CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 1 Cô-rin-tô 12: 3-7.12-13
Một
trong những rắc rối thánh Phao-lô phải giải quyết cho những anh chị em tân tòng
tại giáo đoàn Cô-rin-tô là việc lộn xộn về các hồng ân Thánh Thần. Người ta thấy
rõ là tín hữu Cô-rin-tô đã được Thánh Thần ban xuống những ân sủng đặc biệt.
Ðời sống đạo tại giáo đoàn trẻ trung này xem ra vô cùng khởi sắc. Tuy nhiên
tình trạng ấy cũng có thể khiến người ta có nhiều ngộ nhận về bản chất và mục
đích của những ân sủng Thánh Thần, thậm chí có khi người ta còn sử dụng những
ân sủng đó để phục vụ cho tư lợi hoặc làm bình phong gây nên chia rẽ trong cộng
đoàn. Do đó, trong chương 12, thánh Phao-lô đã đặc biệt nhắc nhở tín hữu
Cô-rin-tô về nguồn gốc và mục đích của các đặc sủng.
a)
Bản chất và nguồn gốc của đặc sủng
Ðặc
sủng là một ân huệ đặc biệt. Nếu đã là đặc biệt thì cũng phải được xét dưới
những khía cạnh đặc biệt. Ðể nói lên những khía cạnh đặc biệt của hồng ân Thánh
Thần, thánh Phao-lô đã nhìn đặc sủng ấy dưới lăng kính mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên
Chúa để giúp chúng ta hiểu về nguồn gốc, mục đích và hoạt động của nó. Các câu
4-6 đề cao "tác giả" của tất cả những gì đã được ban phát để xây dựng
cộng đồng Giáo Hội. "Tác giả" ấy là chính Ba Ngôi: Thánh Thần ban mọi
đặc sủng; Ðức Ki-tô thực hiện mọi việc phục vu Thiên Chúa và nhân
loại; Chúa Cha tiếp tục công cuộc tạo dựng mọi sự trong mọi người. Như
vậy đặc sủng do Thánh Thần ban là để thi hành việc phục vụ mà Chúa Ki-tô đã làm
hầu cộng tác vào việc hoàn tất công trình tạo dựng của Thiên Chúa Cha.
b)
Ðặc sủng là phương tiện thực hiện sự hiệp nhất
Ân
sủng của Thánh Thần mang nét độc đáo nhất, đó là do chính mục đích của nó: đem
lại sự hiệp nhất. Mục đích này cũng khiến cho nhiều người thích gọi những đặc
sủng này là đoàn sủng, tức là những ân sủng được ban với mục đích để xây dựng
cộng đoàn. Nếu những đặc sủng đã đến từ một nguồn gốc duy nhất thì chúng cũng
được sử dụng cho một mục đích duy nhất là xây dựng Nhiệm thể Chúa Ki-tô. Chính
vì thế, tất cả phần còn lại của chương 12, thánh Phao-lô đã tỉ mỉ nói đến cơ
cấu chặt chẽ của Nhiệm thể Chúa Ki-tô, để cuối cùng đi tới kết luận: chúng ta
là thân thể Ðức Ki-tô, tất cả chúng ta đã được đầy tràn Thần Khí duy nhất.
Nếu
không nhìn các đặc sủng theo mục đích của chúng, chúng ta có thể phóng đại tầm
quan trọng của một đặc sủng nào đó theo mục đích riêng của chúng ta. Thí dụ một
số anh em tín hữu Cô-rin-tô coi đặc sủng nói các thứ tiếng lạ là đặc sủng lớn
lao, vì đặc sủng này dễ làm cho người nhận được "nổi tiếng", thay vì có
ích lợi cho cộng đoàn. Trong trường hợp này, đặc sủng có thể dần dần biến thành
một nguyên nhân gây đố kỵ, kiêu căng và cuối cùng là chia rẽ. Do đó, trong câu
28, vị trí của đặc sủng ấy đã được thánh Phao-lô xếp vào cuối cùng để cho thấy
những đặc sủng khác là quan trọng hơn.
c)
Ðức mến, điều kiện cần thiết nhất để thi hành đặc sủng
Nếu
đọc câu chuyển ý (c.31) sang chương 13 nói đến thứ bậc các đặc sủng, chúng ta
hiểu được vai trò vô cùng quan trọng của đức ái trong việc thi hành đặc sủng
mình có. Ðức mến phải là động lực duy nhất thúc đẩy chúng ta đem những ân huệ
Chúa ban riêng cho chúng ta mà phục vụ Giáo Hội và anh chị em. Nói khác đi, đặc
sủng chỉ là phương tiện, là những khả năng đặc biệt của người tông đồ đi xây
dựng Giáo Hội. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là cái hồn tông đồ, tức là
tất cả thiện chí, tâm huyết, gắn bó của người tông đồ với sứ mệnh và với Ðấng
trao sứ mệnh cho mình. Thiếu cái hồn ấy, mọi việc chúng ta làm chỉ là những ồn
ào vô bổ, tựa như "thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng" mà
thôi.
Thánh
Thần không thể tách rời khỏi Nhiệm thể Chúa Ki-tô. Ðây chính là cao điểm của
giáo lý về Giáo Hội. Thánh Thần là linh hồn, hiệp nhất mọi chi thể khác nhau
lại thành một Thân thể, một Dân Mới của Thiên Chúa, để không còn là
"Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do" nữa, nhưng là anh chị em con
cùng một Cha và "đồng thừa tự" với Ðức Ki-tô.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
Những
từ ngữ "đặc sủng, phục vụ, xây dựng (làm)" đã diễn tả những đặc nét
của Ba Ngôi Thiên Chúa như thế nào? Ðó có phải là sứ mệnh Chúa muốn mỗi người
chúng ta tiếp tục hay không?
Tôi có
đặc sủng gì? Từ trước tới nay tôi đã sử dụng đặc sủng ấy cho ích lợi của nhóm,
của cộng đoàn, của Giáo Hội như thế nào?
Một
trong những sự kiện cho thấy chúng ta hiểu sai hoặc lạm dụng đặc sủng, đó là
gây ra chia rẽ cộng đoàn. Tôi hoặc nhóm có khi nào rơi vào tình trạng này
không? Nếu có, chúng tôi sửa sai như thế nào?
Tôi
có chú trọng đến động lực đức mến khi làm bất cứ điều gì không? Chia sẻ một vài
công việc có "hồn tông đồ" và một vài công việc không có "hồn
tông đồ". Kết quả như thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, hát một bài kính Chúa Thánh Thần, hoặc kinh sau đây:
Lạy
Chúa Thánh Thần, xin ban sức sống cho chúng con. Xin cho cuộc đời kitô hữu của
chúng con đừng rơi vào sự đơn điệu nghèo nàn, vào những lối mòn quen thuộc,
nhưng xin canh tân và tái tạo chúng con mỗi ngày.
Xin
nuôi chúng con bằng những thức ăn mới, cho chúng con khám phá ra những chiều
sâu khôn dò của Ðức Kitô và ý nghĩa thâm thúy của Tin Mừng.
Lạy
Chúa Thánh Thần là Ðấng ban sự sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo
lực, khủng bố, chiến tranh; mạng sống con người bị coi rẻ.
Xin
cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi.
Ước
gì Chúa ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới, để con người có thể hiểu nhau
hơn và đón nhận nhau trong yêu thương.
(Kinh
nguyện trích từ RABBOUNI, 120 lời nguyện của bạn trẻ, lời nguyện
38)
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi