CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:         Rô-ma 13: 11-14

          Không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi có sự liên tục giữa Phụng vụ Lời Chúa cuối năm C với đầu năm A. Ngày của Chúa là chủ đề Phụng vụ của những Chúa Nhật cuối năm B và chủ đề ấy được lập lại trong Chúa Nhật I mùa Vọng đầu năm A. Như thế, rõ ràng chu kỳ Năm Phụng vụ đã được Giáo Hội sắp đặt nhằm nói lên sự liên tục ấy.

          Như chúng ta đã nhận thấy, các bài đọc Tân Ước (thư thánh Phao-lô hoặc các Tông đồ khác) thường nhắm đến những suy niệm thần học, giáo lý hay luân lý thực hành. Do đó, khi nói về Ngày của Chúa, đoạn trích thư Rô-ma hôm nay giới thiệu với chúng ta một suy niệm sống đức tin như thế nào để chờ đợi Chúa Cứu Thế đến.

          Trước hết, để nói lên tính cách khẩn thiết phải thay đổi lối sống, thánh Phao-lô nêu lên thời điểm cánh chung, tức "Ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta" sắp đến. Ngài muốn nhắc nhở tín hữu Rô-ma hãy mau mau tu sửa cuộc sống mình. "Ðêm sắp tàn, ngày gần đến" diễn tả thời điểm của Ðức Ki-tô và Giáo Hội Người đang chiếm lĩnh nhân loại. Nhưng thay đổi cuộc sống như thế nào? Trong các thư của thánh Phao-lô, hình ảnh ban ngày thường được dùng để diễn tả cuộc sống mới của Ki-tô hữu, đối nghịch với đêm tối tượng trưng cho đời sống tội lỗi trước khi họ được rửa tội. Viết cho tín hữu giáo đoàn Rô-ma, thánh Phao-lô muốn nhấn mạnh đến đời sống mới ấy. Ngài xin họ hãy nhìn vào đời sống mới Ki-tô hữu của họ với cái nhìn sáng suốt, mở lòng và toàn diện, tựa như họ nhìn rõ mọi vật quanh mình lúc trời sáng nhất, để can đảm nhận ra "những việc làm đen tối" và mau mắn "cầm lấy vũ khí của sự sáng mà chiến đấu."

          Như vậy, thay đổi lối sống phải được thực hiện trên hai phương diện: tiêu cực là nhận diện lối sống đen tối, và tích cực là sử dụng những vũ khí của sự sáng. Mô tả lối sống đen tối, thánh Phao-lô chỉ trưng dẫn một vài điểm tiêu biểu đối với tín hữu sống trong văn hóa Rô-ma thời ấy, như "chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương" (c. 13). Nhưng chắc chắn đó cũng là những tiêu biểu cho lối sống đen tối mọi thời, đặc biệt trong văn hóa Tây phương.

          Là công dân Rô-ma, Phao-lô không lạ gì những hình ảnh đặc thù Rô-ma như lực sĩ chạy đua, người lính chiến với đủ thứ vũ khí. Một lần nữa ngài sử dụng những hình ảnh quen thuộc với người Rô-ma, để sứ điệp được trình bày một cách cụ thể hơn. Chính ngài đã cụ thể hóa những nhân đức Ki-tô bằng những hình ảnh quen thuộc như áo giáp của Thiên Chúa (Ep 6:10), áo giáp đức tin, đức mến và mũ giáp là lòng trông cậy (1 Tx 5:8), khí giới công chính (Rm 6:13; 2 Cr 6:7), chiến đấu cho chân lý Tin Mừng (Gl 2:6). Cho nên ở đây khi nhắc đến những vũ khí của sự sáng, ngài mời gọi tín hữu Rô-ma (dĩ nhiên cả chúng ta nữa!) hãy "mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô." Mặc lấy Chúa Ki-tô cũng có nghĩa là trang bị bằng những vũ khí của Người. Ðó cũng là điểm tích cực của việc thay đổi lối sống chúng ta.

          Nếu áp dụng cái nhìn của thánh Phao-lô về duy vật chủ nghĩa nơi người Rô-ma vào thời đại chúng ta, chúng ta thấy mình cũng cần phải "loại bỏ những việc làm đen tối." Duy vật chủ nghĩa hôm nay làm cho chúng ta sống không phải là con người nữa. Những đen tối thiêng liêng khiến chúng ta lẫn lộn, không nhận ra được mình đang đi về đâu, không phân biệt được những giá trị căn bản. Dường như xã hội càng văn minh thì đen tối lại càng ập đến nhanh hơn. Hiểu như thế, "Ngày cứu độ" sẽ cho chúng ta ánh sáng để nhận ra "những việc làm đen tối" của chúng ta và sẽ trang bị cho chúng ta những vũ khí cần thiết cho cuộc chiến đấu cam go của chúng ta với ma quỷ, thế gian và tội lỗi.

          Ðoạn thư Rô-ma 13:11-14 được đưa vào Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật I mùa Vọng sẽ là một suy niệm thực hành hết sức thực tế và thích hợp, để giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng Mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          "Ðã đến lúc anh em phải thức dậy" là lời thánh Phao-lô nhắc nhở tín hữu Rô-ma. Có lẽ tôi cũng đã nói với mình nhiều lần câu ấy. Nhưng tôi có thực hành không? Ðiều gì khiến tôi ngại ngùng, lừng khừng hoặc tránh né?

          Tôi đã nhìn công cuộc Cứu chuộc của Chúa Ki-tô như thế nào? Như một người ngoại cuộc? Nếu quan hệ đối với tôi thì quan hệ như thế nào?

          Thánh Phao-lô có cái nhìn linh động về công cuộc Cứu chuộc ("Vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia"). Tôi có thấy tương tự như vậy không? Hay vẫn còn xa lắc xa lơ?

          Vũ khí nào của sự sáng tôi đã sử dụng nhiều nhất và lợi hại nhất cho tôi?

          Tôi có chương trình nào đặc biệt để chuẩn bị mừng và sống mầu nhiệm Giáng Sinh cho năm nay?

 

Cầu nguyện kết thúc    

Sau cầu nguyện bộc phát, hát một bài, hoặc cầu nguyện:

 

          "Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến. Xin đừng mỉm cười mà nói rằng Chúa đã ở bên chúng con rồi.

          Có cả triệu người chưa biết Chúa. Nhưng biết Chúa thì được cái gì: Chúa đến để làm gì nếu đời sống con cái Chúa cứ tiếp tục y như cũ?

          Xin hoán cải chúng con. Xin lay chuyển chúng con.

          Ước gì sứ điệp của Chúa trở nên máu thịt của chúng con, trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con. Ước gì sứ điệp đó lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại, và đòi buộc chúng con, làm chúng con không yên.

          Bởi lẽ chỉ như thế, sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con bình an sâu xa, thứ bình an khác hẳn, đó là Bình An của Chúa. A-men."           - Helder Camara

                                                                   (Trích RABBOUNI, lời nguyện 11)

Lm. Ða Minh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà