KẾ HOẠCH KỲ DIỆU CỦA THIÊN CHÚA TẠI
CHÂU Á
"CẢ CÁC ANH NỮA, VÀO LÀM
VƯỜN NHO CHO TÔI ÐI"
Giáo hội khai mạc năm Phụng Vụ bằng Mùa Vọng với hai đặc
tính nổi bật : mùa chuẩn bị mừng Lễ Giáng Sinh, và mong đợi Chúa Kitô đến lần
thứ hai. Isaia đã nhìn ngày ấy trong mối liên hệ toàn cầu : "Dân dân
lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi." Vì khi Ðức
Kitô đến Người mở ra lối đi đến hòa bình cho mọi dân tộc, và theo thánh Phaolô,
những ai đi theo Ðức Kitô sẽ không "chiều theo tính xác thịt mà thỏa
mãn các dục vọng" vốn là nguyên nhân của mâu thuẫn và tai họa.
Cũng như trong Tin Mừng khi Chúa nói về ngày Quang Lâm của Người, chúng ta cũng
có thể thấy con đường Ngài khai mở và kêu gọi người ta tiến vào không phải là
đường đi lối về thường ngày, theo đó "thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ
lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Noe vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi
nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy".
Mùa Vọng hướng chúng ta nhìn về con đường của Ðức Kitô.
Con đường ấy với điểm khởi đi của nó phát xuất trên mảnh
đất Á Châu "Thật vậy, chính tại Châu Á, ngay từ đầu Thiên Chúa đã
mặc khải và thực hiện ý định cứu độ của Ngài." (THGHTAC 1.) Ai có
thể hiểu được vì sao ? Vui mừng trước đặc ân lớn lao này "Giáo Hội
tại Châu Á không ngừng cất cao lời : "Hãy tạ ơn Chúa, vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương" (ib.)
Nhưng dẫu sao khi nhìn vào Ơn Gọi thuở ban đầu khi Chúa gọi
Abraham, Môsê... chúng ta đều có thể hiểu được điều mà Isaia đã nói đó là "Núi
Ðức Chúa" là "Nhà Thiên Chúa", từ đó Thiên
Chúa dạy cho muôn dân nước "biết lối của Người" "đường
Người chỉ vẽ", "Thánh Luật" và "Lời Chúa phán truyền".
Thực
vậy, những tổ phụ của chúng ta khi được Lời Chúa kêu gọi chỉ có một thân thế
hầu như quá mờ nhạt. Trong khi trung tâm văn minh và quyền lực lúc ấy nằm dọc
trên bờ sông Euphrate hay trên bờ sông Nil thì Ur hay Madian chỉ là những xóm
làng của những bộ tộc nhỏ bé. Abram vừa mất cha, còn Môsê chỉ là kẻ tử tội bị
truy đuổi... Thánh Phaolô đã nói về sự tuyển chọn của Thiên Chúa như sau :
"những gì thế gian cho là điên dại... những gì thế gian cho là hèn yếu...
thì Thiên Chúa đã chọn...". Chúa đã chọn Châu Á chỉ vì nó nghèo, nó yếu
kém...để nói lên tính cách tuyệt đối là Hồng Ân của Tình Yêu Người. Muôn dân
nước sẽ chẳng thấy gì khác nơi dân được tuyển chọn ngoài Thánh Luật, và Lời
Giao Ước. Và quả thực trải dài 5000 năm lịch sử của mình, Dân được tuyển chọn
khám phá và xác tín "Chúa là phần gia nghiệp duy nhất" mà họ có. Khi
họ chăm lo phát huy gia nghiệp ấy giữa muôn dân thì đó là những thời điểm họ
được vinh quang, ngược lại khi họ không thiết tha với "Phần Gia
Nghiệp" thiêng thánh này, họ cũng mất tất cả.
Kể
từ các tổ phụ thuở ban đầu "mảnh đất Tây Á nhỏ bé này đã trở thành
một miền đất của hứa hẹn và hy vọng cho toàn thể nhân loại.." Ðến
thời các môn đệ của Ðức Kitô, các Ngài cũng đã thiết lập khắp miền Tiểu Á những
cộng đoàn tiên khởi. Về những cộng đoàn ấy có thể trưng dẫn sách Công Vụ Tông
Ðồ để nói về họ :"Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương
mến". Trong thực tế "Các tín hữu chuyên cần nghe lời các tông
đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và
cầu nguyện không ngừng". Và ngay cả khi trải qua những cuộc bách hại dữ
dội, người người phải tản mác, "Những người phải tản mác này đi khắp
nơi loan báo Lời Chúa" mà lòng "được tràn đầy hoan lạc và
Thánh Thần". Và theo thánh Phêrô thì đấy chính là dấu chỉ đặc trưng
nhất của ơn gọi, sứ mạng, và phẩm giá của họ : "Thiên Chúa là Ðấng thấu
suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng
như đã ban cho chúng ta" (Cv 15,8).
Như
thế, chiêm nghiệm lịch sử Dân Chúa, Giáo Hội tại Á Châu hôm nay cũng sẽ phải
khẳng định và xác tín "Phần Gia Nghiệp" thiêng thánh của tổ tiên mình
để có thể đón nhận được lời mời gọi khẩn thiết của chính Ðức Kitô "Cả
các anh nữa, hãy vào làm vườn nho cho tôi đi". Công việc trong
vườn nho của Chúa nói theo Isaia cũng chính là "làm trọng tài và
phân xử cho muôn dân, là đúc đao gươm thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên
liềm nên hái", hay nói theo Phaolô là "loại bỏ những
việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng". Ðó là hoa quả
của Thánh Thần.
Ngày nay trên mảnh đất Châu Á này đang bị bao trùm bởi
những đau thương của chiến tranh tàn phá, chính trong thời điểm cấp bách này mà
người tín hữu giáo dân "có thể giữ một vai trò độc nhất vô nhị"
trong việc "đưa Ðức Giêsu từ bi, Ðấng chữa lành và hòa giải,
đến với dân Á Châu, nhất là những người nghèo và những người bị gạt ra ngoài lề
xã hội." Giống như những tín hữu giáo dân thưở ban đầu trên lục
địa này.
Trong
cách nhìn mới mẻ và sâu sắc ấy, Ðức Thánh Cha đã khẳng định "Thánh Thần
Thiên Chúa đã luôn hoạt động trong lịch sử Giáo Hội Á Châu, hẳn cũng sẽ tiếp
tục hướng dẫn Giáo Hội ấy... làm chúng ta thêm hy vọng vào "một mùa xuân
mới của đời sống Kitô hữu". Niềm hy vọng này mới chính là MÙA VỌNG
đích thật mà chúng ta được mời gọi bước vào.