CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Gia-cô-bê 5: 7-10
Ðoạn thư
thánh Gia-cô-bê Tông đồ đưa chúng ta tới một thái độ cần thiết của những người
chờ đợi. Qua lời thánh Phao-lô, chúng ta đã được mời gọi hãy "đồng tâm
nhất trí" (CN I) và "đón nhận nhau như Ðức Ki-tô Giê-su đòi hỏi"
(CN II). Hôm nay, lời thánh Gia-cô-bê nhắn nhủ chúng ta "cứ kiên nhẫn cho
tới ngày Chúa quang lâm."
Kinh nghiệm
về sự thiếu kiên nhẫn đầy dẫy trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nhiều
người đồng ý rằng biến cố 11 tháng 9 đã dạy cho dân Mỹ bài học kiên nhẫn khi
chờ đợi. Người ta không còn kêu ca khi xếp hàng chờ soát vé máy bay hoặc để
nhân viên kiểm soát an ninh thi hành nhiệm vụ. Bài đọc Tân Ước Chúa Nhật III
mùa Vọng cho thấy hoàn cảnh thiếu kiên nhẫn của các tín hữu thời Giáo Hội sơ
khai khi họ chờ đợi Chúa Ki-tô trở lại để phán xét nhân loại. Một phần vì áp
lực của những bách hại phải chịu quá lâu, một phần vì nghĩ rằng sắp đạt được
phần thưởng và sự cứu rỗi khi Chúa trở lại, các tín hữu đã chờ đợi Chúa đến với
thái độ thiếu kiên nhẫn mỗi ngày một tăng thêm. Khi không còn kiên nhẫn thì
người ta hay lầu bầu kêu ca. Do đó, thánh Gia-cô-bê, "người anh em của
Chúa" và đứng đầu cộng đoàn tiên khởi Giê-ru-sa-lem, đã lên tiếng kêu gọi
tín hữu hãy kiên nhẫn. Ngài bảo đảm với họ rằng kế hoạch của Thiên Chúa chắc
chắn sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên thời gian hoàn tất là do Thiên Chúa, Ðấng
hoạch định. Ðể cụ thể hóa thái độ kiên nhẫn, thánh Gia-cô-bê sử dụng một hình
ảnh quen thuộc: nhà nông kiên nhẫn chờ đợi những cơn mưa trong suốt mùa trồng
trọt.
Sự thiếu
kiên nhẫn không chỉ ảnh hưởng từng cá nhân chúng ta, mà người khác thường cũng
phải gánh chịu hậu quả do việc thiếu kiên nhẫn của chúng ta nữa. Thí dụ trong
Thánh lễ hoặc những giờ Phụng vụ, trẻ em thiếu kiên nhẫn đã làm cho người lớn
phải chia trí vì những ồn ào, chọc phá chúng gây nên. Thánh Gia-cô-bê đã nêu
lên một hậu quả tiêu biểu của sự thiếu kiên nhẫn, đó là "phàn nàn kêu
trách lẫn nhau." Người ta đổ bực bội sang người khác khi mất kiên nhẫn.
Người ta xét xử lẫn nhau khi mất bình tĩnh hoặc nóng nảy.
Cuộc sống
chúng ta cần phải có được sự an tâm của nhà nông khi họ tín thác vào kế hoạch
của Thiên Chúa về chu kỳ mùa màng gặt hái. Họ biết định kỳ Thiên Chúa đã sắp
đặt: mùa xuân để gieo hạt, mùa hè để chăm sóc, tưới bón cho hoa mầu lớn lên và
sinh hoa kết trái, mùa thu để gặt hái. Nhà nông tin vào tiến trình thiên nhiên
căn bản ấy. Lệ thuộc vào tiến trình ấy và kiên nhẫn cộng tác với kế hoạch thiên
nhiên của Thiên Chúa là tất cả thái độ của họ, hết năm này sang năm khác. Nếu
họ không tin tưởng như vậy, thì chúng ta sẽ chẳng có cơm gạo, ngũ cốc, hoa trái
để mà ăn và sống.
Thánh Gia-cô-bê sử dụng khuôn
mẫu nông nghiệp ấy để nói với chúng ta rằng kế hoạch của Thiên Chúa luôn tiến
hành chậm nhưng chắc chắn. Cho nên chúng ta phải chấp nhận kế hoạch ấy với tất
cả kiên nhẫn và hiểu biết. Ðiều quan trọng hơn cả không phải là chờ đợi một
cách thụ động, nhưng phải là những người thực hành lời Chúa. Trong suốt lá thư,
thánh Gia-cô-bê đã đề cập tới hai điểm chính: thứ nhất là tránh bất công xã
hội, điển hình là những chênh lệch giàu nghèo và những bất công người giàu gây
nên; thứ hai là cần phải tỏ ra đức tin sống động qua những việc làm cụ thể -
"Ðức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" (2:17). Trích
dẫn lời thánh Gia-cô-bê kêu gọi "Xin anh em cứ kiên nhẫn cho tới ngày Chúa
quang lâm", Phụng vụ Lời Chúa ngầm hiểu chúng ta hãy cố gắng sống tất cả
những gì ngài nhắc đến trong thư, chứ không phải chỉ nghe một lời kêu gọi
suông. Sự kiện "Vị Thẩm Phán đang đứng ngoài cửa" phải là một lý do
để chúng ta sống niềm hy vọng, kiên nhẫn và chịu đựng, tức là vẫn tiếp tục xây
dựng cho công bình xã hội và làm chứng cho đức tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô
qua những hành vi đạo đức.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Ðể chờ
đợi Chúa lại đến, kiên nhẫn và cầu nguyện là hai điều được lập đi lập lại (xem
1 Tx 5:1-11.17.18; Mt 26:41). Tôi đã ý thức tầm quan trọng của kiên nhẫn và cầu
nguyện như thế nào? Tôi đã hiểu kiên nhẫn chịu đựng nghĩa là gì đối với Ki-tô
hữu? Sống như môn đệ Chúa Ki-tô đã đem lại cho tôi những khó khăn nào?
Suy nghĩ về
thái độ thiếu kiên nhẫn của mình, tôi đã gây cho những người chung quanh, trong
gia đình hoặc trong nhóm, những phiền hà và đau khổ nào?
Phụng vụ
Lời Chúa vẫn tiếp tục hướng dẫn chúng ta trong chủ đề Ngày quang lâm của Chúa
Ki-tô trong những Chúa Nhật mùa Vọng. Vậy tôi chuẩn bị đón Chúa đến với tôi
trong giờ sau hết, hay chuẩn bị kỷ niệm Chúa đến trong bầu khí lễ lạc tưng
bừng? Nếu là chuẩn bị cho ngày Chúa đến với tôi, tôi đã có được những thái độ
nào như thánh Phao-lô và thánh Gia-cô-bê đã mời gọi?
Tôi có nhìn
những biến cố, diễn tiến trong cuộc đời mình như những mốc điểm nói lên cuộc
cứu độ Chúa đang thực hiện dần dần nơi tôi không? Chúng đã nói lên những gì tôi
cần phải thay đổi để trở nên "thụ tạo mới" hoặc nên giống Chúa Ki-tô?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu
nguyện bộc phát, hát một bài thích hợp, hoặc đọc kinh sau đây:
Lạy Chúa
Giê-su, nếu ngày mai Chúa quang lâm, chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.
Thế giới
này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của
Chúa.
Chúa đâu
muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào...
Xin cho
chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và công
bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho
mọi người và cho cả vũ trụ.
Xin nuôi
dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả
những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại. A-men.
(Trích RABBOUNI, lời
nguyện 48)
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi