CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma 1: 1-7
Mở đầu thư
viết cho các tín hữu gốc Do-thái lẫn Dân ngoại thuộc giáo đoàn Rô-ma, thánh
Phao-lô đề cập tới ơn gọi làm Tông đồ của ngài và sứ vụ ngài lãnh nhận để loan
báo Tin Mừng của Thiên Chúa. Khi trích dẫn đoạn thư Rô-ma, chắc chắn Phụng vụ
Lời Chúa muốn hướng chúng ta về chủ đề chính là Mầu nhiệm Nhập Thể, chứ không
phải về sứ vụ của người rao giảng Mầu nhiệm ấy. Do đó, chúng ta sẽ chú tâm đến
những điểm liên hệ tới Tin Mừng của Thiên Chúa được diễn tả trong lời chào thăm
của thánh Phao-lô mà thôi.
Vậy
"Tin Mừng của Thiên Chúa" đây là gì? Trước hết đó là tin mừng nguyên
thủy đã manh nha từ Cựu Ước. Thiên Chúa hứa ban Ðấng Cứu Thế khi Người phán với
con rắn trong vườn địa đàng: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,
giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và
mi sẽ cắn vào gót nó" (St 3:15). Lời hứa này đã được truyền lại nhờ các
ngôn sứ trong Cựu Ước. Nhắc đến chi tiết này, thánh Phao-lô muốn đề cao sự hòa
hợp và liên tục giữa Cựu Ước với Tân Ước và khẳng định tin mừng này không chỉ
dành riêng cho dân Do-thái mà thôi, nhưng là cho tất cả mọi người, không phân
biệt chủng tộc màu da.
Tin Mừng ấy
giờ đây được thánh Phao-lô lập lại theo lối tuyên xưng đức tin, với những từ
ngữ rất đặc biệt trong câu 2 và 3. Từng lời từng chữ được chọn lựa kỹ lưỡng,
mang nét thần học, cố ý để định tín Mầu nhiệm Ðức Ki-tô. Cái nhìn của Phao-lô
về Ðức Giê-su Ki-tô luôn luôn theo hai khía cạnh:
- "xét như một người
phàm" (xem Ga 1:14; Gl 4:14), và
- "xét như Ðấng đã từ cõi
chết sống lại" (xem Ep 11:9-10; Cl 1:15-16,19-20).
Ðó là hai yếu tố chính của Ki-tô
học, hoặc của Tin Mừng về Ðức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa. Như thế, khi suy
niệm đoạn thư này trong bối cảnh Phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật IV mùa Vọng,
chúng ta hãy hướng về Mầu nhiệm Ðức Ki-tô trong hai chiều kích Nhập Thể và Phục
Sinh. Không thể tách rời hai yếu tố ấy nơi Ðức Ki-tô. Nhập Thể là khởi điểm để
Thiên Chúa đến với con người trong lịch sử, trong không gian và thời gian, tức
là Chúa Giê-su, Thiên Chúa làm người, "xuất thân từ dòng dõi vua
Ða-vít". Còn Phục Sinh là khởi điểm để con người trở về với Thiên Chúa
trong vĩnh cửu và bất hoại, nghĩa là được chia sẻ vinh hiển cùng Ðức Ki-tô,
Ðấng "đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng". Nơi Ðức
Ki-tô, con người bắt đầu cuộc hành trình trở về nhà Cha.
Khi suy niệm về Mầu nhiệm Ðức
Ki-tô, thánh Phao-lô thường rút ra bài học thực hành cho chính ngài và cho các
tín hữu đọc thư ngài. Ðối với cá nhân ngài, được thấy Chúa Ki-tô Phục Sinh trên
đường đi Ða-mát và được gọi làm Tông đồ của Chúa, đó là một ân sủng cao quý (Rm
12:3; 15:15; 1 Cr 3:10; 15:10; Gl 2:9). Sứ vụ đặc biệt của Phao-lô là đem Tin
Mừng đến cho anh em Dân ngoại, nên ngài cố gắng làm mọi sự để thi hành sứ vụ ấy
cách tốt đẹp, dù có phải hy sinh mạng sống, miễn là danh Ðức Ki-tô được rạng
rỡ. Thánh Phao-lô đã lấy mạng sống mình để đáp lại hồng ân Chúa.
Còn chúng ta, tuy không được đặc
ân được gọi làm Tông đồ như thánh Phao-lô, nhưng chúng ta "đã được kêu gọi
để thuộc về Ðức Giê-su Ki-tô." Ðược Thiên Chúa kêu gọi đã là một đặc ân
rồi. Chính vì yêu thương chúng ta, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta và cho chúng
ta được "thuộc về Ðức Ki-tô." Nhận thức lời kêu gọi này của Thiên
Chúa, thánh Phao-lô không ngần ngại gọi tín hữu Rô-ma và dĩ nhiên cả chúng ta
ngày nay nữa là "những người được Thiên Chúa yêu thương", hoặc mạnh
nghĩa hơn, là "các thánh". Gọi chúng ta là "thánh", Phao-lô
không có ý nhấn mạnh đến tình trạng luân lý của chúng ta, nhưng ngài muốn đề
cao hồng ân được Thiên Chúa gọi của chúng ta. Tuy nhiên, nếu Thiên Chúa đã
thương gọi chúng ta, thì Người cũng mong mỏi chúng ta đáp lại ân sủng ấy.
Câu hỏi gợi ý chia se
Tôi đã
nhìn Ðức Ki-tô như một Mầu Nhiệm của Thiên Chúa như thế nào? Nếu tôi hiểu Chúa
Ki-tô đã sinh ra, chết và sống lại cho tôi, thì Mầu Nhiệm ấy có ý nghĩa nào đối
với tôi? Tôi đã sống Mầu Nhiệm ấy thế nào?
Khi nói về
sứ vụ Tông đồ, thánh Phao-lô coi đó là hồng ân Thiên Chúa "dành
riêng" cho ngài để loan báo Tin Mừng. Ðâu là hồng ân Thiên Chúa "dành
riêng" cho tôi? Tôi có thể chia sẻ với nhóm điều gì về việc "dành
riêng" này?
Mỗi lần
kiểm điểm lại đời sống, tôi có lấy việc "được kêu gọi để thuộc về Ðức
Giê-su Ki-tô" như là tiêu chuẩn để thẩm định mức độ sống Tin Mừng không?
Nói khác đi, tôi thấy mình là "Ki-tô hữu" như thế nào?
Tôi đã cảm
nghiệm được "ân sủng và bình an" qua Mầu Nhiệm Ðức Ki-tô như thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu
nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài về mùa Vọng, hoặc đọc lời nguyện sau
đây:
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu
trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và
hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người.
Xin dạy chúng con biết đường lên
trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh chị em.
Khi ngước nhìn lên quê hương
vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh để xây dựng trái đất này, và
chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa Giê-su đang ngự bên hữu
Thiên Chúa, xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên
trời cao; và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân con tiến về bên
Chúa.
Ước gì qua cuộc sống hằng ngày
của chúng con, mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
(Trích RABBOUNI, lời
nguyện 46)
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi