CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:         Rô-ma 15: 4-9

          Mượn lời thánh Phao-lô để công bố thời giờ Chúa đến và kêu gọi chúng ta thay đổi cuộc sống mà đón mừng Chúa (bài đọc Chúa Nhật I mùa Vọng), Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn đi sâu hơn vào Mầu nhiệm Ðức Ki-tô qua đoạn kế tiếp của thư gửi tín hữu Rô-ma.

          Mầu nhiệm Ðức Ki-tô trước hết được thánh Phao-lô giới thiệu ở đây qua lời khẳng định: "Mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh đều được chép để dạy dỗ chúng ta." Vậy Kinh Thánh là nguồn mạc khải dạy dỗ chúng ta điều gì? Nói rõ hơn, Kinh Thánh cho chúng ta biết gì về kế hoạch của Thiên Chúa và về Ðức Ki-tô? Qua những sách Cựu Ước, không những chúng ta biết Thiên Chúa hiện hữu và muôn vật đều do Người tác thành, nhưng chúng ta còn biết Người là Cha ("Thân Phụ Ðức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta") yêu thương chúng ta và muốn chúng ta được chia sẻ phần phúc với Người. Vậy để cho chúng ta biết những điều này, qua dòng Kinh Thánh Cựu Ước, Chúa đã bắt đầu bằng việc tỏ mình ra cho ông Áp-ra-ham và đặt ông làm tổ phụ một Dân được tuyển chọn. Rồi Người sai Con Một đến nhập thể làm người trong số miêu duệ ông. Ðó là tất cả sứ điệp Tin Mừng của Cựu Ước.

          Ðã là Tin Mừng thì sứ điệp ấy phải đem lại những điều tích cực. Thánh Phao-lô nêu lên những hiệu quả ấy: "Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy." Cho nên ngài cầu xin Thiên Chúa thực hiện những hiệu quả ấy nơi anh chị em tín hữu Rô-ma, cho họ được "đồng tâm nhất trí với nhau" để "đồng thanh tôn vinh Thiên Chúa."

          Tuy nhiên, có một bài học đặc biệt tín hữu giáo đoàn Rô-ma cần phải học hỏi nơi Mầu nhiệm Ðức Ki-tô. Vậy đó là bài học gì? Trước hết, hoàn cảnh của giáo đoàn có phần nào chia rẽ, nghi kỵ giữa tín hữu gốc Do-thái và tín hữu gốc Dân ngoại. Họ không muốn đón nhận nhau. Hoàn cảnh phân rẽ này đã được ngầm hiểu qua lời cầu xin của thánh Phao-lô, giờ đây được ám chỉ rõ ràng hơn qua lời nhắn nhủ trực tiếp của ngài: "Anh em hãy đón nhận nhau, như Ðức Ki-tô Giê-su đòi hỏi." Gương phục vụ của Ðức Ki-tô đòi hỏi tín hữu Rô-ma và cả chúng ta nữa, cần phải tiếp nhận nhau, như Người đã tiếp nhận và phục vụ mọi người, không phân biệt chủng tộc hay địa vị xã hội (xem Gl 3:27-29). Trước hết, Người đến để phục vụ "những người được cắt bì", tức người Do-thái giữ luật Mô-sê, để nói lên Thiên Chúa trung thành giữ lời hứa. Nhưng Người cũng đến với anh chị em Dân ngoại, để biểu tỏ lòng thương xót của Thiên Chúa.

          Ðó là diễn tiến suy niệm của Phao-lô về Mầu nhiệm Nhập Thể mà Giáo Hội muốn lập lại ở đây để giúp chúng ta chuẩn bị cử hành Mầu nhiệm Giáng Sinh. Ðiều khéo léo của Phao-lô là ngài trình bày dung mạo Ðức Ki-tô như một người Do-thái đích thực, một người được cắt bì để phục vụ những người được cắt bì. Tuy nhiên, bên cạnh hình ảnh Do-thái của Ðức Ki-tô, Phao-lô lại sử dụng những trích dẫn Kinh Thánh Cựu Ước (xem tiếp các câu 10-12) để chứng tỏ Ðức Ki-tô chính là Tình yêu Nhập Thể mà Thiên Chúa muốn tỏ ra cho toàn thể nhân loại.

          Hiểu được ý nghĩa của đoạn thư Rô-ma, chúng ta mới thấy thật ý nghĩa khi Phụng vụ Lời Chúa chọn đoạn này để giúp chúng ta có một suy niệm thần học về Mầu nhiệm Nhập Thể. Tuy vậy, đây không chỉ là một suy niệm thuần lý, nhưng là những áp dụng thực hành cụ thể cho đời sống Ki-tô hữu chúng ta. Lời Chúa trong Kinh Thánh có sinh hiệu quả nơi chúng ta như hạt giống gieo trong đất mầu không? Chúng ta có để cho Lời Thiên Chúa Nhập Thể là Ðức Ki-tô giúp chúng ta kiên nhẫn, an ủi và làm cho chúng ta vững lòng trông cậy không? Có lẽ bài học cụ thể nhất là sống tinh thần hiệp nhất, "quy về một mối" trong Ðức Ki-tô (recapitulation) và ý thức tính cách phổ quát của ơn cứu rỗi.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi đã không đón nhận một số anh chị em vì lý do gì? Gương đón nhận của Ðức Ki-tô trong sách Tin Mừng giúp tôi nhìn lại thái độ của mình như thế nào?

          Trong những mùa Vọng trước đây, có bao giờ tôi thực sự dành thì giờ để suy niệm về ý nghĩa của việc Thiên Chúa làm người không? Hay cũng chỉ là những chuẩn bị theo người đời như trang hoàng nhà cửa, sắm quà Giáng Sinh...?

          Suy niệm về Mầu nhiệm Nhập Thể giúp tôi cầu nguyện thế nào? Tôi nghe Chúa nói gì với tôi và tôi đáp lại lòng yêu thương của Người như thế nào?

          Tính cách phổ quát của Tình yêu Thiên Chúa dạy tôi những bài học nào?

          Tôi làm gì để đón nhận anh chị em trong nhóm, trong cộng đoàn, giáo xứ...?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về mùa Vọng.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A | Về Trang Nhà