ tôn kính, tin tưởng và yêu mến đối với sứ điệp là Ðức Ki-tô chịu đóng đinh.

          Thánh Phao-lô khước từ những lời lẽ khôn khéo tự nó có sức hấp dẫn nhưng chỉ có thể gợi lên một niềm tin tưởng hoàn toàn phàm tục, ở cấp độ tự nhiên. Còn đức tin ở cấp độ siêu nhiên. Do đó, người rao giảng phải tựa vào quyền lực siêu nhiên. Ðiểm tựa của Phao-lô là Thần khí và quyền năng Thiên Chúa. Chỉ có Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa mới có sức khơi dậy một niềm tin, một lòng gắn bó ở cấp độ siêu nhiên thuộc cõi thần linh. Một người yếu kém, sợ sệt và run rẩy mà lôi cuốn thính giả được như vậy quả là một bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa. Xem chú thích l), bản dịch của Nhóm Phiên dịch CGKPV.

          Ðó là kinh nghiệm đức tin cá nhân thánh Phao-lô muốn chia sẻ với giáo đoàn Cô-rin-tô đang trong tình trạng chia rẽ. Qua chia sẻ này, thánh Phao-lô khéo léo nhắc nhở họ về mối nguy hiểm chia rẽ phe phái, và với tư cách một người cha tinh thần, ngài còn thẳng thắn xin tín hữu Cô-rin-tô hãy bắt chước ngài, như ngài bắt chước Ðức Ki-tô (x. 4:16). Nếu tự hào vì mình thuộc phe này phe nọ, hoặc vì mình tài giỏi, thì chính những tự hào đó sớm muộn cũng đưa cá nhân và cộng đoàn đến tình trạng chia rẽ. Nhưng nếu ai ai cũng biết khiêm tốn nhận ra chỗ đứng của mình và hoàn toàn tín thác vào quyền năng Thiên Chúa, thì cộng đoàn đức tin sẽ phát triển. Nơi đó, chỉ những phần tử khiêm nhượng đích thực mới có thể nhận ra được sự khôn ngoan đích thực và quyền năng của Thiên Chúa biểu lộ qua mầu nhiệm thập giá Ðức Ki-tô.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Lãnh nhận một công tác tông đồ trong cộng đoàn, có khi nào tôi vênh vang với những thành công và lên mặt với người khác không? Thử xét lại để thấy đó là làm vinh danh Chúa hay làm vinh danh tôi?

          Trong Giáo Hội hôm nay, mối nguy hiểm ít người tông đồ nhận ra được, đó là áp dụng "kỹ thuật" một cách rất tinh vi, cho nên nơi người làm tông đồ thiếu hẳn "hồn" tông đồ. Thay vì cung cách "thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy" thì người ta áp dụng những phương pháp khéo léo và tự tin vào khả năng sử dụng phương pháp nơi mình. Tôi có thấy điều ấy nơi tôi không? Làm sao để có được cái "hồn tông đồ"(âme dapostolat)?

          Trên thập giá, Ðức Ki-tô tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Giữa gian truân trên đường truyền giáo, thánh Phao-lô bắt chước Chúa Ki-tô, tin tưởng vào sự hướng dẫn của Thánh Thần và quyền năng Thiên Chúa. Còn tôi, tôi có tin vào sức mạnh của mầu nhiệm thập giá Ðức Ki-tô không? Tại sao tôi tin?

          Nếu tôi phải thay đổi cung cách làm việc tông đồ hiện thời, tôi phải làm những gì? Sử dụng cách thức nào để thay đổi?

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp hoặc đọc kinh "xin ơn quảng đại."

          Kinh xin ơn quảng đại      

Lạy Ngôi Lời vĩnh cửu, là Con Một Thiên Chúa,

Xin Chúa dạy con biết sống quảng đại đích thực,

Xin dạy con biết phụng sự Chúa như Chúa đáng được phụng sự,

Biết cho đi mà không cần tính toán,

Biết chiến đấu mà không sợ bị thương,

Biết vất vả làm việc mà không tìm nghỉ ngơi,

Biết hy sinh bản thân mà không đòi phần thưởng

Miễn là được biết rằng con đang thi hành thánh ý Chúa. A-men. 

-          Thánh I-nhã

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà