CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Công
Vụ Tông Ðồ 10: 34-38
Ðoạn sách
Công Vụ Tông Ðồ trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nhắc đến sự kiện Chúa Giê-su
chịu phép rửa của ông Gio-an. Sự kiện ấy đã được nói đến trong bài giảng của
thánh Phê-rô tại nhà một viên đại đội trưởng người Rô-ma.
Không bao
lâu sau khi lãnh nhận Thánh Thần, các Tông Ðồ hăng hái lên đường rao giảng Tin
Mừng. Qua một thị kiến xảy ra ở nhà ông Phê-rô trọ tại Gia-phô, ông đã được
lệnh Chúa truyền phải đến với cả những anh em Dân ngoại nữa. Ngay lúc ấy,
Co-nê-li-ô, viên đại đội trưởng Rô-ma, cho người đến mời ông Phê-rô tới giảng
Tin Mừng cho tất cả gia đình ông. Họ là những người Dân ngoại đầu tiên được đón
nhận vào Giáo Hội do chính tay đấng Ðại diện Chúa Ki-tô. Vậy phần trích dẫn bài
giảng của thánh Phê-rô muốn trình bày điều gì?
Trước hết
thánh Phê-rô mở đầu bài giảng bằng cách đề cao tình yêu cứu rỗi của Thiên Chúa.
Người muốn cứu chuộc mọi người, không phải chỉ những người Do-thái. Người đã
sai Ðức Giê-su Ki-tô đến loan báo Tin Mừng cứu rỗi cho nhân loại.
Tiếp theo
lời giới thiệu Ðức Giê-su Ki-tô, bài giảng của Phê-rô nói vắn tắt về sứ vụ Cứu
Thế của Chúa qua những biến cố chính trong cuộc đời dương thế của Người. Ðây là
bài giảng theo cùng một khuôn mẫu ngắn gọn (kerygma), sơ lược về sứ mệnh Cứu
Thế của Chúa Giê-su, như chúng ta đã gặp trong sách Công Vụ Tông Ðồ, khi ông
Phê-rô giảng cho dân chúng Giê-ru-sa-lem ngày lễ Ngũ Tuần (2:14-36) và tại hành
lang Sa-lô-môn cạnh Ðền Thờ (3:11-26).
Nhắc đến
biến cố Chúa Giê-su lãnh nhận phép rửa của Gio-an, thánh Phê-rô muốn nhấn mạnh
đến việc "Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn
phong Người." Ðối với Chúa Giê-su, chịu phép rửa của Gio-an không có
nghĩa là Người đến để lãnh nhận một dấu chỉ từ bỏ đường tội lỗi để quay về với
Thiên Chúa, vì Người chẳng có tội, cũng chẳng bao giờ quay mặt xa Thiên Chúa.
Ðiều ấy dành cho mọi người chúng ta là những kẻ tội lỗi. Nhưng Chúa Giê-su đến
lãnh nhận phép rửa Gio-an là dịp để Người thay mặt cho toàn thể nhân loại tội
lỗi. Hôm ấy, Người thay mặt cho chúng ta là những kẻ tội lỗi để tiếp nhận tình
yêu cứu rỗi của Thiên Chúa và Người mở cánh cửa cứu rỗi cho chúng ta. Trong
cung cách long trọng ấy, Cha trên trời đã tuyên bố Ðức Giê-su là Con của Người
và là Tôi tớ trung tín. Quyền năng Thánh Thần xuống trên Người để chứng thực
cho lời công bố của Thiên Chúa Cha. Tuyên bố Ðức Giê-su, Trưởng tử của nhân
loại mới, là "Con yêu dấu", Thiên Chúa Cha đã chấp nhận Ðức Giê-su là
"hoa quả đầu mùa" của tất cả những hoa quả tiếp theo.
Ðặc điểm
của một người con yêu dấu, đó là sự vâng phục hoàn toàn đối với cha. Thánh
Phao-lô đã mô tả sự vâng phục của Chúa Giê-su như sau: "Người đã trút bỏ
vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần
thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên
cây thập tự..." (Pl 2:7-8). Người Con yêu dấu ấy đã làm theo ý Cha nên
được Chúa Cha siêu tôn và muôn loài phải tuyên xưng "Ðức Giê-su Ki-tô là
Chúa" (c.11). Ðó cũng chính là danh hiệu thánh Phê-rô đã tuyên xưng về Ðức
Ki-tô ngay đầu bài giảng của ngài ("nhờ Ðức Giê-su Ki-tô, là Chúa của
mọi người").
Sau khi
được Thiên Chúa Cha tuyên phong và Thánh Thần chứng nhận, Chúa Giê-su đã lên
đường thi hành sứ mệnh cứu thế. "Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới
đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với
Người." Thật là một hình ảnh cảm động và trang trọng, nói lên tầm vĩ đại
cao quý của một sứ mệnh độc nhất vô nhị. Tất cả việc thi hành sứ mệnh cao cả ấy
được gói ghém trong một câu Kinh Thánh ngắn gọn. Có lẽ vì thánh Phê-rô thấy
không biết phải dùng ngôn từ nào để diễn đạt được nên ngài chỉ biết nêu lên như
một đề tài mời gọi chúng ta suy niệm không ngừng. Những người đang nghe thánh
Phê-rô giảng đều "biết rõ" về những gì Chúa Giê-su đã rao giảng và đã
hành động. Còn chúng ta ngày nay cũng được ân phúc "biết rõ" qua
những gì được ghi chép lại trong sách Tin Mừng và qua những lời giảng dạy.
Vậy lời khẳng định của Thiên
Chúa Cha trực tiếp giới thiệu vai trò và sứ mệnh của Chúa Giê-su, thì cũng gián
tiếp mời gọi chúng ta hãy "tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được tha
tội" (c.43).
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Có khi
nào tôi nhìn việc Chúa Giê-su lãnh nhận phép rửa Gio-an như là một hành động
Người làm cho toàn thể nhân loại nói chung và cho cá nhân tôi không? Qua Chúa
Giê-su, tôi đã nghe lời tuyên phán của Chúa Cha theo ý nghĩa nào?
Thánh
Phê-rô khẳng định sứ mệnh của ngài là: "Còn chúng tôi đây xin làm chứng về
mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính
Giê-ru-sa-lem." Tôi sẽ khẳng định sứ mệnh của mình như thế nào?
Tôi đã suy
niệm thế nào về Chúa Giê-su thi hành sứ mệnh của Người? Sách Tin Mừng có thực
sự là một dụng cụ hữu hiệu nhất giúp tôi sống lại những ngày tháng Chúa rao
giảng Tin Mừng, cầu nguyện, sống với các môn đệ, chịu cuộc Thương Khó, chết và
sống lại không?
Hiểu chỗ
đứng của lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa (= Chúa Nhật I mùa thường niên), tôi sẽ
có thái độ nào để tiếp tục suy niệm về việc Chúa thi hành sứ mệnh qua Phụng vụ
Lời Chúa của các Chúa Nhật mùa thường niên?
Cầu nguyện kết thúc
Sau cầu
nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc cùng cầu nguyện lại với
lời nguyện trong Chúa Nhật IV mùa Vọng (lời nguyện 46, Rabbouni).
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi